Sai phạm tại Trường đại học Đồng Nai: Các bị cáo mỗi người lãnh án từ 4-18 năm tù

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ Trường đại học Đồng Nai đều là những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhưng vì sai sót trong quản lý thu chi tài chính đã gây thiệt hại cho nhà trường, ngân sách nhà nước và đẩy bản thân rơi vào con đường tù tội.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Nhật Minh

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Nhật Minh

Các bị cáo đã phải trả giá đắt bởi nhiều sai phạm trong quá trình công tác như: sai phạm trong quản lý thu chi tiền gửi; lập chứng từ, quyết toán không đúng; chi 2 lần cho một nội dung; không kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân; sai phạm về chấm bài thu hoạch các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp…

Nhiều sai phạm khi thực thi nhiệm vụ

Chiều 6-1, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên án các bị cáo nguyên là lãnh đạo và nhân viên Trường đại học Đồng Nai. Theo đó, bị cáo Võ Thị Ngọc Dung (34 tuổi, nguyên kế toán Phòng Kế hoạch - tài chính) bị tuyên phạt 18 năm tù về tội tham ô tài sản.

Các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và bị tuyên án cụ thể: Phan Văn Thanh (65 tuổi, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, kiêm Kế toán trưởng cho đến ngày 1-10-2019) 12 năm tù; Nguyễn Gia Bảo (72 tuổi, nguyên Hiệu trưởng nhà trường đến ngày 1-10-2010) 3 năm tù; Trần Minh Hùng (59 tuổi, nguyên Hiệu trưởng nhà trường từ ngày 2-11-2010 đến năm 2019) 9 năm tù; Đặng Minh Thư (64 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Đào tạo) 7 năm 6 tháng tù; Hoàng Thị Kiều Nguyệt Nga (43 tuổi, nguyên Kế toán trưởng) 7 năm tù; Dương Minh Hiếu (48 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng) 4 năm tù; Lê Thị Hoài Lan (45 tuổi, nguyên Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục) 5 năm tù.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trong thời gian từ năm 2009-2022, tại Trường đại học Đồng Nai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo Thanh đã bàn bạc, thống nhất với các bị cáo: Bảo, Hùng, Thư, Hiếu, Lan, Nga và những người có chức vụ, quyền hạn tại Trường đại học Đồng Nai thực hiện các báo cáo tài chính hàng năm, theo dõi, quản lý thu, chi, sử dụng kinh phí cho các hoạt động của trường không đúng quy định tổng số tiền hơn 106 tỷ đồng; gây thiệt hại cho nhà trường hơn 23,5 tỷ đồng và thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng. Riêng bị cáo Dung, từ năm 2013-2021, lợi dụng sự tin tưởng và quản lý lỏng lẻo của nhà trường để chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng.

Tại phiên tòa xét xử, các luật sư bào chữa đã tranh tụng nhiều nội dung quan trọng nhằm làm rõ các tình tiết của vụ án. Cụ thể, luật sư cho rằng bị cáo Lan không phải là người đề xuất ký chi 2 lần một nội dung, việc chi sai cũng đã được bị cáo Lan khắc phục; không có căn cứ xác định bị cáo Lan nhận tiền chấm bài lần 2 từ các giảng viên khác. Đối với bị cáo Nga, vào năm 2019, bị cáo được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng nên đã ký ủy nhiệm chi nhằm giải quyết những tồn đọng của người tiền nhiệm để lại, hợp thức hóa giấy tờ và hành vi của bị cáo không gây thiệt hại, không vụ lợi.

