Sài Gòn, đâu có sao!

Ba chỉ mong tụi mình bớt dùng đến 3 chữ 'Đâu có sao!' để con vượt qua chính mình những lúc mình đang dễ dãi.

Con gái cưng của ba,

Cuộc sống muôn màu, đôi khi nó giống như một con tàu vậy. Có lúc mình đến ga sớm, rồi thư thả chọn một chỗ ngồi tốt, tán gẫu vài ba câu chuyện trước khi tàu đi; có lúc mình hối hả tất bật, ra sân ga sát giờ nhưng vẫn kịp lên tàu; nhưng cũng có những khi mình bị trễ tàu, đứng nhìn con tàu vừa lăn bánh mà tức ơi là tức!

Ba muốn con tự rèn mình để làm sao đón nhận, giải quyết và hoàn thành nhiều thứ trong cuộc sống này một cách chủ động và thư thả nhất, ít có những lần trễ tàu như thế. Quan sát con sẽ thấy, có nhiều người làm cái gì cũng bị trễ một chút. Một trong trong những nguyên nhân của chuyện này nằm ở cụm từ vỏn vẹn 3 chữ “Đâu có sao!”

Có hôm ba hối con nhanh nhanh ba chở đi học Anh văn kẻo muộn. Con cằn nhằn ba: “Từ từ thôi ba. Đi học thêm mà, trễ tí. Đâu có sao!”. Nói là “Đâu có sao” vậy thôi chứ vô trễ con cũng thấy ngại với bạn bè và thầy cô dữ lắm.

Ai cũng dòm mình lom lom. Thầy cô giáo mà thấy học sinh nào đó đi trễ hoài cũng chán lắm con ạ, thường không có ấn tượng tốt về các bạn ấy. Chưa kể đi học trễ đồng nghĩa với chuyện mình đang đóng học phí cho những phút giây còn loanh quanh đâu đó ngoài đường, chưa vào tới lớp. Một sự lãng phí đúng nghĩa đó con.

Có lần ba đi cắt tóc, kế bên ba là một ông bố đang ngồi thư thái cắt tóc thì nhận điện thoại vợ - chắc là nhắc đi đón con kẻo muộn. Ông bố trả lời tỉnh bơ, có chút gắt giọng: “Tui mới vô cắt tóc à. Từ từ rồi đi đón nó. Học thêm mà bà làm gì quan trọng vậy. Học xong cho nó đợi tí, mười lăm - hai chục phút cũng đâu có sao!”.

Nghe 3 chữ “Đâu có sao” mà ba thấy muốn thắt người lại. Mỗi lần kẹt việc gì mà đón con trễ 5-10 phút là ba đã thấy sốt ruột rồi. Đến trường mà nhìn thấy ánh mắt con đang dáo dác hóng ba ngoài cổng là ba thấy khó chịu vô cùng. Vậy nên, coi chuyện nhỏ vậy nhưng không phải “Đâu có sao” đâu con!

 Bác sĩ Vũ Minh Đức và con gái. Nguồn: FBNV.

Bác sĩ Vũ Minh Đức và con gái. Nguồn: FBNV.

Vừa rồi, con chuẩn bị bài không kỹ nên bài kiểm tra 1 tiết chỉ đạt điểm 7, ba khuyên con lần sau phải cố gắng dành thời gian đọc thêm bài trong sách, chuẩn bị bài kỹ hơn. Bài trong vở ngắn gọn quá là phải chịu khó đọc lại bài trong sách xem có gì để phát triển ý thêm. Con trấn an ba: “Bị một bài 7 điểm đâu có sao ba!”.

Nhưng con thấy không, cuối học kỳ con thiếu đúng 0.1 điểm trung bình để đạt một thứ hạng cao hơn. Nếu bài kiểm tra đó 8 điểm thì bây giờ con đã hài lòng hơn với kết quả cuối học kỳ của mình rồi. Điểm số không quá quan trọng nhưng 3 chữ “Đâu có sao” là điều ba muốn con phải suy nghĩ lại mỗi khi dùng đến, kẻo không lại tiếc nuối.

