Sài Gòn, rộng - chật và mênh mông tình người

Tôi chưa thấy ở đâu con người ta rộng mở và bao dung như Sài Gòn. Chính sự rộng mở nơi trái tim ấy mà Sài Gòn chưa bao giờ thấy chật.

Ở Sài Gòn có những nơi mà khi lên cao, ta bất ngờ nhận ra sông Sài Gòn như hiện ra trước mặt. Lên càng cao, với tầm nhìn đủ rộng, ta mới thấy những ngã sông lớn và đẹp như trong phim ở một xứ sở nào đó chứ không phải của Sài Gòn.

Có phải vì thế mà những người “nhà có điều kiện” thường tranh thủ kiếm cho mình một căn hộ chung cư cao cấp nhìn ra sông, hoặc cất một biệt thự bên sông để tận hưởng không gian thiên nhiên thoáng đãng. Mặc dù hằng ngày họ vẫn phải đi về trên những con đường mịt mù khói bụi và kẹt xe vẫn là một thứ “đặc sản” chưa có “món ngon” nào soán ngôi thay thế.

Nhưng nói về Sài Gòn, ở những nơi rộng rãi mê ly ấy, tôi có cảm giác mình hơi bị choáng. Bởi xét cho cùng, mình cũng chỉ là một gã nhà quê lên phố, thấy nhà cao tầng thì trật ót ra nhìn, thấy nơi xa hoa thì lạc bước. Đâu có gì đẹp bằng những không gian thoáng rộng mà ở đó ta có thể bao quát ánh nhìn từng hàng cây, từng thảm cỏ và chiêm ngưỡng từng đường nét của kiến trúc. Nhưng những nơi ấy mình chỉ trong vai người khách tham quan. Những nơi ấy không thuộc về mình.

Nơi mà mình thuộc về ấy chính là những nơi chật hẹp.

Ảnh: HOÀNG GIANG

Ảnh: HOÀNG GIANG

Những con hẻm nhỏ. Những quán cà phê tuềnh toàng. Những quán bia vỉa hè huyên náo. Và có cả những ngôi chợ nhỏ cũng thuộc về ký ức. Nơi đó, những bó hoa cắm trong xô nhựa, những bó lá xông cột treo trên bờ tường, con cá lóc quẫy trên chiếc mâm nhôm, trứng gà trứng vịt đựng trong chiếc rổ nhựa lót rơm…

Những ai từng đến Sài Gòn ngụ cư, từng ở trọ trong những con hẻm sâu hút hút, trong những căn phòng rộng chừng mươi mét vuông, chắc đều phải biết những hẻm chợ. Có những người dần thoát “kiếp nhà trọ” bằng cách mua lại chính căn phòng trọ bé xíu ấy và biến nó thành nhà. Đó có thể là những ngôi nhà bé nhất thế giới.

Cách đây chừng mươi năm, vợ chồng người bạn tôi từng mua một căn nhà ở Bình Chánh chỉ có mười hai mét vuông, ngang hai mét và dài sáu mét, gia cố thêm một cái gác gỗ. Hai vợ chồng, hai đứa con, hai chiếc xe gắn máy. Ban ngày, nếu không đi làm thì hai chiếc xe gắn máy dựng ngoài hẻm trước nhà. Đến tối, trước khi đi ngủ thì hai chiếc xe gắn máy dắt vào nhà, xong anh chồng lấy một tấm ván đặt trên yên xe rồi nằm ngủ, ba mẹ con ngủ trên gác. Vậy mà cái căn nhà tí hon ấy, cách đây hai năm họ bán lại được gần cả tỷ đồng. Giờ thì họ rất hạnh phúc khi có một căn hộ chung cư rộng sáu mươi mét vuông.

Nhà chật quá nên có ràng bánh tráng ở quê gửi vô để lâu sợ mốc họ phải bắc ghế phơi ngoài đường. Nhà mái tôn chẳng có sân thượng nên ngày Tết làm dưa kiệu, họ cũng bắc ghế đặt cái mâm ngoài đường mà phơi. Trong không gian chật hẹp, đêm nằm nghe “nồng nàn” mùi mồ hôi của chồng của vợ, nghe tiếng con nói mớ những giấc mơ bầu trời. Chao ơi, mình cũng từng sống những ngày dài chật hẹp như thế trong thành phố rộng lớn này.

Cho nên nói tới Sài Gòn là nói tới rộng và chật, giàu và nghèo, sự bao dung tử tế và cả những trả giá đắng cay. Tôi không bao giờ nhìn Sài Gòn một màu. Đen hay hồng, Sài Gòn đều có cả. Những nơi đẹp nhất mà Sài Gòn còn giữ lại, tôi cũng đã từng đến, nhưng tôi cũng nhận ra nhiều cây bút đã thi vị hóa Sài Gòn từ những ký ức xa xăm và từ những sách vở. Thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, bên ngoài những tòa nhà sang trọng là những gánh hàng rong, lúp xúp vài chiếc ghế bên nồi luộc hột vịt lộn sôi ùng ục, hay một chiếc xe bò bía, cá viên chiên, hoặc thấy một ông già tay cầm cái kéo xăm xắp xăm xắp là biết gần đó có bán gỏi đu đủ khô bò. Hoặc khi bạn từ canô bước lên một cầu cảng hoành tráng để bước vào một khu biệt thự đẳng cấp thì ngoái nhìn mép sông bạn sẽ thấy những người lênh đênh trên chiếc thuyền câu bé xíu vất vả mưu sinh.

Sài Gòn có những quán cà phê rộng lớn, nhưng cũng có những quán cà phê nhỏ xíu, nơi có thể đặt vài chiếc ghế đẩu, mặt bàn là chiếc thùng phuy cắt ngang hay bàn chính là một chiếc ghế đẩu khác. Nhưng trong chật hẹp, con người ta vẫn rộng rãi với nhau, hào sảng đến vô cùng. Nói nữa sẽ bằng thừa, nhưng đi nhiều nơi tôi chưa thấy ở đâu con người ta rộng mở và bao dung như Sài Gòn. Chính sự rộng mở nơi trái tim ấy mà Sài Gòn chưa bao giờ thấy chật. Và dường như ở những nơi càng chật hẹp thì con người ta càng rộng lòng với nhau, càng thương yêu nhau thật thà hơn.

TRẦN NHÃ THỤY

Nguồn PLO: https://plo.vn/xuan-canh-ty-2020/tinh-sai-gon/sai-gon-rong-chat-va-menh-mong-tinh-nguoi-884922.html