Sai phạm hàng ngàn tỉ vì sợ đối tác kiện ra tòa án quốc tế
Ông Trần Phương Bình khai sợ hai công ty nước ngoài khởi kiện ra tòa án quốc tế sẽ ảnh hưởng tới uy tín của DAB.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ qua VKS đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) giai đoạn 2.
CQĐT đề nghị VKS truy tố ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc, cựu phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) về các tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Các đồng phạm với ông Bình bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Tại CQĐT, ông Bình khai sợ hai công ty nước ngoài khởi kiện ra tòa án quốc tế sẽ ảnh hưởng tới uy tín của DAB và có thể những sai phạm của DAB như thiếu hụt tiền, vàng trong kho quỹ bị phát hiện.
Theo kết luận điều tra, ngày 20-12-2007, ông Bình (đại diện DAB) ký hợp đồng ký thác và quản lý tài khoản với Vinaland Espeso Limited (VNL) và Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (đại diện là Nguyễn Thiện Nhân). Ngoài ra ông Bình còn ký hợp đồng hợp tác với Vietnam Intrastructure Holding Limited (VIHL, đều thuộc Vương quốc Anh).
Nội dung hợp đồng quy định VNL và VIHL mở tài khoản ủy thác tại DAB với số tiền 100 triệu USD tiền tài trợ cho Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh đầu tư các dự án. DAB thực hiện bảo đảm cho Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh về khả năng hoàn trả 100 triệu USD tiền tài trợ và lãi tương ứng.
Khi chấm dứt hợp đồng nếu Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh không có khả năng thu xếp nguồn vốn để hoàn lại tiền cho VNL và VIHL thì DAB phải thực hiện việc thu xếp nguồn vốn cho Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh. Ngược lại Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh phải dùng toàn bộ cổ phần, vốn góp làm tài sản đảm bảo cho DAB.
Ngày 28-12-2007, VNL chuyển 35 triệu USD vào tài khoản VNL và VIHL chuyển 65 triệu USD vào tài khoản VIHL mở tại DAB. Được sự đồng ý của VNL và VIHL, DAB đã giải ngân 100 triệu USD (tương đương 1.602,2 tỉ đồng) cho Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh mua các tài sản.
Ngày 4-1-2008, DAB giải ngân 982 tỉ đồng vào tài khoản Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh để mua 100% vốn góp tại công ty TNHH Hiệp Phú Gia. Bốn ngày sau, DAB giải ngân 477,5 tỉ đồng để Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh mua cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Lâm Viên.
Cùng ngày DAB tiếp tục giải ngân 111 tỉ đồng để Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh mua Cổ phần tại công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nhật Quang. Số tiền còn lại Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh sử dụng để thanh toán tiền phí quản lý tài khoản tại DAB.
Ngày 5-8-2008, Công ty TNHH Hiệp Phú Gia được UBND TP.HCM cấp phép làm chủ đầu tư dự án nhà ở cao tầng Hiệp Phú (dự án Richland Hill) với diện tích 49.443m2 tại phường Hiệp Phú, quận 9.
Liên quan tới việc hợp tác trên, ông Bình khai công ty cổ phần vốn Thái Thịnh đang sở hữu một số dự án bất động sản có giá trị cao, nằm ở vị trí đắc địa. Ông Bình sợ bị VNL và VIHL khởi kiện công ty vốn Thái Thịnh và DAB ra tòa án quốc tế nếu công ty cổ phần vốn Thái Thịnh không trả lại số tiền 100 triệu USD. Khi đó sẽ ảnh hưởng tới uy tín của DAB và có thể những sai phạm của ngân hàng như thiếu hụt tiền, vàng trong kho quỹ bị phát hiện.
Để Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh có 100 triệu USD trả cho VNL và VIHL, ông Bình đã nhờ Cao Ngọc Vũ (em vợ Bình), Nguyễn Thị Minh Dung, Trang Thị Bảo Trân, Nguyễn Hưng Quốc làm thủ tục vay 755 tỉ đồng của DAB.
Ông Bình chỉ đạo chi nhánh Lê Văn Sỹ và sở giao dịch cho Cao Ngọc Vũ vay 200 tỉ đồng, Nguyễn Thị Minh Dung vay 150 tỉ đồng, Trang Thị Bảo Trân vay 150 tỉ đồng và Nguyễn Hưng Quốc vay 255 tỉ đồng để mua 100% vốn góp của Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh tại công ty TNHH Hiệp Phú Gia.
Tiếp đó, ông Bình chỉ đạo chi nhánh Đinh Tiên Hoàng và chi nhánh Thái Bình cho Công ty cổ phần vốn An Bình vay 270 tỉ đồng để mua 30% vốn góp của Nguyễn Hưng Quốc tại Công ty TNHH Hiệp Phú Gia. Ông chỉ đạo Công ty cổ phần bảo vệ Thái An Bình vay 250 tỉ đồng để trả các khoản nợ của Cao Ngọc Vũ, Nguyễn Thị Minh Dung, Trang Thị Bảo Trân, Nguyễn Hưng Quốc và ông Bình là người chịu tiền gốc và lãi các khoản vay trên.
Quá trình trả nợ, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới thu khống 623 tỉ đồng để trả 412 tỉ đồng tiền gốc và 210 tỉ đồng tiền lãi cho các khoản vay trên. Đồng thời, ông chỉ đạo DAB sở giao dịch và chi nhánh Lê Văn Sỹ điều chuyển số tiền thu khống về hội sở để hội sở chịu âm quỹ số tiền trên..
Từng lãnh án chung thân
Trong giai đoạn 1 vụ án, ông Bình bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt tù chung thân về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng cho DAB. Còn trong giai đoạn 2, vụ án ông Bình bị cho là gây thiệt hại gần 10.000 tỉ đồng.