Sai phạm của Phúc Sơn, Thuận An không thuộc trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An liên quan đến đấu thầu, hai đơn vị này không có vốn nhà nước nên không thuộc đối tượng phải kiểm toán nhà nước.
Sáng 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với vị trưởng ngành thứ ba là Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Nhóm vấn đề được chất vấn của ông Ngô Văn Tuấn bao gồm:
- Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm;
- Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
- Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) nêu vấn đề, trong thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị Tổng Kiểm toán lý giải vấn đề này như thế nào và giải pháp khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Minh Bình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập với chức năng đánh giá, xác nhận kết luận, kiến nghị tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Như vậy, đối tượng kiểm toán ở đây là việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công theo quy định tại Điều 4 của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 55 của Luật thì đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công, trong Điều 55 đã quy định đầy đủ 12 nhóm đơn vị liên quan là đơn vị kiểm toán.
"Đơn cử như vụ án tiêu cực của Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu. Tôi khẳng định hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn nhà nước nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán nhà nước", ông Tuấn nói.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, xét về giác độ đơn vị có liên quan thì họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công với tư cách là nhà thầu, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án, ở cả 3 nội dung là đánh giá tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; Xác nhận việc tuân thủ pháp luật đấu thầu, đầu tư, xây dựng cơ bản; Xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công.
Còn quá trình kiểm toán độc lập sẽ xét toàn bộ, trong đó riêng về lựa chọn nhà thầu sẽ xét việc chấp hành gọi thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Trong quá trình kiểm toán, đã chỉ ra sai sót và kiến nghị xử lý từ tài chính, hoàn thiện văn bản, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nêu vấn đề: Từ các vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng khác cho thấy có sự câu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của nhà nước. Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước như Tổng Kiểm toán đã có giải trình, nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công, liên quan tới dự án đầu tư công.
"Đề nghị đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua các vụ việc này đồng chí có kiến nghị gì để Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới?", đại biểu Cường hỏi.
Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhắc lại, Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn nhà nước, họ không thuộc đối tượng được kiểm toán nhưng họ có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng, điều này hoàn toàn không liên quan gì đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, còn Tập đoàn Thuận An có vi phạm về pháp luật, về đấu thầu. Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án này là hoạt động kiểm toán tuân thủ, đánh giá sự tuân thủ pháp luật và nội quy, quy chế của đơn vị được kiểm toán.
"Chúng tôi trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp, chúng tôi rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện pháp luật và cũng đưa ra các kiến nghị", ông Tuấn nói.
Để kiểm toán có thể tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, ông Tuấn thông tin, thuật ngữ "kiểm toán điều tra" đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của cơ quan kiểm toán, Hiệp hội Kiểm toán quốc tế, các cơ quan kiểm toán án tối cao (INTOSAI) và đến nay gần 80 năm mới dừng ở mức độ tranh luận xem Kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không.
Có điều tra mới phát hiện được, đi đến cùng được hành vi phạm tội và truy tố. Hiện nay, mới có rất ít cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển thực hiện chức năng này, cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế cũng chưa bao giờ có hướng dẫn gì về việc này.
"Với giác độ Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, chúng tôi cố gắng hoàn thành tròn chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận kiến nghị theo quy định của pháp luật và theo đúng lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đúng vai, thuộc bài thì không bao giờ sai", Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn nói.
Cũng quan tâm đến sai phạm trong lĩnh vực kiểm toán thời gian qua, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề, đối với những kiểm toán độc lập có năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán, có thể chưa khách quan và bỏ sót lỗi đối tượng kiểm toán, quan điểm của Tổng Kiểm toán thế nào để quản lý nhà nước của chúng ta ngày càng tốt hơn đối với kiểm toán độc lập?
Trả lời câu hỏi này, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, kiểm toán độc lập là cơ quan thực hiện dịch vụ tài chính theo quy định tại Luật 67 của Quốc hội năm 2011, cung cấp dịch vụ bởi kiểm toán viên hành nghề và cơ quan kiểm toán, cho ý kiến độc lập về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Cũng theo quy định tại Điều 11 của Luật 67 thì Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động của kiểm toán độc lập và Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập.
Còn Kiểm toán Nhà nước thì phạm vi là tài chính công, tài sản công. Đơn vị kiểm toán là đơn vị liên quan trực tiếp đến tài chính, công, tài sản công.
Ông Tuấn khẳng định, hai việc này không liên quan trực tiếp đến nhau. Kiểm toán Nhà nước chỉ có một liên quan duy nhất đối với kiểm toán độc lập là kiểm tra về mặt nhà nước. "Theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước thì chúng tôi có quyền thuê kiểm toán độc lập tiến hành một số nội dung công việc, nhưng chúng tôi vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về kết quả, đó là quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập", ông Tuấn nói.