Sai lầm thường gặp trong điều trị tiêu chảy cấp có thể gây nguy hiểm cho trẻ

Tiêu chảy cấp là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BV

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BV

Tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng trên ba lần mỗi ngày, thường do các nguyên nhân như virus (rotavirus, enterovirus, norovirus, adenovirus), vi khuẩn, ký sinh trùng, vệ sinh kém, thức ăn không đảm bảo, hoặc do dùng thuốc, dị ứng. Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Triệu chứng của tiêu chảy cấp bao gồm tình trạng mất nước, biểu hiện qua khát nước, nôn, đi ngoài, môi khô, mắt trũng, sụt cân, và có thể dẫn đến rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích, nhiễm khuẩn, suy đa tạng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trong điều trị, bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol được xem là biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên, việc pha oresol không đúng cách có thể gây hại. Sai sót như pha quá đặc hoặc quá loãng có thể dẫn đến rối loạn điện giải, tổn thương não, hoặc tử vong.

Gần đây, khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp. Điển hình là một bé trai 9 tháng tuổi ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng mất nước nặng và rối loạn ý thức vì gia đình pha oresol sai tỷ lệ. Bé được chỉ định điều trị tại nhà nhưng chỉ sử dụng nửa gói oresol pha với 70ml nước thay vì 200ml nước như hướng dẫn.

Sau khi nhập viện, bé được chẩn đoán mất nước nặng và rối loạn điện giải do tăng natri máu. Nhờ được điều trị kịp thời bằng cách bù dịch và điều chỉnh rối loạn điện giải, sức khỏe của bé đã ổn định và được xuất viện sau hơn một tuần điều trị.

Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, oresol là loại thuốc bù nước và điện giải hiệu quả, nhưng chỉ đạt hiệu quả tối ưu khi pha đúng liều lượng. Cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì và pha thuốc theo đúng tỷ lệ quy định, chẳng hạn một gói oresol cần pha với chính xác 200ml nước. Sau khi pha, dung dịch chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ và cho trẻ uống từng thìa nhỏ hoặc từng ngụm tùy theo độ tuổi.

Phòng ngừa tiêu chảy cấp là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe trẻ. Các bác sĩ khuyến cáo cần cho trẻ bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu, đảm bảo vệ sinh ăn uống, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, sử dụng nước sạch và tiêm phòng các loại vaccine như rotavirus, tả. Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao liên tục, nôn, đi ngoài nhiều lần, khát nước, bỏ bú, phân có máu, hoặc bụng chướng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/sai-lam-thuong-gap-trong-dieu-tri-tieu-chay-cap-co-the-gay-nguy-hiem-cho-tre-405393.html