Sai lầm trong việc giáo dục con mà nhiều cha mẹ mắc phải

Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ việc cha mẹ thay thế sự tôn trọng bằng sự kiểm soát, truyền cảm hứng bằng mệnh lệnh và thay tin tưởng bằng sự nghi ngờ, khiến trẻ không tìm được lối thoát.

Ảnh minh họa

Mỗi đứa trẻ mỗi sở thích, mỗi khả năng khác nhau. Tuy nhiên khi sở thích của con khác với định hướng của người lớn, nhiều bậc phụ huynh tìm cách áp chế, cấm đoán thay vì học cách tôn trọng. Thực tế cho thấy, kiểu phụ huynh hay kiểm soát, thiếu tôn trọng, thấu hiểu về lâu dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến trẻ.

Trong chương trình “Thiếu niên nói” của Trung Quốc, có một tình huống thu hút nhiều sự quan tâm của các bậc làm cha mẹ. Nữ sinh trung học nọ đặc biệt thích đọc sách văn học, và sở thích lớn nhất của cô bé là viết tiểu thuyết. Bắt đầu viết từ năm lớp 3, đến nay cô bé đã viết 56 cuốn sách, với tổng số hơn 300.000 từ. Ai cũng khen ngợi: Đây nhất định là một nhà văn nhí vô cùng triển vọng.

Có thể là bởi vì yêu văn chương, nghệ thuật, nữ sinh này không mấy hứng thú với các môn tự nhiên. Và tất nhiên điểm số cũng không quá tốt. Một hôm, người cha vô tình phát hiện ra 56 cuốn tiểu thuyết do con gái viết. Cho rằng vì sáng tác mà con học hành chểnh mảng, ông mạnh tay xé hết cả đống sách mặc cho con gái khóc lóc van xin.

Ông bố vẫn khẳng định: Mặc dù đây là một hành vi không đúng, nhưng tất cả đều vì lợi ích của chính con.

Ông bố vẫn khẳng định: Mặc dù đây là một hành vi không đúng, nhưng tất cả đều vì lợi ích của chính con.

Cô gái nói với cha mình trong chương trình: "Bố đã phá hủy tiểu thuyết của con và những thứ tương tự. Con cảm thấy như mình đã mất linh hồn trong thời gian đó".

Ai cũng nghĩ rằng ông bố có thể nói lời xin lỗi với con gái và làm dịu đi mối quan hệ cha con ngột ngạt này. Nhưng sau khi giải thích rằng ban đầu cũng có chút áy náy, ông bố vẫn khẳng định: Mặc dù đây là một hành vi không đúng, nhưng tất cả đều vì lợi ích của chính con. Sau đó, ông tiếp tục phân tích điểm số của con gái, yêu cầu thứ hạng cần đạt được, không để ý đến sự tuyệt vọng trên khuôn mặt của cô bé.

Trong mắt người cha, việc viết lách đã ảnh hưởng đến việc học tập, nhưng việc xé nát 56 cuốn sách hoàn toàn không thể giải quyết vấn đề mà còn phá hủy mối quan hệ cha con.

Cuối cùng, nữ sinh khóc lóc bỏ đi cùng cha, không biết hai cha con có hòa giải được không nhưng chắc chắn rằng cô gái sẽ khó mở lòng với cha mình.

Cách đây một thời gian, trên "hot search" (những tin tức có lượt tìm kiếm cao) có một tin như vậy: Bà mẹ đổi uống thuốc chống trầm cảm cho con gái và thay bằng vitamin. Hóa ra một nữ sinh ở Hàng Châu (Trung Quốc) không thể thích nghi với trường trung học cơ sở, điểm số của tụt dốc và bắt đầu chán học. Em muốn có thời gian được giải tỏa căng thẳng, tham gia các hoạt động phù hợp với sở thích.

Tuy nhiên, phụ huynh của nữ sinh này đều tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu trong nước, họ không thể chấp nhận một đứa con thiếu xuất sắc. Vì vậy, hai người càng quản lý và yêu cầu gắt gao với con gái mình. Trước áp lực đó, nữ sinh đã có ý định tự tử. Sau khi đi khám, bác sĩ xác định cô gái bị trầm cảm và yêu cầu uống thuốc đúng giờ.

Nhưng điều không ngờ là khi biết con đã ốm, người mẹ đã dừng ngay các loại thuốc chống trầm cảm và thay thế bằng viên vitamin. Nguyên nhân là bà cảm thấy việc con mình chán học là giả vờ, chỉ kiếm cớ để khỏi học hành. Trong hoàn cảnh như vậy, họ vẫn bắt con tập đàn mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ.

