Sách trắng Quốc phòng Nhật 'vạch rõ' mối đe dọa từ TQ
Dự án 'Vành đai, con đường' đầy tham vọng của Trung Quốc được Nhật coi là mối đe dọa chiến lược, khi có thể giúp Bắc Kinh triển khai quân tại nhiều vùng biển quốc tế.
Trong sách trắng Quốc phòng Nhật Bản được công bố hôm 26/9 vừa qua, Trung Quốc đã ‘soán ngôi’ Triều Tiên, khi ‘quốc gia tỷ dân’ trở thành mối đe dọa đáng sợ đối với Nhật Bản, mặc dù những vụ thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn liên tục diễn ra.
Cụ thể trong sách trắng quốc phòng năm nay, Mỹ, nước đồng minh của Nhật xếp vị trí số 1, tiếp sau đó là Trung Quốc, và đứng thứ 3 là Triều Tiên. Nga, vốn là mối đe dọa chủ yếu của Tokyo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, xếp ở vị trí thứ 4.
“Điều này phản ánh một thực tế rằng, chỉ có Mỹ và Trung Quốc mới là những nước có thể vạch ra sự ảnh hưởng của riêng họ trên toàn cầu”, tờ SCMP trích dẫn thông cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Sách trắng Nhật Bản năm nay cũng đề cập tới dự án “Vành đai, con đường”, vốn được chính quyền Bắc kinh dùng làm công cụ đầu tư cơ sở hạ tầng ở những quốc gia khác là mối đe dọa đang nổi lên. Ví dụ, dự án này giúp Trung Quốc triển khai quân đội tới những vùng thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trực tiếp đe dọa tới an ninh những khu vực trên.
“Trung Quốc đã tham gia vào những nỗ lực đơn phương, cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng dựa trên những xác nhận riêng của nước này, và điều này không phù hợp với trật tự quốc tế hiện nay. Có thể những công trình thuộc dự án ‘Vành đai, con đường’ sẽ tăng cường hoạt động của Quân đội Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và nhiều nơi khác”, tờ SCMP trích dẫn sách trắng cho biết.
Kể từ năm 2013, có hơn 130 quốc gia đã ký kết, hoặc bày tỏ sự hứng khởi với dự án “Vành đai, con đường”. Ngân hàng Thế giới dự tính có khoảng gần 575 tỉ USD đổ vào các dự án đường săt, đường bộ, bến cảng,… Có nhiều người phản đối những dự án trên, với lý do đó có thể là bẫy nợ, và các quốc gia được đầu tư sẽ không đủ khả năng chi trả.
Chính quyền Tokyo đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 10% trong suốt 7 năm qua, nhằm giúp quân đội nước này đủ nguồn lực đấu lại với những tiến bộ quân sự của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, trong đó có cả những công nghệ nhằm chống lại những tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoài ra, để chạy đua với quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, Nhật Bản đã mua sắm rất nhiều máy bay tàng hình và các vũ khí tiên tiến khác từ Mỹ.
Trong yêu cầu ngân sách mới nhất, quân đội Nhật đã yêu cầu được cấp 1,1 tỷ USD (khoảng 25.300 tỷ VND) để mua 9 chiếc tiêm kích tàng hình F-35, trong đó có 6 chiếc có khả năng cất cánh thẳng đứng, để có thể hoạt động trên các tàu sân bay trực thăng.
Những thương vụ mua máy bay, tên lửa đánh chặn và các thiết bị khác đã khiến ngân sách quốc phòng của Tokyo tăng lên mức kỷ lục 532.000 tỷ Yên. Trong khi đó, ngân sách Trung Quốc năm 2019 đã tăng 7,5% so với năm 2018, lên tới 177 tỷ USD, và gấp 3 lần ngân sách quốc phòng Nhật. Chưa hết, Bắc Kinh hiện đang phát triển nhiều vũ khí tiên tiến nhằm giúp nước này tăng khả năng hoạt động trong các chiến dịch quân sự.
Hải quân Trung Quốc trước đây vốn chỉ hoạt động tại vùng biển gần nước này, nay Bắc Kinh đã điều các phi đội và tàu chiến tuần tra gần các đảo phía tây thuộc quần đảo Okinawa, cũng như những vùng thuộc tây Thái Bình Dương. Sách trắng cho biết, việc các tàu và máy bay Trung Quốc tuần tra gần không phận và lãnh hải Nhật Bản đang dần trở thành “nỗi lo ngại an ninh quốc gia”.
Ngoài ra, sách trắng còn đề cập tới các đối tác khác của Nhật như Australia, các nước ASEAN và Ấn Độ như một sự phản ánh về mức độ hợp tác của ‘xứ sở hoa anh đào’ với các đối tác trên.