'Sài Gòn tánh kỳ'
'Fake news', 'ném đá', 'sống ảo', 'câu like'… những điều nhan nhản hàng ngày, khiến nhiều người ngao ngán khi nhắc đến mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng trong thế giới phẳng đó, không ít bạn trẻ vẫn ngày ngày góp nhặt những câu chuyện dễ thương, đượm tình người, tình đời để chia sẻ với hy vọng lan tỏa những điều tử tế.
Chuyện đời, chuyện phố
Hàng ngàn thông tin tốt - xấu lẫn lộn, tin giả cùng những vụ ném đá trên cộng đồng mạng ngày càng nhiều, khiến người ta gần như chỉ nhìn thấy tiêu cực và mất niềm tin vào những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống. Không chạy theo những thông tin độc - lạ hay chuyện đời tư người nổi tiếng để “câu” lượt xem, “câu” yêu thích…, không ít fanpage trên mạng xã hội được lập ra với mục đích chia sẻ những câu chuyện có thật, từ những con người lao động bình dị trong cuộc sống hàng ngày.
“Hôm nay, rất vui khi biết anh Huy chạy lại xe buýt. Anh không còn đi tuyến 54 thân thuộc mà chuyển qua tuyến 86. Và vui hơn nữa, anh vẫn giữ nét đẹp của một người miền Tây chân chất, thật thà, giúp đỡ người khách. Anh nói anh mua 1 ít áo mưa để trên xe buýt tặng cho bà con, ai mà xuống trạm trời có lỡ mưa thì mặc mà về nhà không bị ướt, không bị bệnh, bị cảm. Hỏi ra thì anh nói lý do là nguyên tuyến đường xe 86 chạy qua ở quận 7 không có nhà chờ trú mưa, nên ai mà xuống trạm chắc chắn sẽ bị ướt nhem”.
Câu chuyện được chia sẻ từ fanpage “Sài Gòn tánh kỳ” nhanh chóng thu hút hơn 1.000 lượt like. Bên cạnh đó là không ít bình luận bày tỏ lòng cảm kích, bạn trẻ có nickname Nguyễn Tú viết: “Thường sẽ dành hết cảm xúc để đọc thật kỹ những bài viết như thế này. Để thấy cuộc sống vẫn còn đẹp lắm”; tài khoản Phan Quốc Khang chia sẻ: “Ở đâu đó trên mảnh đất Sài Gòn nhộn nhịp lại có một tấm lòng đáng quý như chú. Chúc chú luôn có thật nhiều sức khỏe, có thật nhiều may mắn trong cuộc sống”…
Chuyện về chú tài xế xe buýt, bác xe ôm chở khách tới bệnh viện nhưng không lấy tiền vì người bệnh quá khó khăn, chuyện người ta xếp hàng nhường nhau những suất ăn ở quán cơm 2.000 đồng… mỗi câu chuyện được trang “Sài Gòn tánh kỳ” chia sẻ, kèm theo đó là hình ảnh những gương mặt tảo tần, bàn tay lam lũ, khiến người ta không khỏi xúc động lẫn chút tự hào khi sống giữa thành phố mà tình người vẫn len lỏi, có mặt khắp nơi.
“Tôi cũng theo dõi trang này từ lúc nó mới thành lập, thật sự thấy quý những câu chuyện được chia sẻ. Đọc để thấy niềm tin trong cuộc sống vẫn còn nhiều”, bạn Đoàn Thanh Hùng (25 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) cho biết. Từng chia sẻ câu chuyện bản thân chứng kiến cho “Sài Gòn tánh kỳ”, Nguyệt Hằng (22 tuổi, ngụ quận 11) kể: “Mình thấy mỗi câu chuyện kể ra cũng hay, qua đó người ta thấy cuộc sống nhẹ nhàng và lòng tốt được lan tỏa nhiều hơn. Thỉnh thoảng đi đường thấy chuyện hay hay, mình cũng nhắn tin chia sẻ lại với trang, từ đó chia sẻ rộng ra với nhiều người hơn, vì mạng xã hội bây giờ phổ biến nên mọi thông tin đều truyền đi rất nhanh”.