Nhiều người không thể hiểu tại sao những bậc cha mẹ rõ ràng là học thức cao lại có thể cứng đầu và cố chấp đến như vậy. Họ chỉ nhìn thấy đứa trẻ chán học hay chơi piano, nhưng không bao giờ muốn thực sự hiểu trái tim của con mình.

Cô gái này không phải là người duy nhất gặp phải trải nghiệm như vậy, trên Weibo từng có một chủ đề: "Lý do tại sao tôi không nói chuyện với bố mẹ nữa". Có một nữ sinh trung học đã tâm sự với mẹ về khó khăn trong quan hệ giữa các cá nhân trong ký túc xá và xung đột với các bạn cùng lớp. Nhưng người mẹ lập tức dội một "gáo nước lạnh": "Chắc tại con làm bậy, sao người ta không ức hiếp người khác mà lại ức hiếp con?".

Bỏ qua cảm xúc trẻ và rao giảng một cách thô lỗ, ngay cả những người lớn cũng khó chấp nhận, huống hồ là những đứa trẻ chưa thực sự trưởng thành?

Thế giới của trẻ em khác với người lớn, nhiều bậc cha mẹ khi đối mặt với nội tâm của con cái thường cho rằng mọi chuyện không có vấn đề gì, thậm chí còn quy tất cả nguyên nhân là do con. Lúc này, những đứa trẻ không được cha mẹ thấu hiểu thường chỉ biết kìm nén cảm xúc bên trong, trở nên nhút nhát, rụt rè, không dám bày tỏ ý kiến của mình trước mặt người khác. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể đi đến hành động cực đoan hoặc đem việc hủy hoại cuộc sống của chính mình như một con bài thương lượng để nổi loạn chống lại cha mẹ.

Không ai thích lúc nào cũng bị soi mói, và trẻ em cũng vậy, bởi trẻ cũng là một cá thể độc lập. Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ luôn bỏ qua điểm này, cho rằng chỉ cần con cái nghe lời mình là có thể có cuộc sống hoàn hảo.

Họ tước bỏ mọi sở thích, phớt lờ yêu cầu được nghỉ ngơi của đứa trẻ và cho dù con có áp lực bên trong như thế nào, họ vẫn chỉ yêu cầu đứa trẻ tiến lên từng bước theo kế hoạch của chính mình. Tất cả những điều này có thể thu được kết quả đáng kể, như đạt thành tích xuất sắc, đỗ vào trường danh giá. Nhưng liệu tinh thần con cái có khỏe mạnh, chúng có hạnh phúc không và mối quan hệ cha mẹ - con cái có gắn kết?

Cha mẹ nào cũng yêu con mình, nhưng đừng để biến thành sợi dây trói chặt buộc đứa trẻ phải chấp nhận mọi thứ.

Một nhà tâm lý học nói: "Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ việc cha mẹ thay thế sự tôn trọng bằng sự kiểm soát, truyền cảm hứng bằng mệnh lệnh và thay tin tưởng bằng sự nghi ngờ, khiến trẻ không tìm được lối thoát". Trên thực tế, sở thích của trẻ đáng được tôn trọng. Có thể vài sở thích chẳng mang lại ích lợi gì nhưng đứa trẻ sẽ luôn ghi nhớ cảm giác hạnh phúc trong lòng.

Trước khi định can thiệp vào sở thích, hứng thú của trẻ, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ xem chúng thích cái gì? Tại sao thích? Sở thích đó có lợi, hại ra sao? Nếu thấy sở thích của chúng là lành mạnh, có ích hoặc vô hại, chúng ta phải tôn trọng, không được tùy tiện ngăn chặn, cản trở chúng.

Con sẽ có những năng khiếu riêng, việc tham gia các lớp học giúp con có thêm trải nghiệm, thử thách bản thân. Đến tuổi 14 - 15 tuổi con sẽ thay đổi về suy nghĩ, lẫn sở thích, vì thế trước đó, mẹ cứ cho con trải nghiệm, thử và sai để tìm được chính mình. Gia đình chỉ có thể gợi mở và làm một người bạn đồng hành, định hướng, đưa ra những lời khuyên.

Chúng ta cần cho phép trẻ phát triển sở thích của mình ở một mức độ nhất định, đồng thờiphải chịu trách nhiệm hướng dẫn trẻ học hỏi và trưởng thành. Chỉ có như vậy trẻ mới biết được nhiệm vụ quan trọng nhất hiện tại của mình là gì, từ đó có thể kết hợp học tập, thư giãn và tiến bộ nhanh hơn.

Hiểu Đan

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/sai-lam-trong-viec-giao-duc-con-ma-nhieu-cha-me-mac-phai-2023041520072582.htm