Sai lầm tai hại khiến trẻ sơ sinh dễ mắc uốn ván

Việc người mẹ sinh con tại nhà, cắt rốn không đảm bảo vô trùng, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ sơ sinh.

 Việc người mẹ tự sinh tại nhà, cắt rốn bằng dụng cụ không đảm bảo có thể khiến trẻ tăng nguy cơ nhiễm uốn ván sơ sinh. Ảnh minh họa: Pexels.

Việc người mẹ tự sinh tại nhà, cắt rốn bằng dụng cụ không đảm bảo có thể khiến trẻ tăng nguy cơ nhiễm uốn ván sơ sinh. Ảnh minh họa: Pexels.

Theo thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, mới đây trên địa bàn tỉnh ghi nhận một trường hợp trẻ mắc bệnh uốn ván sơ sinh được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.

Đáng chú ý, trẻ được sinh tại nhà, người nhà tự đỡ đẻ và cắt rốn bằng dao lam, buộc rốn bằng chỉ khâu. Ngoài ra, sản phụ không tiêm vaccine uốn ván nên dẫn đến việc trẻ sơ sinh cũng mắc bệnh.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, uốn ván sơ sinh rất nguy hiểm cho trẻ. Nếu không điều trị, sẽ có 40-95% trẻ ảnh hưởng tính mạng khi mắc bệnh.

Uốn ván sơ sinh là bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ, chủ yếu qua đường rốn trong quá trình sinh. Nguyên nhân gây uốn ván sơ sinh bao gồm:

Dụng cụ cắt rốn không đảm bảo vô trùng
Tay người đỡ đẻ không vô khuẩn, băng gạc không vô trùng
Vi trùng xâm nhập qua vết cắt rốn
Sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván

Bệnh uốn ván sơ sinh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, sinh tại nhà do "bà đỡ" theo phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bệnh thường xảy ra ở trẻ 3-28 ngày tuổi (trung bình 8 ngày), thời gian ủ bệnh có thể từ 2 ngày đến hơn một tháng.

Ở thời kỳ toàn phát, trẻ sốt 38-39 độ C, có khi lên 40-41 độ C, trẻ quấy khóc, bỏ bú, hàm cứng càng ngày càng rõ, không bú được, dần dần xuất hiện co giật và co cứng. Mỗi khi lên cơn co giật, mặt trẻ sơ sinh nhăn lại, miệng chúm chím, sùi bọt mép, 2 tay nắm chặt.

Nếu cơn giật nhẹ, da của trẻ sơ sinh vẫn hồng hào, nhưng co giật mạnh liên tục sẽ kèm theo những cơn ngừng thở vì cơ thanh quản co lại, làm cho trẻ tím tái, chân tay lạnh, nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng.

 Để phòng bệnh uốn ván cho sản phụ và trẻ sơ sinh, phụ nữ khi mang thai nên tiêm vaccine phòng uốn ván. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.

Để phòng bệnh uốn ván cho sản phụ và trẻ sơ sinh, phụ nữ khi mang thai nên tiêm vaccine phòng uốn ván. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.

Tiêm vaccine uốn ván là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván cho trẻ sơ sinh và người mẹ trong quá trình sinh. Lịch tiêm uốn ván đầy đủ cho phụ nữ có thai gồm 2 liều vaccine uốn ván cách nhau tối thiểu một tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh một tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại một liều uốn ván trước khi sinh một tháng.

Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng có hiệu quả để ngăn ngừa bệnh uốn ván sơ sinh bao gồm:

Khi sinh con cần tới cơ sở y tế, nơi có phòng sinh sạch sẽ với dụng cụ đỡ sinh tiệt trùng
Sau sinh cần chăm sóc rốn cho trẻ đảm bảo vệ sinh; loại trừ một số tập quán, thói quen sinh, đỡ đẻ phản khoa học
Phụ nữ có thai cần được theo dõi tốt, định kỳ, tránh tình trạng sinh tại nhà, đẻ rơi
Nếu chuyển dạ, sinh tại nhà, ngay lúc đó, phải đưa mẹ và em bé đến ngay cơ sở y tế để được xử lý cắt rốn, không tự dùng dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn để cắt rốn cho trẻ.

Khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván rốn, cha mẹ phải đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà hoặc bằng các bài thuốc dân gian, truyền miệng chưa được kiểm chứng.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sai-lam-tai-hai-khien-tre-so-sinh-de-mac-uon-van-post1479525.html