'Sách tặc' làm giàu bất chính, tác giả vất vả với nghề
Tác giả Rosie Nguyễn nói người làm, buôn bán sách lậu hưởng lợi trên công sức sáng tạo của nhà xuất bản, người viết. Sách lậu làm giảm thu nhập, cùn mòn sức sáng tạo của tác giả.
Rosie Nguyễn là tác giả sách, blogger/facebooker về văn hóa du lịch, giảng viên lớp học kỹ năng.
Chị là tác giả của Ta ba lô trên đất Á, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, Mình nói gì khi nói về hạnh phúc.
Đặc biệt, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? liên tiếp lọt top sách bán chạy của một số nhà phát hành lớn từ 2017 tới nay.
Với tư cách người cầm bút, Rosie Nguyễn kêu gọi các tác giả cùng lên tiếng về nạn sách giả, sách lậu.
"Tôi nhiều lần thấy link đăng ebook lậu, vi phạm sách của mình"
- Những đối tượng làm sách giả thường làm lậu tác phẩm bán chạy, ăn khách. Là tác giả của cuốn best-seller, chị có sách bị làm giả, vi phạm bản quyền không?
- Tôi từng gặp rất nhiều phiên bản sách lậu đối với tác phẩm của mình. Các câu chuyện liên quan cũng đủ dạng. Ví dụ, khá nhiều độc giả nhắn tin cho tôi bảo sách hay, nội dung hữu ích, nhưng lại có quá nhiều lỗi sai chính tả. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên vì mình thường làm kỹ công đoạn dò lỗi chính tả.
Khi tôi nhờ bạn đọc chụp ảnh các chỗ sai, so sánh, thấy bản gốc không có. Xem xét nhiều điểm khác, tôi phát hiện ra rằng các độc giả đó mua phải sách lậu.
Một số bạn bè, độc giả thân quen cũng nhiều lần gửi tin nhắn cảnh báo rằng họ thấy sách của tôi bị bán giả công khai tại các tiệm nhỏ hoặc khu phố bán sách giá rẻ gần các trường học.
Ngoài ra, tôi cũng nhiều lần thấy link đăng tải ebook, audio book lậu với các tác phẩm của mình tràn lan trên mạng.
Tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn, email liên quan việc vi phạm bản quyền rất vô tư từ độc giả. Ví dụ, có người nói rằng rất yêu quý sách của tôi, nên nhắn tin xin phép đánh máy lại nội dung để đăng trên mạng.
Có những bạn trẻ chuyên làm sách nói định thu âm lại toàn bộ nội dung sách để đăng dài kỳ trên YouTube cho khán, thính giả của họ.
- Mỗi lần thấy sách lậu, sách làm giả tác phẩm của mình, cảm giác của chị ra sao?
- Tôi rất bức xúc. Một mặt, tôi cũng cảm thấy xót thay người đọc khi họ mua phải sách giả. Mặt khác, tôi cảm thấy bất bình với người làm sách lậu.
Xuất bản sách là ngành kinh doanh ít lời. Một quyển sách in ra, các công ty phát hành phải chi trả rất nhiều chi phí, từ nhuận bút cho tác giả, vẽ bìa, lương cho người biên tập, dàn trang, truyền thông, phí nhân công lưu kho, phân phối, nhất là hệ thống phát hành qua các kênh trung gian thường mất khoản rất lớn.
Trong khi đó, người làm sách giả chỉ mất tiền giấy và công in kém chất lượng, bán với giá bìa hoặc thậm chí còn nâng giá bìa, để có lợi nhuận cao.
Độc giả đọc phải sách lậu, sách giả với chất lượng giấy thấp, sách bị lỗi, không có hình, chữ in nhòe…, sẽ không có được trải nghiệm như ý.
Bất công ở chỗ những quyển sách lậu tràn ngập thị trường, mang lại lợi nhuận cho những kẻ làm giàu bất chính.
Rosie Nguyễn
Bất công ở chỗ, những quyển sách lậu tràn ngập thị trường mang lại lợi nhuận cho những kẻ làm giàu bất chính. Người làm sách tận tâm và chân chính không được chi trả cho công sức, lao động trí óc đã bỏ ra.
- Trên một số trang đọc sách miễn phí, ebook “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” được up lên và rất nhiều người đọc. Ví dụ, trang “sachv...” có tới 421.085 lượt xem. Chị nghĩ sao về con số này?
- Tôi nghĩ đây là con số rất lớn, lớn hơn nhiều lần lượng sách thật được xuất bản. Nó khiến tôi thấy đau xót.
Công việc viết và xuất bản sách rất vất vả. Tác giả và những người làm sách ở Việt Nam thường có điều kiện làm việc thiếu thốn và chật vật.
