Sách 'vô bổ' tồn tại theo dạng thức mới tinh vi hơn

Ngày 22-3, chia sẻ tại hội nghị triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, cho biết, mặc dù chất lượng sách đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên bên cạnh nhiều sách tốt, có nội dung hấp dẫn thì vẫn còn tình trạng sách lậu, sách vô bổ.

Sách “vô bổ” tồn tại theo dạng thức mới tinh vi hơn

Sách “vô bổ” tồn tại theo dạng thức mới tinh vi hơn

Theo ông Nguyễn Nguyên, nếu những năm trước, sách vô bổ là những câu chuyện xáo xào, tổng hợp thì nay loại sách này có cách thức mới tinh vi hơn. Những nội dung vô bổ, không có giá trị nằm xen lẫn giữa những trang sách có giá trị, giữa những nội dung có giá trị khiến người đọc mất nhiều thời gian cho những loại sách như vậy.

Cũng theo lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm, cơ cấu sách lớn nhất vẫn thuộc về sách khoa giáo. Trong doanh thu hơn hơn 4.000 tỷ đồng của ngành xuất bản trong năm 2023 thì doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục lên tới 2.600 tỷ đồng.

Số lượng các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay đã được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Hành trình về phương Đông, Nhà Giả Kim, Hiểu và trái tim - nghệ thuật sống hạnh phúc, Cây cam ngọt của tôi, Nghĩ giàu và làm giàu, Lược sử loài người. Một số đầu sách nói có lượt bạn nghe lên đến trên 1 triệu…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cũng thẳng thắn chỉ rõ, sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý với các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, sách giá trị và có sức lan tỏa chưa nhiều, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học công nghệ. Đối với hoạt động liên kết xuất bản, bên cạnh những mặt tích cực do hoạt động liên kết xuất bản đem lại, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là hiện tượng bỏ lọt nội dung không chính xác, không phù hợp. Sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản, sự buông lỏng quy trình biên tập đã dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết. Đây là vấn đề cần được cơ quan chủ quản, lãnh đạo nhà xuất bản nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và nghiêm khắc hơn trong chỉ đạo, điều hành; cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa quy trình biên tập và đọc duyệt.

Đối với phát hành xuất bản phẩm, tình hình xâm phạm bản quyền, đặc biệt là trên không gian mạng đã được các cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên các biện pháp giải quyết chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu. Sức mua của thị trường xuất bản phẩm tăng nhưng không nhiều, tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Sự hồi phục và phát triển của thị trường sau đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu chững lại, trong điều kiện sức mua giảm xuống, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/sach-vo-bo-ton-tai-theo-dang-thuc-moi-tinh-vi-hon-post731852.html