Sài Gòn những ngày lòng người luôn hướng về nhau
Chưa bao giờ người Sài Gòn lại chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động đến thế. 'Thành phố nghĩa tình' trở nên đúng với tên gọi của mình hơn bao giờ hết, đang ăm ắp chân tình giữa người và người.
Những ân tình trao đi
“Em là công nhân nhưng nghỉ làm từ nửa tháng nay. Nhà em hiện chỉ còn ít gạo nhưng hết sạch thức ăn. Ba mẹ con em không biết mấy ngày tới sẽ ra sao, mong các anh chị giúp đỡ, phòng trọ em ở số... đường”. Một thông tin “kêu cứu” được đăng tải lên mạng xã hội. Lập tức, người xem tag ngay tên của những người trong nhóm từ thiện. Nhóm từ thiện lập tức liên hệ thành viên ở gần khu vực người dân kêu cứu. Chưa đầy 3 tiếng sau, một bao gạo, một chai dầu ăn, rau củ và cá khô đã được gửi đến nhà chị công nhân, đủ cho chị ăn hơn một tuần.
Những thông tin tương tự như trên, những ngày này liên tục được đăng trên mạng xã hội. Có người “kêu cứu” cho bản thân, có người “kêu cứu” cho cả một khu lao động, có người thì xin giúp đỡ cho những phận người nghèo khổ mà họ chứng kiến chung quanh. Và rất nhanh chóng, thực phẩm, nhu yếu phẩm được đưa đến, đủ cho người khó khăn qua được cơn hoạn nạn trước mắt.
Không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người dân Sài Gòn thời điểm này luôn sẵn sàng tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” với bất kì ai. Một gia đình, vì trước thời điểm giãn cách không kịp chen vào dòng người mua thực phẩm tích trữ, mấy ngày liền ra siêu thị thì “chậm chân” nên không mua được các loại củ bổ dưỡng để nấu cháo cho con nhỏ 8 tháng tuổi ăn dặm, lên mạng cầu cứu. Lập tức, một người bạn trên mạng từ quận khác đặt giao hàng gửi ngay đến một bịch củ, quả tươi rói mà chị mới được gia đình ở Tây nguyên “tiếp tế”.
Một nam thanh niên không biết nấu nướng, mấy ngày liền ăn toàn mì gói, vào nhóm chat của chung cư than thở, lập tức nhận được liền mấy nồi thịt kho, cá kho của các gia đình trong khu chung cư gửi tặng “ăn tạm”.
Chưa bao giờ mạng xã hội lại phát huy được những giá trị tích cực đến thế. Người và người mở lòng hơn bao giờ hết, kết nối với nhau sâu sắc hơn bao giờ hết. Những món quà nho nhỏ là thực phẩm, là yêu thương liên tục được trao gửi khắp thành phố trong tâm dịch.
Thành phố đã luôn khẳng định “không để người dân phải đói” trong giãn cách. Nhưng với tấm lòng trắc ẩn, với trách nhiệm giữa người và người, người dân Sài Gòn vẫn bươn bả giúp nhau, như người thân mình đang đâu đó cần nhau. Hàng ngày, đi trên đường phố, rất dễ bắt gặp những đoàn người phát cơm từ thiện, phát thực phẩm, nhu yếu phẩm, thậm chí phát tiền cho người nghèo. Họ đi thành nhóm, có xe cộ, trang bị khẩu trang, tấm chắn, thực hiện đúng “5K”, đến phát quà rồi đi.
Khó mà thống kê hết hiện Sài Gòn có bao nhiêu nhóm như thế. Có nhóm của sinh viên, thanh niên, có nhóm những người bạn từ tập hợp nhau làm, cũng có nhóm các doanh nghiệp, hay các đội từ thiện chuyên nghiệp đã thường xuyên tổ chức cứu trợ người nghèo từ trước đến nay.
Trên mạng xã hội, một clip vừa vui vừa cảm động đang được lan tỏa. Một người lao động nghèo đang đứng trên hè phố vào ban đêm, thấy một người dân vừa chạy về phía mình vừa dứ một cây gậy dài, liền bỏ chạy thục mạng. Người phía trước cứ chạy, người phía sau đuổi theo kêu ơi ới. Cuối cùng, hóa ra người nọ đuổi theo người kia để... phát quà từ thiện và cây gậy là để giữ khoảng cách 2m để “trao đi” một cách an toàn.
Sài Gòn những ngày này cũng xuất hiện biết bao sáng kiến của người làm từ thiện. Ngoài ATM gạo, giờ có thêm ATM rau, có thêm “ống phát thực phẩm”. Tất cả là để giúp người nghèo, mà giúp thế nào để vẫn tuân thủ quy định an toàn, phòng chống dịch bệnh.
Và thiện nguyện trong tâm dịch
Những ngày giãn cách, chuyện đi làm từ thiện càng không dễ dàng. Nào là những quy định hạn chế ra khỏi nhà, quy định về phòng chống dịch, quy định về giãn cách.