Chuyện bài luận văn tiếng Anh hồi chiều nay cũng vậy. Ba hỏi thăm con về việc chuẩn bị bài, con tự tin nói cho ba nghe phần mở bài ngắn gọn, súc tích; phần thân bài con chia thành 3 ý lớn rất mạch lạc, con nói bằng tiếng Anh cho ba nghe thật hay.

Nhưng khi ba hỏi đến phần kết luận thì: “Con chừa lại để vô lớp sớm 10 phút làm cũng kịp, đâu có sao ba!”. Lỡ như hai phần đầu mình làm tốt nhưng thầy giáo mời bạn khác, đến phần mình chưa chuẩn bị thầy lại gọi thì sao con? Lúc đó con sẽ tức lắm, chưa kể ngồi mà cứ nơm nớp sợ thầy gọi lên phần cuối, nghe lo lo khó chịu lắm con. Lần sau cố gắng làm trọn vẹn con nhé!

Ba kể con nghe chuyện này: Có lần ba đi dự một bữa tiệc quan trọng, ba điện thoại cho một người bạn cùng được mời trong bữa tiệc đó: Tiệc tối nay tiệc có vẻ nghiêm túc, chắc mang hờ theo áo vest, có gì khoác vô! Bạn ba tỉnh queo: “Thoải mái mà ông, chắc quần jean áo thun cũng được. Đâu có sao!”.

Đến nơi, ôi thôi toàn là vest và đầm dạ hội sang trọng. Người bạn của ba: Chết rồi, thôi tớ chạy về thay vest, đồ này không giống ai cả. Đó, mới trước đó 30 phút: “Đâu có sao!”

Có lần tối con không muốn ba đi dự một chương trình chỉ vì muốn ba ở nhà với con, nên dụ ba: Chương trình đó có nhiều người tham dự mà, mình khỏi đến, Ba không đi thì cũng vắng có một người à. Đâu có sao! À không, quý lắm người ta mới mời mình dự con. Ai cũng nghĩ vậy thì sao chương trình thành công được. Và đến một ngày nào đó, khi con làm chương trình, nhiều người cũng “Đâu có sao” như vậy và rồi chẳng mấy người đến với con, con buồn không?

Sẽ rất nhiều lần trong một ngày, mình nói “Đâu có sao!”:

- Quên đeo khăn quàng một bữa - đâu có sao!

- Không chuẩn bị bài một bữa - đâu có sao!

-Bỏ tập thể dục một bữa - đâu có sao!

- Bỏ học đàn một bữa cũng - đâu có sao!

- Không ủi đồ một bữa - đâu có sao!

- Trễ hẹn một bữa - đâu có sao!

- Cái này làm sơ sơ thôi, đâu cần phải làm kỹ, chơi thôi mà - đâu có sao!

Thậm chí:

- Nói dối một lần thôi - đâu có sao!

Từ một lần “Đâu có sao” đến nhiều lần “Đâu có sao” và thế là thành dễ dãi, nuông chiều bản thân, thiếu sự nghiêm khắc với bản thân, dung túng, biện bạch cho bản thân; lâu ngày mình sẽ thành thiếu trách nhiệm, thiếu kỷ luật, không khéo dần dần thành vô tâm..... hồi nào không hay con ạ.

“Đâu có sao” có nghĩa là mình đang tự du di cho chính mình, buông thả, thôi không cố gắng nữa. Đó là một kiểu suy nghĩ làm mình đi thụt lùi đó con.

Ba chỉ mong tụi mình bớt dùng đến 3 chữ “Đâu có sao!” để con vượt qua chính mình những lúc mình đang dễ dãi. Chỉ là một lằn ranh bé chút xíu vậy thôi nhưng con sẽ thành một người khác con nhé! Con sẽ tập được tính đúng giờ, có trách nhiệm, có được lòng tin của mọi người, làm việc có kế hoạch hơn,.. Và chắc chắn con sẽ thành công hơn.

Nhưng có một cái có thể “Đâu có sao” nhiều lần nè con: “Ba là ba mà, thương ba hơn mọi người - Đâu có sao!” Hehe...

Yêu con nhiều,

[ Ba của con ]

Vũ Minh Đức / Trần Thị Hồng An / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sai-gon-dau-co-sao-post1189045.html