Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản: Củng cố đồng minh, thận trọng đối tác
Ngày 27/4, chính phủ Nhật Bản đã công bố báo cáo thường niên về chính sách và các hoạt động đối ngoại (Sách xanh Ngoại giao), với ba điểm nhấn đáng chú ý. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.
Thứ nhất, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực biến chuyển khó lường, Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản nhận định quan hệ đồng minh với Mỹ tiếp tục là trụ cột ngoại giao và an ninh của Nhật Bản. Báo cáo đã trình bày kết quả Thượng đỉnh Mỹ-Nhật giữa Thủ tướng Suga Yoshihide và Tổng thống Joe Biden hồi đầu tháng 4.
Trong lĩnh vực ngoại giao, không chỉ là đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung, Nhật Bản còn là thành viên Bộ tứ (Quad), cùng với Mỹ, Ấn Độ và Australia. Tokyo và Seoul là điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Về quốc phòng, Nhật Bản là một phần của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes) cùng Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Ngày 23/4, Bộ Quốc phòng nước này thông báo Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật bản (JGSDF) sẽ tập trận lớn với Mỹ và Pháp từ ngày 11-17/5 tại khu huấn luyện Kirishima và Ainoura JGSDF trên đào Kyushu, Nam Nhật Bản.
Thứ hai, Nhật Bản sử dụng cách tiếp cận “vừa đấm vừa xoa” với Trung Quốc. Một mặt, Sách xanh nước này khẳng định quan hệ Tokyo-Bắc Kinh là “một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất”.
Ngày 28/4, Quốc hội Nhật Bản chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng, tạo ra khu vực thương mại tự do chiếm 30% GDP, thương mại và dân số thế giới. Đây là thỏa thuận thương mại hiếm hoi của Nhật Bản có sự góp mặt của cả Trung Quốc và Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ ba của nước này.
Mặt khác, lần đầu tiên Nhật Bản gọi hành vi xâm nhập của tàu thuyền Trung Quốc tại Điếu Ngư/Senkaku là “vi phạm luật pháp quốc tế”. Sách xanh nước này đã đề cập chi tiết về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho rằng việc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân đội thiếu minh bạch, đơn phương mở rộng, tăng cường hoạt động quân sự nhằm thay đổi hiện trạng tại đây “gây lo ngại mạnh mẽ với an ninh thế giới và khu vực, bao gồm Nhật Bản”.
Chỉ trích này phản ánh điều chỉnh mới trong cách tiếp cận quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản.
Phản ứng về thông tin này, chiều ngày 27/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng Nhật Bản đã “thổi phồng” cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”, tấn công bôi nhọ ác ý và can thiệp vô lý vào công việc nội bộ của nước này. Bắc Kinh kiên quyết phản đối và đã giao thiệp nghiêm khắc với Tokyo qua con đường ngoại giao.
RCEP là thỏa thuận thương mại hiếm hoi của Nhật Bản có sự góp mặt của cả Trung Quốc và Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và lớn thứ ba của nước này.
Thứ ba, Nhật Bản cũng phác họa một chính sách rõ ràng trong quan hệ với Hàn Quốc.
Gọi Hàn Quốc là “láng giềng quan trọng”, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác cùng nước này và Mỹ để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và hồi hương công dân bị bắt cóc.
Mặt khác, Tokyo duy trì lập trường từ năm 1957, khẳng định Dokdo/Takeshima là “lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản”, dù quần đảo này hiện trong tranh chấp với Seoul.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã yêu cầu Nhật Bản rút tuyên bố, đồng thời tái khẳng định Dokdo/Takeshima là lãnh thổ cố hữu của Hàn Quốc về lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, Cục trưởng châu Á-Thái Bình Dương Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu Công sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc để kháng nghị.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong Hàn Quốc sớm đưa ra biện pháp giải quyết thích hợp với vấn đề nạn nhân bị cưỡng ép mua vui, vốn được coi là mâu thuẫn lớn giữa hai nước nhiều năm qua.
Sách xanh Nhật Bản đã khắc họa sơ bộ đường lối đối ngoại của Tokyo, dù là với đồng minh, láng giềng hay đối tác. Song kết quả quá trình triển khai chính sách trên sẽ phụ thuộc vào ý chí của Nhật Bản, cũng như môi trường an ninh khu vực đang biến chuyển nhanh và phức tạp hơn.