Sacombank nói gì về vụ khách hàng phản ánh mất 47 tỷ đồng?
Phản hồi về sự vụ khách hàng tố mất 47 tỷ đồng trong tài khoản, Sacombank khẳng định thông tin khách hàng Hồ Thị Thùy Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.
Công an vào cuộc điều tra
Những ngày qua, bà Hồ Thị Thùy Dương (SN 1977, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) đã có đơn gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an kêu cứu về việc gửi tiền vào Sacombank tỉnh Khánh Hòa nhưng sau đó bị mất 47 tỷ đồng. Bà Dương cũng gửi đơn kêu cứu đến Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an).
Cụ thể, theo đơn tố cáo, bà Dương cho biết số tiền 46,9 tỷ đồng trong tài khoản cá nhân của bà đã bị các cán bộ thuộc phòng giao dịch Cam Ranh, chi nhánh Khánh Hòa sử dụng nghiệp vụ rút tiền trái phép.
Trước đó, vào tháng 5/2022, bà Dương phát hiện ra tài khoản của bà bị thiếu hụt tiền nên đề nghị ngân hàng Sacombank trích lục sao kê từ ngày 1/5/2022 để đối chiếu các giao dịch. Tuy các giao dịch này được thực hiện nhưng không có tin nhắn báo về điện thoại biến động của tài khoản.
Sau khi sao kê, bà Dương phát hiện có 12 giao dịch rút tiền và chuyển khoản, mà những khoản giao dịch này bà không hề thực hiện bằng việc rút tiền trực tiếp tại quầy hay sử dụng hình thức chuyển khoản điện tử (internet banking). Tổng số tiền của 12 giao dịch trên tương ứng với số tiền thâm hụt đã được kiểm tra nhiều lần lên tới 46,9 tỷ đồng.
Trong sao kê thể hiện có 9 giao dịch rút tiền mặt nhưng thời gian thực hiện giao dịch toàn là các cung giờ 18h-21h. Đây là điều vô lý bởi khoảng thời gian này, các ngân hàng đều đóng cửa.
Về vụ việc này, C03 - Bộ Công an đã có phiếu chuyển đơn của bà Dương đến Công an tỉnh Khánh Hòa để điều tra. Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cũng có văn bản về việc chuyển đơn của bà Dương đến Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
Sacombank đã sa thải các cá nhân vi phạm
Thông tin với báo chí về vụ việc này, Sacombank khẳng định thông tin khách hàng Hồ Thị Thùy Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.
Sacombank đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và phát hiện bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ nhân viên Phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm. Các bằng chứng này đã được các đối tượng liên quan cung cấp và Văn phòng thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022.
Đối với 12 giao dịch mà bà Dương cho rằng mình bị mất tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa.
"Trong suốt quá trình xử lý vụ việc, Ban lãnh đạo Sacombank đã tổ chức nhiều buổi làm việc để giải đáp các vấn đề bà Dương vướng mắc. Đến ngày 26/12/2022, bà Dương chủ động liên hệ, đề nghị Sacombank tạm ứng hỗ trợ 15 tỷ đồng duy trì hoạt động kinh doanh trong quá trình chờ điều tra sự vụ.
Sacombank đã chấp nhận đề nghị này, nhưng sau đó khách hàng thay đổi và không nhận tạm ứng nữa. Về phía ngân hàng, chúng tôi khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh nói chung, nhưng mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng", Sacombank cho biết.
Ngân hàng này cũng cho hay ngay sau khi phát hiện sự vụ xảy ra tại Phòng giao dịch Cam Ranh vào tháng 10/2022, Sacombank đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh Khánh Hòa và chuyển sự vụ đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra, khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
Đồng thời, ra quyết định sa thải các cá nhân vi phạm và bổ nhiệm nhân sự mới nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của Phòng giao dịch Cam Ranh.
Hiện sự vụ đã được Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 137/QĐ-CKT ngày 18/11/2022 và khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân liên quan nhằm phục vụ công tác điều tra