Sai phạm của cựu lãnh đạo Khánh Hòa: Giá đắt của sự tùy tiện, làm liều

Ngày 13-4, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên án sơ thẩm vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai đối với 7 cựu lãnh đạo tỉnh, cựu giám đốc sở, ngành tỉnh này

HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt 7 bị cáo, gồm: Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, 4 năm 6 tháng tù. Hai bị cáo Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh và Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mỗi bị cáo bị phạt 4 năm 6 tháng tù. Bị cáo Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), 3 năm 6 tháng tù; 2 bị cáo Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng và Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở TN-MT, mỗi bị cáo bị tuyên phạt 3 năm tù. Bị cáo Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT), bị phạt 2 năm 6 tháng tù.

Sai phạm đất đai

Các bị cáo đều bị cáo buộc phạm tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tại 2 dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc, TP Nha Trang. Đây chỉ mới là một trong số những vụ án liên quan đến sai phạm của các cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khi giao đất.

Bản án của HĐXX xác định đối với dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, từ năm 2012-2014, các bị cáo ký các văn bản đề nghị, tham mưu và phê duyệt để giao 513 ha đất tại núi Chín Khúc cho doanh nghiệp; trong đó có 4,4 ha đất thương mại dịch vụ và 0,75 ha ở nông thôn dù quy hoạch chung TP Nha Trang khu vực núi Chín Khúc không có 2 loại đất nói trên. Tương tự, dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung chuyển mục đích sử dụng 196.194 m2 từ đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích đất ở, đất có mục đích công cộng trái quy định pháp luật. Phê duyệt đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/500 khi chưa có quy hoạch tỉ lệ 1/2.000. Bảy bị cáo đã có hành vi vi phạm trong việc giao đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, miễn tiền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị.

Các bị cáo đều cho rằng đây là bài học xương máu của bản thân trong điều hành, quản lý

Các bị cáo đều cho rằng đây là bài học xương máu của bản thân trong điều hành, quản lý

Trong lời nói sau cùng, 2 bị cáo Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh đã tự tìm ra câu trả lời cho những sai phạm của mình. "Đây là lỗi lầm của tôi mà lẽ ra nếu sáng suốt trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ tốt hơn, không để như tình trạng hôm nay" - bị cáo Lê Đức Vinh nói.

Những bước trượt dài sai phạm

Không chỉ vụ án sai phạm đất đai liên quan đến núi Chín Khúc mà bản án của TAND tỉnh Khánh Hòa là hệ quả tất yếu của những bước sai phạm trượt dài của lãnh đạo tỉnh này. Chưa thể khẳng định có tư lợi hay không đối với các vị lãnh đạo tỉnh nhưng dù là chỉ muốn phát triển nóng vội mà bất chấp pháp luật để giao đất cho doanh nghiệp cũng là điều không thể chấp nhận được. Báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, nhiều lần phản ánh những dấu hiệu sai phạm suốt gần 8 năm qua tại các dự án ở tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc, làm rõ những sai phạm trên.

Nóng nhất giai đoạn 2014-2015 với hàng loạt dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa ồ ạt chấp thuận giao các chủ đầu tư những khu đất công. Đầu tiên là năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 74 ha biển Nha Trang thực hiện dự án phát triển bãi biển Phoenix (dự án Dewan) của Tập đoàn Dewan khiến người dân Nha Trang bàng hoàng, không hiểu vì sao dự án lại cát cứ ôm trọn biển Nha Trang. Trước áp lực dư luận và báo chí, sau đó ông Nguyễn Chiến Thắng phải ký thu hồi dự án và giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa. Cứ nghĩ sẽ dừng lại ở đây nhưng không ngờ dự án Dewan lại bắt đầu cho sự trượt dài chuỗi sai phạm.

Sau dự án Dewan, UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất để thực hiện dự án Công viên Văn hóa, Giải trí, Thể thao Nha Trang Sao khu vực giáp biển. Dự án này lấn vịnh Nha Trang trái phép, sau đó Thanh tra Chính phủ có kết luận, dự án bị thu hồi. Năm 2015, Báo Người Lao Động có bài phản ánh rất nhiều dự án được tỉnh Khánh Hòa giao đất trái với quy hoạch chung. Thế nhưng, nhiều khu vực núi vẫn tiếp tục được giao đất để thực hiện dự án dù chưa được quy hoạch 1/2.000.

Rồi là hàng loạt dự án BT mập mờ cũng được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giao đất với giá cực rẻ cho nhà đầu tư. Ví như khu "đất vàng" số 1 Trần Hưng Đạo, cách biển khoảng 100 m với diện tích 7.400 m2 là Trường Chính trị (cũ) cũng giao cho doanh nghiệp với cái giá "bèo bọt" đến mức khi xây Trường Chính trị (mới) vẫn không đủ tiền xây ký túc xá buộc phải ký thêm 1 hợp đồng BT thứ 2. Dự án BT tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Oceanus nay là dự án Mường Thanh Viễn Triều; dự án Nha Trang Golden Gate nằm đường biển 28E Trần Phú cũng được giao cho doanh nghiệp mà không qua đấu thầu, đấu giá...

Các dự án này đều đã bị Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án và một số dự án đã được khởi tố bị can cũng liên quan đến một số cựu lãnh đạo tỉnh này. Trong tương lai không xa, những bị cáo trên lại phải tiếp tục hầu tòa vì liên quan đến những dự án vừa nêu.

Biết mà vẫn làm vì... chỉ đạo!

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Văn Dẽ khẳng định đã có văn bản góp ý về những điều không đúng quy định nhưng sau đó vẫn thực hiện vì cấp trên chỉ đạo. Lời nói cuối, bị cáo Dẽ nói: "Mong muốn đồng nghiệp lấy đây là bài học để điều hành với cương vị của mỗi công chức, viên chức đã được Đảng và Nhà nước giao phó. Phải kiên quyết thực hiện nghiêm luật công chức - viên chức. Đối với cấp trên, nếu phát hiện những gì sai trái thì quyết không làm".

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/sai-pham-cua-cuu-lanh-dao-tinh-khanh-hoa-gia-dat-cua-su-tuy-tien-lam-lieu-20220413202303409.htm