Những ngày đầu giãn cách, nhiều nhóm từ thiện cũng bày tỏ nỗi lo lắng, hoang mang khi đó đây, tại một số quận, chính quyền còn lúng túng không biết nên quản lý hoạt động làm từ thiện như thế nào. Có điểm phát cơm, phát gạo đã phải giải tán.
Và rồi, rất nhanh chóng, thành phố sau đó đã có những giải đáp cho người làm từ thiện, khẳng định tạo mọi điều kiện cho hoạt động tặng cơm, quà từ thiện trong thời gian giãn cách xã hội. Tất nhiên, thành phố cũng yêu cầu người làm từ thiện phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách, số lượng người tại nơi công cộng…
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức chia sẻ: “Đây là hoạt động mang tính nhân văn, góp phần giảm bớt khó khăn cho người gặp khó khăn do dịch bệnh, chung tay cùng thành phố để không ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, thành phố sẽ cố gắng tạo điều kiện cho các hoạt động này”.
Được “cởi trói”, những hội nhóm hoạt động từ thiện lập tức triển khai những kế hoạch được chuẩn bị từ trước. Chị Lê Nguyệt Hằng, Giám đốc Công ty Truyền thống Quốc hoa Việt Nam, nguyên Chánh Văn phòng Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn là một trong những người cực kì tích cực trong các hoạt động quyên góp, ủng hộ người nghèo từ hơn một tháng nay. Trước đó, khi sống trong khu phong tỏa, nhận được nhiều ân tình của các mạnh thường quân, người dân chung quanh, chị hứa với lòng khi hết phong tỏa sẽ tích cực hỗ trợ cho người dân khó khăn. Giờ đây, chị cùng những thành viên trong công ty, nhiều chủ doanh nghiệp trong Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn và Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ liên tục tổ chức những chuyến xe đi phát thực phẩm khắp nơi ở Sài Gòn.
Do có kinh nghiệm, hoạt động của nhóm chị Hằng được tổ chức rất bài bản. Trước khi được cho phép triển khai, nhóm của chị đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, tổ chức khảo sát thực trạng người dân bằng cách nhờ những tình nguyện viên tại các khu vực xác nhận, sau đó thông qua nhà phân phối có giấy thông hành phân phối giúp. Giờ đây, khi có giấy thông hành cho phép hoạt động từ thiện, nhóm càng tích cực hơn trong việc đem thực phẩm đến trao cho người nghèo.
Về phần mình, chị Bảo Vân, Trưởng nhóm từ thiện Chia sẻ yêu thương khu vực TP HCM cho biết, những ngày đầu giãn cách, nhóm của chị không vội hoạt động ngay mà lên kế hoạch và lộ trình cụ thể để tặng gạo hoặc ít nhu yếu phẩm đến người nghèo, tất cả hướng đến làm sao để hoạt động từ thiện có hiệu quả tốt nhất. “Nhóm mình làm chậm hơn nhiều nhóm hội khác vì để tránh tình trạng tập trung nhiều người, mặt khác là để có thời gian tìm được những nơi cần hỗ trợ thật sự. Giai đoạn đầu giãn cách khá khó khăn để mình tổ chức cho nhóm đi ra đường vì chưa nắm được cụ thể các tình nguyện viên được phép ra đường như thế nào, cần phải tìm hiểu thêm kĩ lưỡng.
Nhiều ngày qua, mình có nhận thấy sự hỗ trợ nói chung đôi chỗ chưa thiết thực, nơi thì được nhận nhiều quá, nơi thì không ai biết đến, ví dụ như các khu bị phong tỏa ở Thủ Đức hay một số khu ngoại thành do xa quá. Mình nghĩ nên hạn chế việc nấu cơm tặng cho các khu bị phong tỏa, vì thiếu thực tế. Họ có nhà, có bếp thì nên hỗ trợ gạo, mì, nhu yếu phẩm để họ tự nấu ăn. Chứ mỗi ngày, các nhóm nấu rất nhiều, hàng ngàn phần ăn và từ đầu dịch đến nay rác thải từ hộp cơm cũng quá nhiều. Sau khi nghiên cứu kĩ những gì cần và không cần, chuẩn bị đầy đủ thưc phẩm, nhân lực, phương án... để tỏa đi hỗ trợ người dân”.
Không có ai bị đói, không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng đến. Và người dân cả nước, người dân thành phố giờ đây đang nỗ lực hết mình để chung tay cho mục tiêu ấy. Sài Gòn những ngày này, dù nhiều hoang mang và âu lo, tình người luôn ấm lắm.
“Doanh nhân của Sài Gòn, các anh chị rộng lòng, hào sảng lắm. Các anh chị đóng góp tiền bạc, vật chất, bảo mình là cứ làm đi, còn người nghèo là còn làm, các anh chị sẽ ủng hộ hết mình. Hôm trước, một tu viện báo các con thiếu sữa uống, chị vận động trong một đêm, các anh chị ủng hộ ngay 60 triệu vì thương các con”, chị Nguyệt Hằng hào hứng chia sẻ.