Sai lầm tại hại nhất của Hitler
22/6/1941, hơn 2,6 triệu quân Đức Quốc xã với 3.350 xe tăng tràn vào lãnh thổ Liên Xô, khởi đầu phần khốc liệt và đẫm máu nhất của Đệ nhị Thế chiến - cuộc chiến tranh khốc liệt và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
Đến ngày 3/7, sau khi xem báo cáo chiến sự và thấy quân đội Đức Quốc xã đã tiến đến tận bờ sông Dnieper, ngay cả tướng Franz Halder - Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh quân đội tối cao (OKH), người trực tiếp chỉ đạo việc lập kế hoạch Barbarossa, một vị tướng khá thận trọng - cũng tin rằng "chỉ thêm ít ngày nữa, mọi chuyện sẽ xong xuôi". Nhưng, sau đó, tất cả đã biến chuyển theo một chiều hướng khác.
Bên sông Dnieper
Franz Halder có cơ sở thực tế cho niềm tin ấy, chứ không phải một niềm tin mang tính chất "duy ý chí" như Adolf Hitler vẫn thường có. Ông ta ghi lại trong nhật ký: "Hồng quân đã bị bất ngờ về chiến thuật trên toàn trận tuyến. Tất cả các cây cầu đều còn nguyên vẹn. Tại mọi điểm dọc biên giới, Liên Xô đã không dàn quân để tác chiến, và đều bị áp đảo trước khi có thể tổ chức phản công. Hàng trăm máy bay của họ bị phá hủy trước khi có thể cất cánh".
Vào ngày 22/6/1941 ấy, tình thế của Hồng quân có thể được cô đọng trong một câu chuyện khác, được ghi ở nhật ký của một sĩ quan Đức khác - Tướng Guenther Blumentritt: Lúc bình minh, những đài thông tin Đức bắt được tín hiệu vô tuyến của Hồng quân: "Chúng tôi đang bị bắn. Chúng tôi phải làm gì?". Và câu trả lời từ Tổng hành dinh: "Các anh điên rồi. Mà tại sao các anh không mã hóa tín hiệu?".
Trong vòng vài ngày, hàng chục nghìn tù binh Liên Xô bị bắt; nguyên từng đại đoàn bị bao vây, cô lập. Đến đầu tháng 7/1941, ở phía nam, Tập đoàn quân do Thống chế Von Rundstedt chỉ huy gồm 25 sư đoàn bộ binh, 4 sư đoàn cơ giới, 4 sư đoàn sơn cước và 5 sư đoàn thiết giáp đã đến bờ sông Dnieper, áp sát Kiev.
Trong vòng một tuần sau, Tập đoàn quân phía Bắc của thống chế Von Leeb (gồm 21 sư đoàn bộ binh và 6 sư đoàn thiết giáp) đã băng qua các nước cộng hòa vùng Baltic, hướng thẳng đến Leningrad. Còn ở chính diện, Tập đoàn quân trung tâm do Thống chế Von Bock chỉ huy (gồm 30 sư đoàn bộ binh cùng 15 sư đoàn thiết giáp - cơ giới) đã tiến hết 700 km từ đông bắc Ba Lan đến tận Smolensk, chỉ còn cách Moskva 320 km.
Một trận tuyến trải dài 1.600 km từ biển Baltic phía Bắc đến Hắc Hải phía Nam đã hình thành. Adolf Hitler tự tin đến nỗi, vào ngày 14/7, ra chỉ thị rằng nước Đức Quốc xã "chuẩn bị có thể giảm sức mạnh quân đội một cách đáng kể trong tương lai gần", và "việc sản xuất vũ khí có thể tập trung vào chiến hạm cho hải quân, cũng như đặc biệt là máy bay cho không quân", để "tiến hành cuộc chiến với kẻ thù cuối cùng còn sót lại (ở châu Âu) là Anh quốc, cũng như để chống lại nước Mỹ nếu cần thiết".
Thậm chí, đến cuối tháng 9, ông ta còn bắt đầu cân nhắc việc cho giải ngũ 40 sư đoàn bộ binh, để có thêm nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp.
Đến tận khi ấy, mùa thu vẫn chưa quay lại, và mùa đông khủng khiếp của nước Nga vẫn còn ở rất xa. Bên kia đại dương, ngay trong tháng 7, giới báo chí Mỹ đã được chia sẻ thông tin từ quân đội (để thông tin lại cho độc giả) rằng Liên Xô sẽ sụp đổ trong vòng vài tuần.
Tuy nhiên, thực tế là sau đó, các binh đoàn Quốc xã không duy trì được tốc độ tàn phá như hồi cuối tháng 6 nữa. Thực tế là đến khi ra tòa án binh Nuremberg sau chiến tranh, Thống chế Von Rundstedt nói thẳng: "Chẳng bao lâu sau khi tấn công, tôi nhận ra rằng những gì đã được nghe về nước Nga đều là xằng bậy".
Nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan
Không gì có thể phủ nhận được: Nguyên nhân chính khiến cỗ máy chiến tranh ấy buộc phải khựng lại và bất lực nhìn mùa đông khủng khiếp của nước Nga ập tới khi không được trang bị đầy đủ nhu yếu phẩm, là tinh thần chiến đấu quật cường và sức phản kích dữ dội từ Hồng quân Liên Xô.
Bất kể việc đã mất hàng chục sư đoàn trong những ngày đầu chiến tranh bùng nổ, bất kể việc phải đau đớn nhìn những mảng lớn lãnh thổ bị giày xéo dưới gót giày xâm lược, bất kể sự thua kém rõ rệt về kỹ năng tác chiến, Hồng quân cuối cùng vẫn đứng vững, không chỉ ở phòng tuyến trung tâm - nơi "Moskva đã ở ngay phía sau lưng".
