Sách tương tác - Món lạ cho thiếu nhi
Việc kết hợp giữa sách in và công nghệ tạo thành sách tương tác, đã giúp trẻ nhỏ ngoài đọc sách như cách thông thường còn được thỏa sức sáng tạo và chơi đùa với sách. Xu hướng này không còn mới lạ trên thế giới nhưng hiện vẫn đang được xem là món lạ trong danh mục sách thiếu nhi, được nhiều phụ huynh trong nước quan tâm.
Tăng thêm trải nghiệm
Đi tiên phong trong việc thực hiện thể loại sách tương tác ở Việt Nam là Công ty sách Đinh Tị. Cách đây 4 năm, dòng sách tương tác đã và đang phát triển trên thế giới nhưng vào thời điểm đó, trẻ em Việt Nam không được tiếp xúc nhiều do sách nhập thường có giá khá cao và còn xa lạ với các bậc phụ huynh. “Tuy nhiên, ngay khi Đinh Tị sản xuất các sản phẩm sách tương tác với chất lượng ngoại nhập mà giá phù hợp với thu nhập của người Việt, đã được các bậc phụ huynh đặc biệt ủng hộ. Điều đó cho thấy không phải độc giả Việt Nam không quan tâm đến sách mà những đơn vị làm sách có cho độc giả thứ mà họ cần và phù hợp với họ hay không”, bà Trần Hải Ngọc, Phó Giám đốc Công ty sách Đinh Tị, nhớ lại.
Thời gian qua, Đinh Tị đã xuất bản khá nhiều đầu sách thuộc thể loại sách tương tác, nhưng có 2 bộ được độc giả đặc biệt yêu thích là Lật mở khám phá (dành cho lứa dưới 6 tuổi và 5-12 tuổi) và Chiếu bóng - Rạp chiếu phim trong sách. Bộ Lật mở khám phá giúp trẻ em vừa học vừa chơi với sách đồng thời phát triển vận động của các ngón tay. Bộ Chiếu bóng - Rạp chiếu phim trong sách lồng ghép các câu chuyện cổ tích của Việt Nam qua hình thức chuyển thành thơ dễ nhớ dễ thuộc; đồng thời mang đến một hình thức giải trí dân gian vào trong bộ sách, giúp trẻ vừa đọc sách vừa xem phim chỉ trong cùng một tác phẩm.
Mới tham gia vào ngành xuất bản hơn 3 năm nay, nhưng Anbooks cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. Sau khi thành lập thương hiệu Ankids, chuyên xuất bản sách thiếu nhi, dù không nhiều nhưng Ankids cũng đã giới thiệu đến thị trường những đầu sách tương tác độc đáo và nhanh chóng được phụ huynh quan tâm và đón nhận. Một trong số đó là bộ sách Chuyện kể âm nhạc của tác giả Trần Tấn Sâm. Ngoài những câu thơ dễ thương, dễ đọc, sách còn hỗ trợ kể chuyện, trong đó, sử dụng các ca khúc nhỏ có cùng mô-típ làm lời thoại cho nhân vật hoặc cho âm thanh xuất hiện trong bối cảnh và sử dụng các câu thơ có vần điệu làm lời dẫn hay lời kể. Mới đây, Ankids cũng vừa giới thiệu thêm một cuốn sách nằm trong thể loại sách tương tác là cuốn sách song ngữ Việt - Anh Nhật ký của Lucky - Lucky’s Diary. Đặc biệt, cuốn sách này sẽ có thêm một tính năng mới: học phát âm và đọc truyện bằng tiếng Anh.
Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks, lý giải: “Khác biệt lớn nhất giữa sách tương tác thông minh (qua công nghệ) và sách truyền thống chính là khả năng kể chuyện ngoài sách. Nếu nói rằng mỗi cuốn sách là một sân khấu sống động, thì chức năng tương tác chính là phần hậu cảnh của sân khấu đó”.