Người kể chuyện trong thành phố
Thành lập từ tháng 10-2018, fanpage “Sài Gòn tánh kỳ” thu hút hơn 67.000 lượt theo dõi từ người dùng mạng xã hội. Nói về ý tưởng để tạo nên một trang cộng đồng, chia sẻ những câu chuyện dung dị từ cuộc sống, Trần Chính Quang (24 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận Bình Thạnh) chủ sở hữu fanpage kể lại, trước khi vô thành phố học tập và làm việc, tôi vẫn hay nghe người ta rỉ tai nhau rằng: “Sài Gòn đất chật người đông, xô bồ lắm, nhiều cướp giật lắm”…
Lúc đó, cũng cảm thấy lo lắng, cho đến khi đã sinh sống ở Sài Gòn ngót nghét 6 năm thì thứ mình nghe nhiều nhất không phải là những điều tiêu cực, mà là những điều nhỏ nhỏ, ý nghĩa như: nhắc gạt chân chống xe; nhắc cất điện thoại vô, không là bị giựt; nhắc ba lô quên kéo khóa kìa.., hay những bữa cơm 2.000 đồng cho người nghèo, những đêm đi phát cháo giúp đỡ người vô gia cư...
Mình trộm nghĩ: “Sài Gòn tánh kỳ ghê, suốt ngày đi lo “chuyện bao đồng” giúp đỡ người khác không hà. Rồi mình lập nên trang “Sài Gòn tánh kỳ”, để tiếp tục lan tỏa những câu chuyện “tánh kỳ” ấy tới nhiều người hơn nữa, để mọi người biết Sài Gòn không chỉ đông người - mà còn đông tình người”.
Để có được thông tin hay, những câu chuyện xúc động, chàng trai trẻ góp nhặt từ những điều mà bản thân chứng kiến được từ cuộc sống xung quanh và những tài khoản người dùng mạng xã hội gửi về. “Câu chuyện nào mà bản thân mình chứng kiến được thì mình chia sẻ ngay. Còn thông tin từ những anh,chị,em theo dõi trang và gửi về thì mình chọn lọc và xác thực rồi sau đó mới chia sẻ”, Quang kể.
Người trẻ có cách kiếm tiền online phổ biến, từ việc thành lập fanpage, vlog… Tuy nhiên, với “Sài Gòn tánh kỳ”, Quang bày tỏ: “Tôi không tách biệt việc mang lại giá trị tốt đẹp của thành phố và tạo ra được nguồn thu nhập từ nó. Fanpage do mình lập và quản lý, không chịu sự ràng buộc từ công ty hay tổ chức nào, nên mình mong muốn hướng đến giá trị cho cộng đồng hơn là việc kiếm được bao nhiêu tiền từ đó, có lời hay không”.
Ngày nay, những tin tiêu cực bị lan truyền với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với những điều tích cực, tạo ra một bộ phận người trẻ “hung hãn và bạo lực” hơn, nhất là trên mạng xã hội. Họ sẵn sàng “ném đá” bất kỳ ai và thậm chí khi ra đường cũng không ngại gây chuyện, từ lời qua tiếng lại đến đánh nhau chỉ vì chuyện nhỏ xíu.
“Mình thấy bản thân mình có kinh nghiệm và có sức trẻ, cần phải có trách nhiệm trong việc cân bằng lại những giá trị tốt đẹp bằng những câu chuyện kể trên mạng xã hội”, Quang cho hay. Hy vọng những điều tử tế, qua phương tiện như “Sài Gòn tánh kỳ”, ngày càng được lan tỏa, để truyền đi những thông điệp sống tốt đẹp.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sai-gon-tanh-ky-604518.html