Sách Xanh Nhật Bản lần đầu phê phán Trung Quốc 'vi phạm luật quốc tế'
Trong Sách Xanh ngoại giao năm 2021, lần đầu tiên Nhật Bản đã đề cập trực tiếp tới hành vi xâm nhập của tàu thuyền Trung Quốc tại khu vực Senkaku/Điếu ngư là 'vi phạm luật pháp quốc tế'.
Sách Xanh ngoại giao 2021 vừa được Bộ ngoại giao Nhật Bản công bố sáng 27/4 tại phiên họp của Chính phủ. Sách Xanh ngoại giao năm nay đề cập chi tiết và cụ thể hơn về những hành vi của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng “việc tăng cường sức mạnh quân đội thiếu minh bạch, đơn phương mở rộng, tăng cường hoạt động quân sự, thực hiện thay đổi hiện trạng ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông gây ra lo ngại mạnh mẽ đối với an ninh thế giới và khu vực bao gồm Nhật Bản”. Việc chỉ trích này tăng cấp độ hơn so với Sách Xanh ngoại giao của những năm trước.
Trong quan hệ ngoại giao đối với Trung Quốc, năm nay Nhật Bản vẫn xác định là một “mối quan hệ song phương quan trọng nhất”, nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại đối với một số vấn đề trong nội bộ của Trung Quốc, đồng thời phê phán mạnh mẽ biểu hiện “ vi phạm luật pháp quốc tế” của Trung Quốc trong việc mở rộng hoạt động tại khu vực biển Hoa Đông.
Đề cập tới Luật hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 2 vừa qua, Sách Xanh khẳng định Nhật Bản tiếp tục kiên trì bày tỏ sự lo ngại đối với Luật này.
Sách Xanh cũng đề cập khá chi tiết về quan hệ với Hàn Quốc và Triều Tiên. Đối với Hàn Quốc, mặc dù giữ nguyên lập trường coi Hàn Quốc là “nước láng giềng quan trọng”, Nhật Bản yêu cầu mạnh mẽ Hàn Quốc đưa ra biện pháp giải quyết thích hợp đối với vấn đề nô lệ tình dục vốn được coi là mâu thuẫn lớn giữa hai nước.
Sách nói rõ quan điểm của Nhật Bản là nỗ lực hết sức vào việc tăng cường hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.
Trong khi đó, hôm 26/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc điện đàm thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của hợp tác song phương Nhật Bản-Ấn Độ và hợp tác đa phương, bao gồm hợp tác trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ Nhật Bản-Australia - Ấn Độ - Mỹ hướng tới hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, chia sẻ quan điểm tiếp tục nỗ lực xây dựng một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên các quy tắc chung.
Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc Trung Quốc tiếp tục và tăng cường các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm cả Luật Hải cảnh.
Thủ tướng Suga cho biết ông hy vọng sẽ phát triển hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực như không gian mạng, kỹ thuật số, khử cacbon, chăm sóc sức khỏe đồng thời đề cập đến khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như mạng 5G, cáp ngầm, tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến độ ổn định của dự án đường sắt cao tốc, bao gồm Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 12 về Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Mumbai-Ahmedabad và khẳng định mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác Nhật-Ấn trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide bày tỏ hy vọng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ sẽ sớm phục hồi sau sự lây lan hiện nay của Covid-19, đồng thời hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn để ngăn chặn đại dịch.
Kết thúc cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo thống nhất hiện thực hóa chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Suga vào thời điểm thuận lợi cho cả hai bên.
Trước đó, ông Suga đã lên kế hoạch đến thăm Ấn Độ vào cuối tháng 4. Tuy nhiên chuyến đi đã bị hủy bỏ do cả 2 nước phải ưu tiên tập trung vào các biện pháp đối phó với dịch Covid-19./.