Sách tương tác thuần Việt
Bà Trần Hải Ngọc chia sẻ, điều mong muốn lớn nhất của Đinh Tị khi xây dựng dòng sách này ở Việt Nam là mong muốn trẻ em Việt được tiếp cận với những sản phẩm độc đáo hiện đại và mới lạ như trẻ em nước ngoài. “Khi sách không chỉ là một sản phẩm tĩnh mà sống động rộn ràng, trẻ cảm nhận được nội dung sách qua toàn bộ các giác quan của mình thì trẻ sẽ có sự ham thích với sách hơn. Với việc ham thích và quan tâm đến sách ngay từ bé, qua thời gian trẻ sẽ tạo được thói quen muốn đọc và cần đọc, từ đó tạo ra một thế hệ đọc sách ở Việt Nam, góp phần nâng cao tỷ lệ đọc sách của người Việt trong tương lai”, Phó Giám đốc Công ty sách Đinh Tị cho biết.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất đối với các đơn vị xuất bản trong nước khi thực hiện dòng sách tương tác chính là công nghệ ở Việt Nam còn chưa phát triển nên một đầu sách chờ được xuất bản thường kéo dài rất lâu. Tuy nhiên, theo bà Ngô Phương Thảo, kỹ thuật hay chi phí không phải là bài toán khó nhất, mà bài toán khó nhất là con người. “Làm sao để tạo ra những cộng sự dấn thân, dám thử những phương pháp mới và tìm cách làm thông minh để giảm thiểu chi phí, tối ưu nguồn lực. Làm sao để tạo ra những con người “thấy” những nhu cầu mà thậm chí độc giả còn chưa thấy, đó chính là thách thức lớn nhất của Ankids”, Giám đốc Anbooks lạc quan.
Ankids lựa chọn lối đi táo bạo khi thực hiện sách tương tác hoàn toàn thuần Việt: từ tác giả, kỹ thuật cho đến in ấn đều thực hiện tại Việt Nam. Bà Phương Thảo chia sẻ: “Việc triển khai sách thuần Việt là định dạng của cả Anbooks mà Ankids là thành viên. Chúng tôi khát khao phát triển đội ngũ tác giả mới cho thị trường xuất bản Việt Nam và việc phát triển “giềng mối” chặt chẽ giữa nhà sản xuất với độc giả chính là hành lang mở rộng cho chiến lược đó. Đó là cách chúng tôi tạo ra phát triển bền vững cho tác giả và tác phẩm của mình”.
Đọc sách phải là nhu cầu tự thân
Trước hết phải khẳng định đọc sách là vô cùng quan trọng. Không có sách thì không có tri thức, mà không có tri thức thì nói gì tới nền văn hóa tri thức. Mỗi một cuốn sách còn được ví như một người thầy rất đặc biệt. Nhưng buồn thay, thực tế người đọc sách lại ngày càng ít đi.
Nguyên nhân thì nhiều. Có thể do cuộc sống hiện đại khiến mỗi người có quá ít thời gian để có thể ngồi đọc một cuốn sách dài vài trăm trang. Nguyên nhân khách quan khác dễ nhận thấy là bởi công tác in ấn ngày càng dễ dàng, khiến cho việc ra đời quá nhiều sách đẹp về hình thức, nhưng nội dung thì chẳng đâu vào đâu. Có những cuốn sách mà đọc cả buổi chẳng thấy gì trong đó. Vứt đi thì tiếc mà đọc tiếp thì lại còn tiếc hơn.
Bên cạnh đó cũng ghi nhận quan điểm đọc sách giờ cũng khác trước. Ôm một cuốn sách dài độ vài trăm trang, nặng tay mới cho là đọc sách không còn đúng nữa, bởi ngoài sách giấy, mỗi người có nhiều lựa chọn hơn với sách điện tử, sách in, sách nói (audio book)… Thay vì sách in, nhiều người thích đọc sách trên mạng, trên điện thoại, máy tính. Tương tự, để có sách đọc, người yêu sách cũng không nhất thiết phải đến thư viện như trước.
