Sai phạm trong thành phần siro ho gây tử vong tại Indonesia
Ngày 30/1, cảnh sát Indonesia công bố kết quả điều tra vụ việc trẻ em tử vong vì siro ho cho thấy một nhà kinh doanh hóa chất công nghiệp địa phương mang tên CV Samudera Chemical đã sai phạm trong việc bán các hóa chất công nghiệp dưới dạng hóa chất dược phẩm.
Kể từ tháng 8/2022, Bộ Y Tế Indonesia ghi nhận gần 200 ca tử vong do suy thận cấp tính, trong đó phần lớn là trẻ em. Nguyên nhân dẫn tới thảm kịch này được cho là do các loại siro ho đang được bán rộng rãi trên thị trường có chứa các loại hóa chất nguy hiểm là ethylene glycol (EG) và diethyelene glycol (DEG).
Các loại hóa chất này thường được sử dụng trong chất chống đông, dầu phanh và các ứng dụng công nghiệp khác. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời là một chất thay thế cho glycerine - dung môi hoặc chất làm đặc trong nhiều loại siro ho - có giá thành rẻ hơn. Ở nồng độ quá giới hạn cho phép, chúng sẽ gây ra tình trạng suy thận và tử vong.
Tới cuối tháng 10/2022, Giám đốc Cục quốc gia quản lý thực phẩm và thuốc Indonesia (BPOM) Penny Lukito cho biết, cơ quan này đã xác định được 2 nhà sản xuất thuốc có sản phẩm vượt mức cho phép của EG và DEG. Hiện cơ quan này đang phối hợp làm việc với cảnh sát để khởi tố hình sự đối với 2 nhà sản xuất này.
Tới 30/1/2023, Reuters trích dẫn quan chức cảnh sát cấp cao Pipit Rismanto cho biết chính quyền Indonesia đã phát hiện thêm sai phạm tới từ công ty hóa chất CV Samudera Chemical.
Cụ thể, công ty này đã bán EG và DEG dùng cho công nghiệp, được sản xuất bởi công ty Dow Chemical Thái Lan, dưới dạng propylene glycol dùng trong sản xuất dược phẩm. Các nhà phân phối hóa chất cho các công ty sản xuất thuốc tại địa phương đã mua loại hóa chất độc hại này, từ đó sản xuất ra siro ho gây nên tình trạng suy thận cấp tính và tử vong của nhiều trẻ em.
Hiện tại, cảnh sát đã bắt giữ và buộc tội các quan chức tại CV Samudera Chemical cũng như tại nhà phân phối CV Anugrah Perdana Gemilang của công ty này. Ông Pipit cũng bổ sung thêm nhiều nghi phạm khác cũng sẽ được nêu tên khi cuộc điều tra tiếp tục được tiến hành.
Trong khi cuộc điều tra tiếp diễn, 25 gia đình Indonesia đã khởi kiện các cơ quan chính phủ cũng như 5 nhà sản xuất dược phẩm liên quan, đồng thời yêu cầu bồi thường trách nhiệm cho những trẻ em đã tử vong cũng như những em vẫn còn đang bị bệnh nặng.
Trách nhiệm cũng một phần thuộc về quy trình quản lý hóa chất vẫn còn nhiều lỗ hổng, dẫn tới việc các công ty dược phẩm không kiểm tra đầy đủ và cẩn thận các thành phần thô được sử dụng trong các sản phẩm của mình. Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia y tế tại Indonesia đã đưa ra một số giải pháp, đặc biệt là đề xuất chính phủ cấm các nhà sản xuất thuốc sử dụng các thành phần như polyethylene glycol, propylene glycol, sorbitol và glycerine – những chất có thể chứa nhiều tạp chất độc hại.