Sách Tiếng Việt lớp 1 nhiều 'sạn': Rà soát tổng thể để điều chỉnh hợp lý
Trước những phản ánh chương trình sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 nặng, một số nội dung chưa phù hợp, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia rà soát, kiểm tra. Nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh, thậm chí là thay bộ sách Tiếng Việt 1 khác nếu bộ đang dạy có nhiều 'sạn'.
Sách dùng từ địa phương, dạy xảo tráCâu chuyện về SGK Tiếng Việt lớp 1 đã làm nóng các diễn đàn, dư luận nhiều ngày qua. Không ít phụ huynh có con học lớp 1 vô cùng bức xúc khi từ đầu năm học mới đến nay, tối nào cũng phải ngồi hướng dẫn con làm bài tập tới 22 - 23 giờ. Theo dõi sát việc học của con, chị Ngô Hoài Thanh (ở quận Đống Đa, có con đang học lớp 1) bộc bạch: Chương trình nhanh và gấp, sĩ số mỗi lớp học 45 - 50 học sinh (HS) nên giáo viên không thể chỉ bảo hết từng em. Vì tiến độ học nhanh, HS chưa kịp ngấm đã chuyển sang bài khác nên những bé không học “tiền tiểu học” rất khó theo kịp. Để con không bị tụt lại phía sau, chị Ngô Hoài Thanh đã mời gia sư kèm mỗi tuần 5 tối với giá 200.000 đồng/buổi 2 tiếng.Chương trình SGK mới môn Tiếng Việt lớp 1 nặng hơn so với chương trình cũ, số tiết học môn Tiếng Việt cũng tăng lên thành 420 tiết đã khiến học sinh quá tải. Điều khiến các phụ huynh và chuyên gia giáo dục, dư luận xã hội bức xúc là trong bộ sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều có nhiều “sạn”. Sách sử dụng cho học sinh cả nước nhưng lại dùng từ địa phương, nội dung thiếu trong sáng, thậm chí dạy học sinh 6 tuổi cách lừa lọc, xảo trá. Phụ huynh Đặng Văn Cường (quận Đống Đa) chia sẻ: "Sau khi đọc kỹ cuốn sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều, tôi thấy trong sách dùng từ “chén”, “chó tợp mỡ”, “thở hí hóp”... tối nghĩa, phản cảm. HS lớp 1 chỉ cần học từ ngữ cơ bản, chuẩn mực, sau đó lên lớp 2, 3 học mở rộng từ đồng nghĩa, đồng âm khác nghĩa. Ban soạn sách không nên quá tham vọng đưa các từ có nghĩa khác nhau khiến HS khó hiểu".Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sách Tiếng Việt 1 không chỉ giáo dục chữ mà cả văn hóa. Thế nhưng, trong bài tập đọc “Hai con ngựa” kể ngựa ô chăm chỉ, ngựa tía lười nhác. Ngựa tía chỉ cho ngựa ô cách trốn làm, như thế là tạo cho HS suy nghĩ lệch lạc. Hay hình ảnh con cò trong ca dao xưa gắn với sự tảo tần, chăm chỉ nhưng trong bài đọc “Cua, cò và đàn cá”, cò bị biến thành xảo trá, lừa lọc...Lược bỏ những nội dung không cần thiếtĐể giảm tải việc học cho HS, trường Phổ thông Hermann Gmeiner (quận Hoàn Kiếm) quán triệt giáo viên dạy lớp 1 không giao bài tập về nhà. Giáo viên chỉ nhắc nhở HS về nhà ôn bài đã học trên lớp để có ý thức học tập và nhớ lâu. Trước việc Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia rà soát lại chương trình Tiếng Việt 1, Hiệu trưởng trường Phổ thông Hermann Gmeiner (quận Hoàn Kiếm) Vũ Ngọc Hảo đề nghị Hội đồng đọc lại từng trang của các bộ sách, có tranh luận để thống nhất việc sử dụng từ. Kể cả việc sử dụng dữ liệu trong các bài tập đọc cũng cần cân nhắc lượng bài đọc “phỏng theo”, “theo”, bởi nguồn dữ liệu của Việt Nam rất phong phú, hoàn toàn có thể sử dụng phù hợp