Ở Việt Nam - một đất nước còn nhiều khó khăn mà có những thư viện quốc gia, thư viện chuyên ngành ở các địa phương là điều rất nên tự hào. Người ta đến thư viện, bảo tàng hay các hoạt động văn hóa suy cho cùng là vì tính hấp dẫn của nó chứ không thể bắt buộc được. Chúng ta có thể cầm một cái roi rồi bắt con mình đọc sách đi. Chúng cũng có thể cầm lấy quyển sách nhưng có thực sự đọc hay không thì ta không chắc về điều đó. Không ai ép được ai đọc sách mà việc này phải xuất phát từ sự hứng thú, nhu cầu tự thân của mỗi người và cũng không thể có luật nào bắt buộc người ta đọc sách cả.
Mấy hôm nay, có thông tin quy định ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách và văn hóa đọc và đưa vào dự thảo Luật Thư viện. Thực ra, để người ta đọc sách và ham đọc sách, trước hết là phải khuyến khích. Phải làm cho người ta hiểu việc đọc sách là cần thiết và quan trọng. Sẽ không quá khi nói rằng anh chăm đọc sách thì cuộc đời anh được sống gấp 2, gấp 3 lần. Nói như vậy vì anh sống với sách, với những nhân vật trong sách, với tri thức trong sách anh thu thập được thì cuộc sống của anh sẽ phong phú. Nếu cộng lại theo cơ học thì bằng 2-3 lần việc anh sống mà không đọc sách. Lợi ích như thế thì tại sao lại không đọc?
Vì thế, thư viện trước nhu cầu thực tế ấy cũng buộc phải thay đổi, phải tạo sự hấp dẫn để cho người ta không đến không được. Chẳng lẽ trong luật lại ghi là không đến đọc sách thì phạt, trừ lương chăng? Chắc không có chuyện ấy. Thế còn phạt ở hình thức nặng hơn thì không nên mà cũng không thể có được. Song nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý chứ không thể nhắc nhở. Làm luật thì không làm như thế mà nếu làm như thế thì lại là bị khủng hoảng thừa luật. Luật nhiều nhưng không áp dụng được thì lại dẫn đến hệ lụy khác.
Cho nên luật này phải làm sao tạo nguồn lực về trí tuệ, con người về cơ sở vật chất để phát triển thư viện tiến kịp với yêu cầu văn hóa đọc hiện đại. Luật này phải đạt tới việc đưa ra hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn lực tinh thần, vật chất và con người. Giám đốc Thư viện Quốc gia từng than rằng, rất tiếc là mấy năm nay có vài ba suất đi học nước ngoài về thư viện nhưng không cử ai đi được. Người có nghề thì không có ngoại ngữ và ngược lại. Rõ ràng là có hành lang để người tài giỏi vào học và làm trong thư viện chứ không phải cứ xây thư viện thật to rồi nhà nhà, tỉnh tỉnh, người người làm thư viện rồi thư viện cũng giống như bảo tàng, vắng như chùa Bà Đanh thì thật là vừa tốn tiền, vừa không đem lại hiệu quả.
Căn cơ bài bản thì vẫn là phải tạo được hành lang pháp lý tốt nhất để có được nguồn lực, nhân lực, tài lực tốt nhất cho phát triển thư viện hiện đại, thư viện kỹ thuật số để ở đâu cũng có thể tiếp cận sách. Có nhiều cán bộ thư viện giỏi, có nhiều người hướng dẫn đọc sách, giới thiệu sách một cách nghiêm túc giống như những chuyên gia chứ không phải quảng bá kiếm tiền. Và có lẽ chỉ có những thay đổi toàn diện về nhận thức, nhân lực, vật lực như vậy thì mới có thể hướng tới được cái đích tạo thói quen đọc sách xã hội yêu sách và thích đọc sách.
TS Nguyễn Viết Chức
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sach-tuong-tac-mon-la-cho-thieu-nhi-607517.html