Sai lầm thường gặp khiến chảo chống dính nhanh hỏng

Sử dụng chảo chống dính tưởng dễ mà lại khó, thực tế rất nhiều bà nội trợ mắc sai lầm khi sử dụng khiến chảo rất nhanh hỏng.

Hiện nay có rất nhiều loại nồi, chảo được sản xuất với các chất liệu khác nhau nhằm phục vụ các mục đích nấu nướng khác nhau. Vì vậy, mỗi loại nồi chảo sẽ có cách sử dụng riêng. Tuy nhiên, không phải bà nội trợ nào cũng chú ý tới điều này mà chỉ coi trọng đến sự tiện lợi khi nấu, khiến nồi, chảo nhanh hỏng và sức khỏe gia đình cũng bị ảnh hưởng.

Dưới đây là những sai lầm khi sử dụng nồi chảo chống dính mà bạn cần tránh để bảo vệ dụng cụ được lâu dài và đảm bảo an toàn cho gia đình.

Nấu với nhiệt độ quá cao

Chỉ cần quan sát kỹ, bạn sẽ thấy rất nhiều nhà sản xuất đưa ra khuyến cáo rằng người dùng cần phải lưu ý mức nhiệt độ khi chế biến đồ ăn bằng chảo chống dính. Nhiệt độ quá cao có hại cho lớp phủ chống dính và thời gian dài tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ làm hỏng bề mặt chảo.

Ngoài ra, tùy thuộc vào loại lớp phủ chống dính (chảo rẻ tiền hay đắt tiền, lớp chống dính chất lượng tốt hoặc chất lượng kém), việc nấu với lửa lớn có thể làm sinh ra những chất có hại sức khỏe.

Nấu ở nhiệt độ quá cao là một sai lầm khi dùng chảo chống dính.

Nấu ở nhiệt độ quá cao là một sai lầm khi dùng chảo chống dính.

Bạn cần điều chỉnh mức nhiệt độ bằng hoặc dưới mức cho phép, tuyệt đối không để nhiệt độ vượt mức cho phép vì sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của chảo và chất lượng, an toàn của món ăn.

Làm nóng chảo mới cho dầu ăn

Làm nóng chảo gang trước khi cho dầu ăn vào là việc làm khôn ngoan để đảm bảo nấu chín đều thức ăn, nhưng điều này không nên áp dụng cho chảo chống dính.

Đây chính là sai lầm đầu tiên và phổ biến nhất làm giảm tuổi thọ của chảo chống dính. Bạn nên cho dầu ăn hoặc bơ vào chảo ngay từ khi bắc chảo lên bếp. Để chảo nóng lên mà không có nguyên liệu gì bên trong, nếu chúng sẽ bắt đầu tỏa khí độc, sau thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến lớp chống dính.

Sử dụng bình xịt chống dính

Sử dụng bình xịt chống dính cho nồi, chảo chống dính là sai lầm cực lớn. Nó có thể tiện dụng với khuôn nướng bánh, khay nướng nhưng với chảo chống dính thì hoàn toàn không nên.

Sau một thời gian sử dụng bình xịt, dầu ăn từ bình xịt sẽ tích tụ lên bề mặt chảo khi đun nóng và khó có thể làm sạch, ảnh hưởng đến tuổi thọ của chảo. Điều này thường xảy ra xung quanh các cạnh chảo.

Bề mặt chảo chống dính đã đủ trơn để ngăn món xào hoặc chiên rán không dính vào mặt chảo nên không cần phải sử dụng đến bình xịt này.

Không nên sử dụng vật sắc nhọn, mài mòn với chảo chống dính.

Không nên sử dụng vật sắc nhọn, mài mòn với chảo chống dính.

Dùng dụng cụ kim loại, sắc nhọn

Điều này cần tránh trong cả việc nấu ăn và việc vệ sinh chảo. Việc dử dụng các vật sắc nhọn như dao, muỗng, đũa kim loại để đảo, trút, gạt thức ăn ra khỏi chảo hay dùng búi sắt (miếng cọ bằng kim loại) làm sạch chảo đều có thể gây xước, hư hỏng, bong tróc mặt chảo chỉ sau một thời gian ngắn.

