Sách trắng 'Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam': Khẳng định quyền tự do tín ngưỡng
Sách trắng 'Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam' khẳng định định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và chung sống hài hòa trong cộng đồng các dân tộc.
Mới đây, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam cho độc giả trong và ngoài nước: Chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu, thách thức và ưu điểm của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, giúp bạn đọc trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu, những ai quan tâm hiểu rõ và đầy đủ hơn về chính sách, đời sống tôn giáo Việt Nam, đồng thời khẳng định tính nhất quán của Đảng và Nhà nước về tôn giáo.
Nội dung trong Sách trắng có giới thiệu về 16 tôn giáo phổ biến ở Việt Nam (Phật giáo, Công giáo, Đạo Tin Lành, Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo…). Sách cũng cung cấp thông tin về quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài ra Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” có phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp 2013 của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nói về chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ - ông Nguyễn Tiến Trọng cho biết: Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các tôn giáo du nhập từ bên ngoài cũng có quá trình tiếp biến với văn hóa Việt, tạo ra nét riêng của tôn giáo Việt Nam.
Việt Nam là đất nước ôn hòa trong quan hệ giữa các tôn giáo; có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Việc chung sống hòa bình và bao dung giữa các tôn giáo cùng với tính nhân ái, nhân bản của con người và xã hội Việt Nam đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo.
Chính sách tôn giáo của Việt Nam bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ở Việt Nam, các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.
Ngoài ra, chính sách tôn giáo của Việt Nam cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật.
Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 14% dân số.
Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”. Sách trắng cũng khẳng định Nhà nước tôn trọng và đảm bào quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thuộc nhiều quốc tịch khách nhau như: Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ, Pháp…
Thế nhưng, khi ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, ngay lập tức một số trang báo điện tử như VOA, RFI, RFA… cùng nhiều trang mạng của các tổ chức, cá nhân chống đối đã có những bài viết, bình luận sai trái, đánh giá một cách tiêu cực về cuốn sách này. Họ đưa ra những bài viết cho rằng, việc cho ra đời cuốn sách này là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam, nguyên nhân đã khiến Washington đưa Hà Nội vào danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo.
Những đánh giá này được dựa trên nhận định của số đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo, một thành viên thuộc tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Đây là các phần tử chống đối, có quá trình tu tập kém, ít chăm lo cho việc đạo nên uy tín, ảnh hưởng trong giáo hội xếp hạng thấp, năng lực yếu kém, không được trọng dụng. Từ đó, số này tỏ ra bất mãn và đã ly khai khỏi các tôn giáo, tổ chức tôn giáo, sau đó liên kết lại với nhau thành lập một tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo để phục vụ ý đồ, động cơ riêng. Cho nên, hầu hết việc làm của họ đều mang mưu đồ, lợi ích cá nhân chứ không đại diện cho bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào, không vì lợi ích chung của cộng đồng. Do đó, những phát ngôn, nhận định mà họ chia sẻ với phóng viên của các trang báo điện tử nêu trên cũng chỉ mang tính chủ quan, phiến diện một chiều, mang tính thù địch với Việt Nam của một nhóm nhỏ có chung lợi ích. Những nhận xét, đánh giá của số cá nhân chống đối nêu trên không thể coi là “đại diện cho tiếng nói tôn giáo”, càng không có giá trị tham khảo.
Có thể thấy, việc phê phán Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” là một chiêu trò nhằm chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hòng phủ nhận những thành quả từ những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Rõ ràng các đối tượng trong tổ chức “Hội đồng liên tôn Việt Nam” và các trang VOA, RFI, RFA… khi phê phán về cuốn Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” thực chất là một chiêu trò để biện hộ cho những luận điệu sai trái rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, xuyên tạc về tình hình, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, qua đó lấy cớ phủ nhận chính sách của Đảng, Nhà nước và thành quả trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người dân.
Nhờ có tính nhất quán của chính sách tôn giáo ở Việt Nam đã giúp các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Ở Việt Nam ngày nay, sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước thể hiện rất rõ. Đại đoàn kết toàn dân tộc trong đó có đoàn kết các tôn giáo là nguồn sức mạnh và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.