Những khi có dịp vào thăm các công ty sách, nhà xuất bản, tôi mới thấy xót xa cho những đồng nghiệp đang bám trụ với nghề. Vậy mà, họ còn phải vật lộn đối phó nạn in lậu sách, ebook giả, và rất nhiều thể loại sách không bản quyền khác. Thật gian nan.
Cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? là sách bán chạy của tôi. Gần đây, tôi tập trung làm sách mới nên chưa thống kê chính xác số bản sách đã phát hành. Theo ước lượng, con số cũng vài trăm nghìn bản.
Với mức xuất bản vài trăm nghìn bản, cộng thêm con số hơn 400.000 lượt xem sách chỉ trên một trang ebook, nếu bản quyền và luật sở hữu trí tuệ được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhuận bút cho tác giả cũng khá. Được như vậy, tác giả có thể yên tâm sống khỏe và toàn tâm cho viết lách.
Nhưng với tình hình sách lậu, sách giả như hiện nay, tôi vẫn rất gian nan với nghề viết, thu nhập không đảm bảo.
Người viết bị sách giả, sách lậu tấn công
- Ebook lậu, sách giả ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống và công việc sáng tạo của chị?
- Sách giả và ebook lậu gây thiệt hại rất nhiều cho người làm sách, nhất là tác giả. Tôi viết một quyển phải đầu tư 3-4 năm trời. Nhuận sách rất thấp. Mỗi quyển sách của tôi thường được đơn vị phát hành ấn định giá khoảng vài chục nghìn đồng. Với mỗi quyển sách bán ra, tôi chỉ nhận được vài nghìn đồng nhuận bút.
Số lượng sách thật phát hành còn phải cạnh tranh với những trang ebook lậu, sách giả. Điều này khiến người làm sách càng vất vả hơn.
Tuy vậy, viết lách là đam mê, tôi thấy thích làm và làm tốt nhất. Tôi muốn sống tốt để tiếp tục viết ra những cuốn sách ngày càng hay hơn.
Nhưng, với tình hình sách lậu như hiện nay, tôi phải làm tới 3, 4 công việc khác nhau để kiếm sống và tranh thủ thời gian rảnh để viết.
Tôi xem viết sách là sự nghiệp cả đời, nên mới cam tâm chấp nhận như thế.
Nhiều người viết tốt hơn tôi, nhưng không hề có động lực để viết sách, vì nhuận bút quá còm cõi. Họ còn bị tấn công ồ ạt bởi những nơi bán sách giả, các trang ebook và audio book lậu không bản quyền.
Với tình thế này, nhiều người chỉ viết một, hai quyển cho vui và chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập được bù đắp tốt hơn cho công sức họ bỏ ra.
Nếu người ta trân trọng công sức sáng tạo của người viết hơn, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và ít hơn các trang ebook lậu, các tác giả sách như tôi có thể bớt phải lo nghĩ về chuyện cơm áo hàng ngày, có thể toàn tâm toàn ý để thăng hoa với cuộc đời sáng tạo của mình.
- Theo chị, các tác giả cần phải làm gì trong cuộc chiến chống vấn nạn sách giả, sách lậu?
- Tác giả có thể góp phần giúp độc giả nâng cao nhận thức về bản quyền, chia sẻ với họ cách thức phân biệt sách giả, sách thật, giúp người đọc tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Các tác giả hãy cùng lên tiếng, kêu gọi bạn đọc ủng hộ sách thật và những người làm sách chân chính, đồng thời báo cáo các trang bán sách giả hoặc ebook lậu.
- Chị từng được cộng đồng biết tới khi đọc 65 cuốn sách/năm. Mua và đọc nhiều sách như vậy, chị có bao giờ mua phải sách giả? Bí quyết để mua sách thật, chọn sách hay của chị là gì?
- Tôi chưa bao giờ mua nhầm sách giả. Là tác giả, tôi cũng hiểu được tâm tư người làm sách và mong muốn ủng hộ, hỗ trợ cho ngành công nghiệp xuất bản nước nhà thêm vững chắc.
Để mua được sách hay, sách thật, tôi thường chọn mua trực tiếp từ những nhà sách bán lẻ trực thuộc công ty phát hành, hoặc các gian hàng bán lẻ của các công ty sách tại đường sách TP.HCM.
Ngoài ra, tôi cũng lựa chọn mua online và offline tại một số kênh phân phối uy tín. Hiện tại, một số trang thương mại điện tử có tên tuổi không kiểm soát được các nhà cung cấp, nên có phân phối sách giả. Tôi thường kiểm tra cẩn thận nguồn cung cấp sách của họ.