Sách trong tôi: Thung lũng Đồng Vang - Nơi kết nối yêu thương
"Thung lũng Đồng Vang" nằm ở đâu? Chắc sẽ có người hỏi như thế. Đó là địa danh chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà văn Trung Sỹ và được ông đặt cho truyện dài cùng tên của mình vừa được Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản. Đây là một trong số ít tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học thiếu nhi ở nước ta được dư luận đánh giá khá cao ngay từ khi ra đời.
“Thung lũng Đồng Vang” nằm ở đâu? Chắc sẽ có người hỏi như thế. Đó là địa danh chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà văn Trung Sỹ và được ông đặt cho truyện dài cùng tên của mình vừa được Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản. Đây là một trong số ít tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học thiếu nhi ở nước ta được dư luận đánh giá khá cao ngay từ khi ra đời.
Đọc “Thung lũng Đồng Vang”, ta sẽ bắt gặp nhiều bạn nhỏ là học trò ở tuổi mới lớn tại một vùng cao như: Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan… Không chỉ chăm học, giúp nhau, các bạn ở đây còn khá lém lỉnh, lắm chiêu trò nghịch ngợm, hài hước. Trong truyện còn có các thầy cô trẻ từ Hà Nội tình nguyện lên vùng cao dạy học như: Thầy Thức, cô Vi… Ngoài giờ học, các giáo viên cùng các bạn nhỏ đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi, làm cho ngôi trường ở phố núi luôn chan hòa niềm vui. Trong cuốn sách, ta còn bắt gặp một tuyến nhân vật khác - đó là phụ huynh, những người dân sống tại địa phương. Có người là người Tày, người Kinh, nhưng điểm chung là tất cả đã góp phần giúp cho các em có một môi trường tốt trong học hành, cũng như ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống.
Thông qua sự kết nối các tuyến nhân vật trên, “Thung lũng Đồng Vang” đã mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi nhiều mẩu chuyện với các tình tiết thú vị nhằm nuôi dưỡng tâm hồn, giúp các em biết yêu thương, rung động trước những giá trị cao đẹp, biết mơ ước và ấp ủ những giấc mơ cho riêng mình. Đó là tình cảm giữa học sinh với học sinh, giữa thầy với trò, giữa phụ huynh và học sinh. Đặc biệt ở đây còn có tình cảm, sự đoàn kết của người Tày và người Kinh, cùng sống, cùng giúp nhau tại một địa bàn vùng cao.
Bên cạnh nội dung phong phú và kết cấu khá chặt chẽ, trong “Thung lũng Đồng Vang”, nhà văn Trung Sỹ còn mang đến cho người đọc những trang văn đầy gợi cảm về thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt của người dân tại một buôn làng xa xôi. Thật thú vị khi đọc đoạn văn miêu tả về cảnh sinh hoạt chứa đầy hơi thở ấm áp tại một ngôi chợ phố núi: “Ở đây hiện ra đủ cung bậc văn hóa cuộc sống vùng cao. Sinh động giàu màu sắc nhất là khu bán rau quả. Dậu hoa bí còn quận phấn vàng tươi trên tay người mới hái, rủ theo lũ ong mật vo ve chui ra chui vào. Mẹt ớt đỏ bóng loáng xếp cạnh những mớ rau dải yến mơn mởn lá xanh. Bày dọc thềm chợ là bó củ mài gầy guộc dài ngoẵng, lấm đầy đất đỏ. Bó củ rừng không bị gãy, chứng tỏ người đi đào đã rất khổ công… Dăm ba lồng con dúi béo ú mới đào, khìn khịt đớp nan lồng, dọa những người trêu chọc. Đùm trứng kiến trắng tươi được gói trong những chiếc lá vả rộng bản. Mùi vịt quay ngầy ngậy lẫn mùi thơm lá mắc mật. Hương hoa hồi, hương quế vỏ nồng nàn từ gian hàng lâm thổ sản khô ướp cay bầu không khí đang tiết xuân phân…”. Nhiều câu chuyện dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng… của người vùng cao được tác giả khéo léo lồng ghép trong bức tranh hiện thực cũng là yếu tố tạo cho tác phẩm có thêm sự hấp dẫn.
Nhà văn Trung Sỹ sinh năm 1960 tại Hà Nội, từng là bộ đội tham gia ở chiến trường biên giới Tây Nam, đã có nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang, trong đó có “Chuyện lính Tây Nam”, “Đội trinh sát và con chó Sara”, “Hà Nội mũ rơm và tem phiếu”… Từng trải qua gần chục năm tham gia làm công trình thủy điện trên Thất Khê, thuộc tỉnh biên giới Lạng Sơn, quê hương của đồng bào Tày - Nùng, điều đó đã góp thêm sự phong phú về vốn sống để Trung Sỹ viết nên truyện dài “Thung lũng Đồng Vang”. Không phải không có cơ sở khi “Thung lũng Đồng Vang” được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng duy nhất ở mảng văn học dành cho thiếu nhi năm 2022.
Hoàng Anh