'Sai phạm trong xã hội hóa Y tế rất nhiều', Bộ Y tế xây dựng Nghị định liên doanh, liên kết, xã hội hóa
Trong tuần qua, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội là vấn đề mua sắm trang thiết bị, nhất là trong lĩnh vực y tế. Điều 22, Luật Đấu thầu đã quy định, hướng dẫn rất rõ ràng trong việc về chỉ định thầu như trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, các trường hợp bất khả kháng nhưng nhiều chuyên gia cho rằng còn chung chung và ranh giới đúng-sai mong manh.
Sau gần nửa năm khởi tố vụ án, hàng loạt giám đốc CDC các tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam đều liên quan đến Công ty Việt Á vì hành vi lợi dụng chức vụ, vi phạm quy định đấu thầu hay nhận hối lộ. Ba Thứ trưởng, trong đó có 2 thứ trưởng của Bộ Y tế đã bị kỷ luật. Bộ trưởng Y tế và nguyên Bộ trưởng KH-CN, Ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm đang chờ án kỷ luật từ cấp có thẩm quyền… Những vụ việc này đã tác động không nhỏ đến các cơ sở y tế. Tâm lý sợ không dám mua sắm, sợ trách nhiệm cùng với hành lang pháp lý quy định về đấu thầu vẫn chưa rõ ràng, cụ thể đã khiến nhiều cơ sở thiếu trang thiết bị trong khám chữa bệnh.
PGS. TS ĐÀO HÙNG HẠNH - Trưởng Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai: "Thiết bị thiếu thốn, rất nhiều thuốc cũng không có bởi vì đấu thầu đang có vấn đề. Vì vậy tôi cũng đề nghị cơ quan Nhà nước phải có chính sách nào đó để bệnh viện mạnh dạn trong phần mua sắm trang thiết bị, thuốc men để phục vụ cho công tác chữa bệnh”.
PGS.TS ĐÀO XUÂN CƠ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: "Nghị định 92 về công khai giá các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao trên cổng thông tin của Bộ Y tế là hành lang pháp lý rất quan trọng. Chúng tôi cũng rất mong Bộ Y tế, Chính phủ cũng sớm thúc đẩy yêu cầu các công ty công khai giá để các bệnh viện an tâm khi mua sắm, thực hiện các gói thầu minh bạch”.
Thảo luận về vấn đề này tại tổ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số địa phương khi mua sắm thì mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào ngồi hội đồng nhưng vẫn không mua được.
Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Mua sắm, các tỉnh mời cả nội chính, thanh tra, công an vào hội đồng mua sắm mà vẫn không mua được. Lạ thế! Bản thân chúng ta đều muốn minh bạch, rõ ràng nhưng vẫn cứ không mua sắm, chi tiêu được. Đây là điều hiện nay băn khoăn nhất. Vấn đề mua sắm đã được áp dụng theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt. Đã mở hết cỡ rồi mà vẫn không chuyển biến được thì thật không hiểu nổi!"
Một số đại biểu cũng cho rằng ngay cả việc đấu thầu rộng rãi còn xảy ra tình trạng "quân xanh, quân đỏ" thao túng giá, thì đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu trong ngành Y chính là cơ hội để một số lãnh đạo bệnh viện không giữ được mình trước quyền lợi lớn. Vậy làm thế nào để ngành Y ngày một phát triển mà không xảy ra sai phạm? Làm thế nào để những người hùng không bỗng chốc hóa thành “ tội đồ” ..“ Băn khoăn”, “trăn trở” là tâm trạng của các đại biểu Quốc hội khi bàn về vấn đề này.
Bà NGUYỄN THỊ THỦY - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: “Vừa rồi xuất phát từ 1 số vi phạm, vụ án điển hình, nên việc đặt máy móc, thiết bị trong bệnh viện đang dừng lại . Rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là cơ sở khám chữa bệnh lớn rất e ngại việc này. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng hiện nay là nút tạm dừng cho việc tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa - vốn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Nguyên nhân sâu sa dẫn tới những vi phạm vừa qua là cơ sở pháp lý cho việc này. Cơ sở pháp lý còn nghèo nàn, đang dừng ở quy định chung. Mong Ban soạn thảo tiếp thu để cụ thể hóa trong quá trình chỉnh lý Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh".
Khẳng định do có nhiều sai phạm trong xã hội hóa y tế, vì vậy nghị định về liên doanh, liên kết trong lĩnh vực này đang được Bộ Y tế xây dựng.
Ông NGUYỄN THANH LONG - Bộ trưởng Bộ y tế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: “Bấy lâu nay vấn đề xã hội hóa đối với y tế bị sai phạm rất nhiều, nên chúng tôi đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để trình sớm với Chính phủ”,
Sau rất nhiều vòng thảo luận, từ nhiệm kỳ QH khóa XIV, Chính phủ mới trình QH dự thảo luật Khám bệnh, chữa bệnh với mục tiêu lấy người bệnh là trung tâm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thế nhưng, đúng như trăn trở của nhiều đại biểu, để thực hiện được mục tiêu cao đẹp này, trước hết, luật Khám bệnh, chữa bệnh phải đủ hoàn chỉnh, rõ ràng để không chỉ bảo vệ, mà còn khắc phục và ngăn ngừa những hành vi sai trái tồn tại trong ngành y tế suốt nhiều năm qua.
Thực hiện : Xuân Dần Trọng Hiếu