Sai lầm khi muốn cải thiện chiều cao
Dù đã bước qua tuổi dậy thì nhưng nhiều người vẫn tìm mua các sản phẩm giúp tăng chiều cao cấp tốc với hy vọng có thể cải thiện vóc dáng. Liệu việc sử dụng các sản phẩm tăng chiều cao sau độ tuổi 20 có biến giấc mộng chân dài của người Việt thành sự thật không?
Một thực tế đáng buồn là người Việt chúng ta đang nằm trong “top” 10 nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với vị trí thứ 4 (tính từ dưới lên). Chiều cao trung bình của nam giới là 1,62m và của nữ là 1,53m. Đây là mức chiều cao thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng của chiều cao bởi nó ảnh hưởng ít nhiều đến sự tự tin của bản thân và cơ hội thành công trong tương lai. Để hiện thực hóa ước mộng chân dài, nhiều người trót đặt lòng tin và sẵn sàng tìm mua các loại sản phẩm được quảng cáo có thể tăng chiều cao cho người trưởng thành đến... 30 tuổi. Họ hy vọng đây chính là “chìa khóa vàng” có thể giúp mình cải thiện vóc dáng thành công. Nhưng có hay không sản phẩm tăng chiều cao ở tuổi trưởng thành?
Theo chuyên gia, khi trưởng thành, các sụn tiếp hợp ở hai đầu xương đã hợp nhất, cốt hóa, các xương này không thể dài thêm được nữa, con người không thể nào cao thêm, và dần ổn định chiều cao “trưởng thành”. Do đó, các biện pháp hỗ trợ phát triển chiều cao phải được tiến hành sớm, khi còn non trẻ, trước và trong tuổi dậy thì.
Các chuyên gia cũng cho rằng, không có bằng chứng y khoa hoặc lâm sàng nào cho thấy cơ thể có thể phát triển cao hơn khi đã trải qua tuổi dậy thì. Các sản phẩm được cho là tăng trưởng chiều cao đều không làm cho xương tăng trưởng khi sự phát triển chiều cao của con người đã dừng lại. Bởi vậy, đối với người trưởng thành, nhất là sau 20 tuổi đến 35 tuổi, xương đã phát triển hoàn toàn thì việc dùng các sản phẩm tăng chiều cao đều không có tác dụng khả quan. Việc tin tưởng các quảng cáo “thổi phồng” tác dụng của sản phẩm tăng chiều cao sau tuổi 20 không chỉ khiến cho người dùng thiệt hại về kinh tế mà còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao con người gồm: Chế độ dinh dưỡng chiếm 32%, vận động thể thao chiếm 20%, môi trường - tâm lý xã hội chiếm 16% và yếu tố di truyền chiếm 23%, 9% còn lại phụ thuộc vào yếu tố khác. Quá trình tăng trưởng chiều cao sẽ bắt đầu dừng lại sau khi chúng ta bước qua tuổi dậy thì, nhất là khi đã qua độ tuổi 20. Do đó nếu nắm bắt cách tăng chiều cao ở tuổi dậy thì đúng đắn và phù hợp thì việc sở hữu chiều cao lý tưởng sẽ không còn quá khó khăn.
Để cải thiện chiều cao tốt nhất, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng chế độ dinh dưỡng đúng đắn, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết có lợi cho sự phát triển chiều cao. Tập thói quen ngủ, nghỉ khoa học, hợp lý. Vận động thể thao với các bài tập tăng chiều cao và cải thiện sức khỏe hiệu quả.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/sai-lam-khi-muon-cai-thien-chieu-cao/820196.antd