Luật sư cũng cho rằng, bị cáo Thanh không có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ. Bởi lẽ, bị cáo không có mục đích, động cơ vụ lợi khi rút séc và để ngoài sổ sách kế toán; việc chi 2 lần cùng nội dung là do thiếu sót, nhầm lẫn. Ngoài ra, theo luật sư, việc sử dụng kết luận giám định tài chính làm cơ sở truy tố các bị cáo trong vụ án là không đúng, quá trình giám định có nhiều sai sót; cần làm rõ hành vi của một số nhân viên khác của nhà trường để xảy ra sai phạm trong vụ án. Bị cáo Hùng và Bảo là lãnh đạo nhưng không hiểu biết về nghiệp vụ kế toán, không có lợi ích, việc chi sai chưa được làm rõ…

HĐXX nhận định, đây là vụ án đồng phạm giản đơn. Các bị cáo không cấu kết chặt chẽ, không phân công vai trò, nhiệm vụ từng người mà chỉ bàn bạc đơn thuần, tiếp nhận mệnh lệnh, ý chí của nhau để thực hiện hành vi phạm tội. Một số bị cáo khắc phục một phần hậu quả, gia đình có công với cách mạng, bản thân có nhiều khen thưởng nên cần giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Sai một li, đi một dặm

Sau nhiều ngày đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng Xét xử (HĐXX) nhận định, kết luận giám định tài chính sử dụng làm căn cứ truy tố các bị cáo trong vụ án là đúng trình tự, đúng quy định, đảm bảo tính khách quan. Bởi lẽ, trong quá trình điều tra về việc sai phạm tại Trường đại học Đồng Nai thì các bị cáo Thanh, Hùng đã tác động đến ông Trần Quốc Trung (giám định viên tư pháp thuộc Sở Tài chính) để ban hành kết luận giám định tài chính không đúng bản chất, không vô tư, không khách quan và xâm hại nghiêm trọng đến hoạt động tư pháp. Với sai phạm này, ông Trung cũng đã bị xử lý hình sự. Do đó, việc sử dụng kết luận giám định lại làm căn cứ giải quyết vụ án là đúng quy định.

Tại phiên tòa xét xử, 2 bị cáo Bảo và Hùng thừa nhận hành vi vi phạm phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. 2 bị cáo đã bàn bạc mở tài khoản khác để thu, chi các khoản thu tự chủ mà không hạch toán trên sổ kế toán, không báo cáo tài chính hàng năm.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Thanh thừa nhận việc tự ý cân đối để sắp xếp, tính toán cụ thể số tiền nộp vào tài khoản ngân hàng, số tiền nộp kho bạc, kho quỹ và tiền giữ lại với mục đích để thuận lợi khi cần chi. Bị cáo cũng thừa nhận một số khoản từ tài khoản ngân hàng không được thể hiện trong báo cáo tài chính hàng năm... Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, bị cáo Thanh thay đổi lời khai và cho rằng, các nguồn thu đã được đưa vào sổ kế toán, báo cáo tài chính hàng năm đầy đủ.

Tuy nhiên, qua xem xét các tài liệu có trong hồ sơ, lời trình bày của các bị cáo, đương sự tại phiên tòa, HĐXX nhận định, theo quy định pháp luật thì cuối tháng số dư trên số tiền gửi phải được đối chiếu số dư tại ngân hàng, đảm bảo khớp đúng; sổ kế toán phải ghi kịp thời, rõ ràng, đầy đủ các nội dung, chính xác, đúng với chứng từ kế toán… Thế nhưng, bị cáo Thanh đã chỉ đạo thu tiền bằng phiếu thu do nhà trường tự in đối với các nguồn thu tự chủ và cuối ngày giao cho bị cáo Thanh giữ mà không giao cho thủ quỹ và số tiền này không được đưa vào báo cáo tài chính hàng năm.

Bị cáo Lan là người đã lập bảng đề nghị thanh toán lần thứ 2 đối với lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp. Dù biết rõ việc này là sai phạm nhưng bị cáo vẫn thực hiện. Quá trình xét xử, bị cáo khai báo không trung thực nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại cho Trường đại học Đồng Nai và làm thất thu ngân sách nhà nước, khiến người lao động, viên chức nói riêng và người dân nói chung mất lòng tin vào Trường đại học Đồng Nai. Vì vậy, cần xử phạt các bị cáo mức án nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội.

Nhật Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202501/sai-pham-tai-truong-dai-hoc-dong-nai-cac-bi-cao-moi-nguoi-lanh-an-tu-4-18-nam-tu-3fd5c89/