Sách thiếu nhi: Còn nhiều sạn

Cùng với sự phát triển của ngành xuất bản, trong những năm qua sách thiếu nhi đang có sự phát triển vượt bậc với sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Tuy nhiên, với xu thế 'nhà nhà làm sách' thị trường đang dẫn đến nguy cơ 'lượng tăng, giảm chất'.

Thị trường sách thiếu nhi hiện đa dạng nhưng độc giả cần tỉnh táo lựa chọn.

Thị trường sách thiếu nhi hiện đa dạng nhưng độc giả cần tỉnh táo lựa chọn.

Nếu so sánh với cách đây khoảng 10 năm quả là sách thiếu nhi đã có bước nhảy vọt. Không chỉ đơn vị tiên phong là NXB Kim Đồng, nhận thấy được nhu cầu và sức tiêu thụ lớn của thị trường sách thiếu nhi rất nhiều nhà xuất bản đã dành một tỷ lệ thích đáng trong kế hoạch của mình để in sách cho thiếu nhi như NXB Văn học, Thanh niên, Giáo dục, Phụ nữ... Tuy nhiên, việc số lượng đang lấn át chất lượng nên câu chuyện “bình mời, rượu cũ” đang khiến thị trường sách thiếu nhi rơi vào “ma trận”.

Thực tế cho thấy, tình trạng khá phổ biến là các cuốn sách có nội dung như nhau chỉ thay đổi tên gọi hoặc bớt một phần rất nhỏ hầu như không đáng kể, để xuất bản. Hoặc cùng một cuốn sách, cùng một tác giả viết với nội dung và hình thức xuất bản cũng giống nhau nhưng lại rất khác nhau về giá cả. Do đó, người đọc có phần phân vân không hiểu rõ về nội dung có gì khác giữa những cuốn sách này mà giá lại chênh nhau đến như vậy. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đặt lại nghiêm túc vấn đề bản quyền, quản lý khâu xuất bản nói chung và thương mại hóa nói riêng trong việc xuất bản sách cho đối tượng thiếu nhi nói riêng và ngành xuất bản phẩm nói chung. Sức ép của kinh tế thị trường với phương thức khoán đầu sách đang đè nặng lên vai của các nhà xuất bản. Tuy nhiên việc thẩm định nghiêm túc đề tài, nội dung tác phẩm và những tình tiết ẩn giấu hàm nghĩa xấu trong các trang sách cũng rất cần được các nhà xuất bản chú trọng. Hiện tượng gần đây truyện tranh xuất hiện quá nhiều với những cảnh hoặc những chi tiết gây hại, có những lúc rộ lên, khiến các bậc phụ huynh lo ngại. Chẳng hạn như bộ sách “Những điều kỳ bí” của Stine có nhiều tranh kích thích bạo lực đã dẫn đến phản ứng của công luận. Hoặc ngay cả một cuốn truyện có nội dung lành mạnh, có sức giáo dục lớn mà khi biên tập nếu không chú ý thì vẫn còn những hạt sạn, như tác phẩm “Vườn bí mật” của F.H. Barnett kể về cuộc đời của 3 em nhỏ: Mary Lennox, Daniel Craven và Dick mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng cuối cùng chúng cũng tìm thấy ở nhau sự đồng cảm, niềm vui được chia sẻ và cuộc sống trở lên tươi đẹp hơn bao giờ hết. Nhưng tác giả lại để cho 3 em trồng cây thuốc phiện trong vườn trong khi chúng ta đều đã biết tác hại của thuốc phiện đối với cuộc sống con người. Việc đưa chi tiết này vào trang sách đã phần nào làm giảm giá trị tác phẩm.

Không những vậy, thị trường sách thiếu nhi đang rơi vào tình trạng chạy theo xu thế thị hiếu hơn là mang tính giáo dục. Hầu hết, mảng sách ưa thích cho thiếu nhi phần lớn lại nằm ở mấy bộ truyện tranh nước ngoài như Doremon, Harry Potter... các nhân vật trong truyện tranh đều là những nhân vật siêu nhân, có nhiều phép lạ.

Theo TS Nguyễn Thị Bảy, Viện Văn hóa (Đại học Văn hóa Hà Nội), xét trên góc độ tâm lý trẻ em hay bắt chước những nhân vật trong truyện nên nếu đọc quá nhiều các em rất dễ bị ảo tưởng. Sách các em cần chính là những cuốn sách mang tính giáo dục truyền thống, những cuốn sách viết về các anh hùng, dũng sĩ, những tấm gương yêu nước, những tấm lòng ham học. Trên thực tế hiện nay loại sách này rất cần cho các em nhưng vì nhiều lý do, các em lại ít đọc. Cần phải thu hẹp khoảng cách sao cho sách các em thích cũng là sách các em cần và những sách các em cần cũng là sách các em thích…

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/sach-thieu-nhi-con-nhieu-san-tintuc455133