Khi các lớp phủ trên chảo không dính bắt đầu tróc hoặc rỗ, tốt nhất bạn nên thay thế chúng. Vì khi bị bong tróc, chảo sẽ giảm hiệu quả chống dính và gây nguy hại cho sức khỏe. Nếu bạn tiếp tục dùng để nấu ăn, những vụn chống dính bong tróc có thể lẫn vào đồ ăn của bạn và đi vào cơ thể, gây độc.

Nếu không muốn điều đó lặp lại với mình, bạn hãy từ bỏ thói quen dùng kéo cắt thức ăn ở ngay trong chảo. Tránh dùng đũa, muỗng bằng kim loại để chiên, xào. Chỉ nên sử dụng các dụng cụ nhà bếp bằng gỗ để chế biến thức ăn cùng chảo chống dính.

Rửa chảo ngay sau khi nấu xong

Một trong những thói quen thường gặp ở các bà nội trợ là rửa chảo ngay sau khi nấu xong. Đây là một sai lầm lớn, bởi việc xả nước lạnh ngay khi vừa đun xong sẽ làm cho chảo dễ bị cong vênh, tuổi thọ giảm nhanh chóng.

Vậy nên, lời khuyên của các chuyên gia là bạn hãy chờ chảo nguội hẳn rồi mới bắt đầu làm vệ sinh.

Không nên rửa chảo ngay khi vừa nấu xong.

Không nên rửa chảo ngay khi vừa nấu xong.

Nấu thức ăn có tính axit cao

Đối với các loại thực phẩm có tính axit như chanh, cà chua..., nên hạn chế sử dụng chảo chống dính để chế biến. Bởi hàm lượng axit lớn trong các loại thực phẩm này rất dễ khiến cho chảo chống dính bị bong tróc nhiều hơn.

Xếp vào tủ một cách bừa bãi

Sau khi làm sạch, bước tiếp theo là bảo quản chảo chống dính của bạn một cách thông minh. Nếu có thể, hãy tránh xếp chồng lên nhau, dẫn đến cọ xát và làm xước lớp chống dính mỏng manh.

Nếu bạn cần xếp chồng nồi lên nhau, hãy đặt một chiếc khăn mềm và sạch ở trên và dưới để tránh làm trầy xước nồi. Một cách khác là nhét đĩa giấy vào giữa chảo chống dính của bạn. Tuy nhiên, treo chảo lên là lựa chọn tốt nhất để bảo quản chúng.

Thường xuyên bảo trì chảo chống dính để có hiệu quả tối ưu và lâu bền.

Thường xuyên bảo trì chảo chống dính để có hiệu quả tối ưu và lâu bền.

Vẫn dùng nồi, chảo bong tróc

Nhiều bà nội trợ không có thói quen để ý đến thời gian sử dụng của nồi chảo; mặc kệ cho đồ ăn bị vỡ nát khi chế biến trên chiếc chảo đã bị mất hết lớp chống dính hay các món ăn bị cháy khét do đáy nồi không còn đủ dày để tiếp tục điều hòa nhiệt độ khi nấu nướng. Nhiều người còn tận dụng nồi này để nấu những món không phù hợp.

Cũng giống như nồi chảo gang, việc bảo trì nồi chảo chống dính rất cần thiết để sử dụng chúng lâu bền. Điều này không chỉ giúp chảo kéo dài tuổi thọ mà còn khiến món ăn của bạn ngon hơn, nấu nướng dễ dàng hơn vì lớp chống dính được bảo trì, cải thiện.

Ngoài ra, việc sử dụng các nồi, chảo đã bong lớp bảo vệ và chống dính sẽ khiến cho đồ ăn ngấm chất độc hại từ đáy nồi, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của bạn và gia đình bạn.

Mai Linh(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/sai-lam-thuong-gap-khien-chao-chong-dinh-nhanh-hong-ar769693.html