Song song với báo cáo của các tư lệnh chiến trường, như đại tướng thiết giáp Heinz Guderian, về những cuộc đụng độ dữ dội gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía, tướng Blumentritt cũng ghi lại: "Tinh thần chiến đấu của Hồng quân, ngay cả ở một trong những trận đánh đầu tiên như Minsk, cũng hoàn toàn khác hẳn so với quân Ba Lan hay những nước Đồng Minh phía Tây. Kể cả khi bị bao vây, quân Nga vẫn trụ vững mà chiến đấu".
Khi hậu phương ở quá xa tiền tuyến, và tiền tuyến thì cũng quá xa hậu phương địch thủ, không quân Đức không còn đủ tiềm lực áp chế. Trong khi đó, sự xuất hiện của những chiếc xe tăng T-34 cũng là một điều bất ngờ ngáng trở sức mạnh tưởng như vô địch của thiết giáp Đức.
Nhưng, ngay trong bối cảnh ấy - bối cảnh khó khăn rõ ràng đã được khắc họa trước mắt các tướng lĩnh Đức, sự "mơ mộng" của Adolf Hitler cũng chính là một nguyên nhân then chốt khiến quân Đức không thể tiến lên với khí thế hùng hổ như hồi mùa hè.
Theo tiết lộ của Halder sau chiến tranh: "Bộ Tư lệnh Lục quân đặt mục tiêu là bẻ gãy sức mạnh quân sự của địch. Bởi vậy, công tác kế tiếp phải là đánh bại các lực lượng của Nguyên soái Timoshenko, bằng cách tập trung mọi lực lượng cho Tập đoàn quân trung tâm, thẳng tiến đến Moskva, chiếm lấy đầu não chỉ huy của địch, tiếp tục tiêu diệt các đội hình địch".
Nếu quân đội Đức Quốc xã hành tiến theo hướng tư duy này, Hồng quân có lẽ sẽ phải tốn nhiều xương máu gấp bội, mà có khi vẫn phải chấp nhận bỏ Moskva, thực thi chiến lược "vườn không nhà trống" từng giúp Nguyên soái Kutuzov đánh bại Napoleon Bonaparte.
Tuy vậy, Hồng quân không cần phải làm thế, vì Hitler chọn chỉ huy theo cách… ngược lại. Ông ta đòi hỏi Tập đoàn quân Trung tâm (mạnh nhất và thiện chiến nhất) phải… chia quân cho hai hướng tấn công còn lại.
Lý do là gì? Ở phía Bắc, Hitler muốn quân Đức có thể bắt tay với quân Phần Lan, và hơn thế, muốn chiếm lấy Leningrad, như chiếm một biểu tượng, trong khi khóa chặt các đại đoàn dưới quyền Nguyên soái Budiyoni.
Còn ở phía Nam, tham vọng của Hitler nhiều gấp bội. Ông ta vừa thèm khát những khu công nghiệp nằm trên lãnh thổ Ukraina, vừa muốn "cài cắm" những tư tưởng bài Nga và thân Đức ở phần lãnh thổ Tây Ukraina vốn gần gũi với đế chế Phổ. Ông ta vừa muốn chiếm các mỏ dầu ở vùng Kavkaz, vừa muốn củng cố và bảo vệ các mỏ dầu ở Romania. Dù sao, điều này cũng tương đối dễ hiểu, bởi Đức Quốc xã luôn đói khát nhiên liệu.
Nhưng không chỉ vậy, ở phía Nam, Hitler còn muốn đến gần để chìa tay giúp đỡ người đồng minh Italy đang mắc kẹt trong các trận đánh tại Nam Âu. Nghĩa là, Hitler sẵn sàng chất thêm lên mình một gánh nặng. Kết quả: Tập đoàn quân Trung tâm buộc phải tách quân để chi viện cho hai hướng kia, còn kế hoạch đánh thẳng đến Moskva không thể không bị đình lại.
Và quãng trì hoãn ấy trở thành một sự đình trệ vô thời hạn. Vĩnh viễn, những đoàn xe tăng Đức Quốc xã không thể đến nổi những đường phố Moskva. Như Halder nhận xét: "Đó chính là sai lầm chiến lược tai hại nhất ở mặt trận phía Đông".
* Halder ghi trong nhật ký, ngày 11/8: "Càng ngày càng thấy rõ rằng ta đã đánh giá quá thấp sức mạnh của Liên Xô, không chỉ về kinh tế, mà hơn cả là về quân sự. Khởi đầu, ta ước lượng địch có khoảng 200 sư đoàn. Bây giờ, đã xác định được khoảng 360. Khi hàng chục sư đoàn bị tiêu diệt, họ lập tức tung ra hàng chục sư đoàn khác. Trên mặt trận bao la này, phòng tuyến của ta là quá mỏng, quá thiếu chiều sâu. Vì thế, các cuộc phản kích liên tục của địch thường đạt được thành công nhất định".
* Hitler chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Lục quân Đức, ngày 21/8: "Mục tiêu quan trọng nhất phải đạt được trước mùa đông không phải là chiếm Moskva, mà phải chiếm Crimea, vùng công nghiệp và các mỏ than ở Donetsk, cắt đứt nguồn cung xăng dầu của Liên Xô khỏi Kavkaz".
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/sai-lam-tai-hai-nhat-cua-hitler-i620559/