Sách nói là một phần của văn hóa đọc
Chương trình tọa đàm với chủ đề Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng, nhằm chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022; đồng thời giới thiệu sách nói - một trong các loại hình xuất bản phẩm điện tử được ưa chuộng gần đây, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành xuất bản; do Cục Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam phối hợp cùng ứng dụng sách nói Voiz FM và Công ty V&V tổ chức, thu hút sự chú ý của độc giả.
Nhiều năm trở lại đây, việc thúc đẩy văn hóa đọc đang ngày càng được quan tâm. Rất nhiều hoạt động, chương trình được tổ chức từ thành thị đến nông thôn, từ trực tiếp đến trực tuyến, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc. Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) - nhận định văn hóa đọc với chuyển đổi số là vấn đề mới. Trước đây, chúng ta có nhiều rào cản nhưng hiện nay, mọi rào cản sẽ được vượt qua để phát triển nhiều hơn.
Ông Trần Đại Chính - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thư viện miền Đông Nam Bộ - cũng đồng thuận với ý kiến này, truyền thống sách giấy đã tạo thói quen trong văn hóa đọc, tuy nhiên chúng ta đã bắt gặp hình ảnh cụ già sử dụng smartphone để đọc tin tức. Chính hình ảnh này đặt ra cho các ngành in ấn - xuất bản, thư viện, rộng hơn là lĩnh vực thông tin, đề cao việc đọc sách.
Từ đây, ngành xuất bản có vai trò và chỗ đứng hơn trong nền kinh tri thức. Ông Chính cho biết: "Đây là nền kinh tế tuần hoàn và chia sẻ thông qua công nghệ, chúng ta sẽ không gặp cản trở về giờ giấc hành chính, xét góc độ người hưởng thụ văn hóa. Chúng ta cần làm tốt hiện tại và làm mới thói quen người đọc với sự kết hợp của công nghệ".
Ông Lê Hoàng Thạch - CEO ứng dụng sách nói Voiz FM - cho rằng văn hóa đọc cần gắn với nhu cầu người dùng. Ở Việt Nam, lượt truy cập về sách nói khá cao, thể hiện nhu cầu của người dùng. Vì vậy, Voiz FM được tạo ra để đáp ứng nhu cầu có thật của người dùng. Nếu không có thời gian tự đọc thì hãy để một người khác đọc cho bạn. Đây là chiến lược của Voiz FM.
Tuy vậy, việc phát triển văn hóa đọc cộng đồng đi cùng sách nói cũng sẽ đòi hỏi nhiều thử thách. Theo ông Nguyễn Nguyên, hiện tại phát triển sách nói còn nhiều rào cản: đội ngũ sản xuất chưa đủ mạnh; hành lang pháp lý, đặc biệt là vấn đề là bảo vệ bản quyền, thủ tục. Cuối cùng là vấn đề đầu tư, nếu không có sự đầu tư công nghệ thì không thể có sự đổi mới. Một vấn đề quan trọng khác là cần thay đổi nhận thức, bắt đầu từ các bạn trẻ đam mê và yêu sách.
Ông Nguyên đánh giá: "Ở Việt Nam, 21% dân số đọc sách nhưng nếu nhìn chiều còn lại, đây là thị trường tiềm năng và cần phát triển hơn nữa. Bởi vì còn một thị trường gần 80 triệu người chưa được phục vụ, chúng ta cần phải biến những rào cản thành cơ hội".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/sach-noi-la-mot-phan-cua-van-hoa-doc-20220420205049441.htm