với việc dạy chữ, giáo dục nhân cách HS... Phụ huynh Đặng Văn Cường đề xuất Hội đồng thẩm định quốc gia cần kiểm tra tổng thể, hỏi ý kiến giáo viên, HS, phụ huynh về việc sử dụng các bộ SGK mới mang lại hiệu quả thế nào, tác động đến xã hội ra sao. Nếu việc đổi mới về nội dung trong SGK không phù hợp với đạo đức, văn hóa, tác động tiêu cực đến suy nghĩ của trẻ thì phải điều chỉnh kịp thời. Các nhà khoa học kiến nghị Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các chuyên gia giỏi, HS, ngồi dự giờ để biết được cần lược bớt những kiến thức không cần thiết để HS không phải thức viết chữ tới 10 - 11 giờ đêm do chưa hoàn thành bài học trên lớp. Bởi ngoài việc học chữ, HS còn học nhạc, học bơi, chơi... thì mới phát triển được toàn diện phẩm chất và năng lực. Theo TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các vấn đề liên quan đến giáo dục bao giờ cũng nhận được sự quan tâm, góp ý rất tâm huyết của cử tri, Nhân dân, xã hội. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tiếp thu trên tinh thần cầu thị. Những ý kiến xác đáng cần điều chỉnh kịp thời, hướng dẫn nhà trường, giáo viên truyền tải đầy đủ chương trình mới. Các vấn đề sâu về chuyên môn phải được thông tin phản hồi thấu đáo, đầy đủ, cụ thể.Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT ngày 12/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học các ý kiến góp ý. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa việc biên soạn các bài giảng điện tử theo chương trình, SGK mới, từ đó, các thầy cô giáo lựa chọn, tham khảo được những bài giảng tốt nhất, hay nhất và các tài liệu, kiến thức của mình để có các bài giảng phù hợp, bảo đảm yêu cầu của chương trình.
Một số bài học trong SGK lớp 1 thuộc bộ sách Cánh Diều có sự sắp xếp âm vần chưa khoa học. Nhóm tác giả sách Cánh Diều cho rằng những từ trong SGK lớp 1 cần đa dạng, đa chiều nhưng nó chỉ phù hợp với HS từ lớp 3 trở lên đã phát triển tư duy. Tôi kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần hạ số lượng từ 12 tiết xuống còn 10 tiết Tiếng Việt/tuần cho HS lớp 1. Giáo viên tự động điều chỉnh số lượng âm/vần theo đúng điều kiện dạy học trên lớp. Với những cuốn sách được phát hiện có nhiều lỗi thì cần có Hội đồng thẩm định lại và đưa ra cách chỉnh sửa cho chuẩn. TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Nhà trường lựa chọn bộ sách Kết nối trí thức với cuộc sống cho HS lớp 1. Về những ồn ào xung quanh SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách Cánh Diều, tôi có quan điểm, dù là bộ sách nào cũng cần phải nghiên cứu chương trình rất kỹ trước khi đưa vào giảng dạy. Từ đầu năm học tới nay, các giáo viên lớp 1 tại trường vẫn thực hiện dạy 12 tiết Tiếng Việt mỗi tuần. Tuy nhiên, 10 tiết là học vần, 2 tiết là củng cố kiến thức. Trong 2 tiết củng cố kiến thức đã học, giáo viên dành ra một tiết xâu chuỗi các âm/vần, câu ghép đã học thành bài viết và cho HS viết. Hiện tại, các giáo viên cho HS đọc và nhìn bảng viết. Sang các tháng tiếp theo, cô giáo có thể đọc để HS viết, điều này giúp các em có thể nhớ lâu hơn là chỉ nhìn lên bảng để viết. Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) Lê Thanh Hương (Kim Thỏa ghi)