Sai lầm của Tổng thống Trump nghiêm trọng đến mức nào?
Ngoài việc đe dọa gây ra một cuộc chiến thảm khốc với Iran, những sai lầm của Tổng thống Trump đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Iraq.
Cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ví sai lầm của Tổng thống Trump như hành động vừa ném thuốc nổ vào hộp mồi lửa. (Nguồn: Business Insider)
Thế giới đã bước sang một năm mới, và người Mỹ đang phải đón nhận một cuộc khủng hoảng mới do chính nước này gây ra ở Trung Đông. Trước tiên, Mỹ đã tấn công Kata’ib Hezbollah, một lực lượng dân quân Iraq từng là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Giờ đây, cũng tại Iraq, Mỹ đã ám sát Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds, một trung đoàn tinh nhuệ thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, nhóm cung cấp sự hỗ trợ và huấn luyện cốt yếu cho các lực lượng Iraq để đánh bại IS.
Bản chất gây kích động của hành động leo thang chiến sự đáng chú ý của Mỹ đối với Iran không hề bị phóng đại. Theo lời cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, “Tổng thống Trump vừa ném thuốc nổ vào hộp mồi lửa”.
Phá vỡ liên minh chống IS
Tại Iran, vụ ám sát Tướng Soleimani chắc chắn sẽ khiến người dân Iran thêm ủng hộ cho các lực lượng vũ trang và tiếp thêm động lực cho những người theo đường lối chính trị cứng rắn vốn luôn cho rằng Mỹ không muốn hòa bình và các cuộc đàm phán ngoại giao cũng như các thỏa thuận với Mỹ đều chỉ lãng phí thời gian.
Cho đến nay Mỹ đã tiến hành chiến tranh kinh tế, thông tin cũng như chiến tranh ủy nhiệm chống lại Iran, nhưng kiềm chế gây chiến công khai. Quốc hội Mỹ cũng không trao cho Tổng thống bất kỳ thẩm quyền pháp lý nào để điều động lực lượng quân sự chống lại Iran.
Cũng trong cuộc tấn công đã khiến Tướng Soleimani thiệt mạng, Mỹ cũng sát hại Abu Mahdi al-Muhandis, người đứng đầu lực lượng Kata’ib Hezbollah và cũng là Tư lệnh quân sự của Các đơn vị huy động nhân dân (PMU) Iraq.
PMU được tuyển mộ để chống lại IS sau khi các lực lượng vũ trang Iraq thất bại và Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, rơi vào tay IS vào tháng 6/2014, và đơn vị này đã đóng vai trò lớn trong việc đánh bại IS ở Iraq.
6 đơn vị PMU đầu tiên được thành lập từ 5 nhóm dân quân người Shiite tiếp nhận sự hỗ trợ từ Iran, cùng với nhóm vũ trang dân tộc chủ nghĩa Iraq có tên gọi Lữ đoàn Hòa bình do Giáo sĩ Muqtada al-Sadr đứng đầu, mà tiền thân là lực lượng quân đội Mahdi chống chiếm đóng vốn bị giải tán vào năm 2008 theo một thỏa thuận với Chính phủ Iraq.
Trong cuộc chiến chống IS, PMU đã nhanh chóng mở rộng. Hầu hết các chính đảng ở Iraq đều hưởng ứng sắc lệnh Hồi giáo do Đại giáo chủ al-Sistani đưa ra về việc thành lập và gia nhập các đơn vị này bằng việc thành lập một đơn vị của riêng mình. Khi cuộc chiến chống IS lên đến đỉnh điểm, PMU bao gồm khoảng 60 lữ đoàn với hàng trăm nghìn chiến binh Shiite, cùng với 40.000 người Hồi giáo Iraq dòng Sunni.
Châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ở Iraq
Các quan chức Mỹ và giới truyền thông đang mắc sai lầm khi phác họa Kata’ib Hezbollah và PMU như các lực lượng dân quân độc lập và nổi loạn do Iran hậu thuẫn ở Iraq, trong khi đó lại là một bộ phận chính thức của các lực lượng an ninh Iraq.
Tình hình chiến sự mới giữa các lực lượng Mỹ và Kata’ib Hezbollah đã bắt đầu từ 6 tháng trước, khi Mỹ cho phép Israel sử dụng các căn cứ Mỹ ở Iraq và/hoặc Syria để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Kata’ib Hezbollah và các lực lượng PMU khác ở Iraq.
Vụ việc này đã khơi mào cho một chiến dịch do Muqtada al-Sadr và các phe chống chiếm đóng khác cũng như các chính trị gia trong Quốc hội Iraq phát động nhằm một lần nữa kêu gọi trục xuất các lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq như hồi năm 2011, và Mỹ đã buộc phải chấp nhận những hạn chế mới về việc sử dụng không phận Iraq.
Sau đó, vào cuối tháng 10/2019, các căn cứ Mỹ và Vùng Xanh ở Baghdad đã phải hứng chịu một làn sóng các cuộc tấn công mới bằng tên lửa và súng cối. Trong khi các cuộc tấn công trước đó bị quy trách nhiệm cho IS, Mỹ lại đổ lỗi cho Kata’ib Hezbollah về loạt tấn công mới này.
Sau khi số lượng các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các căn cứ của Mỹ tăng vọt vào tháng 12, mà một trong số đó đã khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng vào ngày 27/12, Chính quyền Trump đã tiến hành các cuộc không kích vào ngày 29/12, khiến ít nhất 24 thành viên của Kata'ib Hezbollah thiệt mạng và làm 55 người bị thương.
Thủ tướng Abdul Mahdi gọi các cuộc tấn công này là hành vi vi phạm chủ quyền Iraq và tuyên bố để quốc tang trong 3 ngày nhằm tưởng nhớ các binh lính Iraq thiệt mạng vì các lực lượng Mỹ.
Ngoài tác động đối với Iran, các cuộc không kích và ám sát của Mỹ đã khiến Chính phủ Iraq phải chịu sức ép chính trị cũng như từ phía dân chúng buộc họ đóng cửa các căn cứ của Mỹ ở nước này.
Kịch bản nào?
Nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đổ lỗi cho Iran về cuộc khủng hoảng này đơn giản là một “mánh khóe” nhằm hướng sự chú ý ra khỏi chính sách vụng về của mình. Trên thực tế, Nhà Trắng mới là bên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại.
Quyết định khinh suất của Chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và quay trở lại chính sách đe dọa của Mỹ, các biện pháp trừng phạt và việc tiến hành chiến tranh âm thầm và chiến tranh ủy nhiệm vốn chưa từng có hiệu quả giờ đây đang phản tác dụng nghiêm trọng, đúng như dự đoán của các nơi khác trên thế giới, và ông Trump chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình.
Vậy 2020 liệu có phải là năm Donald Trump cuối cùng buộc phải thực hiện lời hứa đưa binh lính Mỹ về nước? Liệu thiên hướng đẩy mạnh các chính sách cứng rắn và phản tác dụng của ông Trump sẽ chỉ khiến Mỹ lún sâu hơn nữa trong vũng lầy leo thang xung đột không hồi kết với Iran?
Hy vọng rằng 2020 sẽ là năm công chúng Mỹ cân nhắc một cách sáng suốt sự lựa chọn mang tính quyết định giữa chiến tranh và hòa bình
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sai-lam-cua-tong-thong-trump-nghiem-trong-den-muc-nao-107427.html