Sai phạm xảy ra tại SAGRI: Ông Lê Tấn Hùng giữ vai trò chủ mưu xuyên suốt các sai phạm
Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao vừa ban hành cáo trạng liên quan đến những sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Cáo trạng đã được chuyển đến TAND TPHCM, Viện KSND TPHCM, cùng các đơn vị liên quan để tiến hành các thủ tục chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.
Bị can Lê Tấn Hùng được xác định có vai trò chủ mưu, xuyên suốt trong toàn bộ các hành vi phạm tội.
Chịu trách nhiệm chính cho thiệt hại 672 tỷ đồng
Vụ án tại SAGRI có 19 bị can bị truy tố, xét xử và thuộc diện Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương theo dõi.
Theo cáo trạng, ông Lê Tấn Hùng là người có trình độ hiểu biết về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công tác, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo. Ông Hùng có trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản của SAGRI, bảo toàn vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, vì động cơ tư lợi cá nhân và ý thức coi thường pháp luật, bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Tổng Giám đốc SAGRI để thực hiện và chỉ đạo cán bộ trong SAGRI, thực hiện các hành vi trái pháp luật để chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (Quận 9 cũ – nay là TP Thủ Đức) cho Tổng Công ty Phong Phú.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định: Bị can Lê Tấn Hùng có vai trò chủ mưu, xuyên suốt trong toàn bộ các hành vi phạm tội. Với chức vụ Tổng Giám đốc SAGRI, bị can Hùng biết việc chuyển nhượng dự án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, đưa ra đấu giá và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tuy vậy, dù dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, SAGRI chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng bị can Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng dự án.
Bị can Hùng đã ký văn bản đề nghị UBND TPHCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Phong Phú, ký hợp đồng và các văn bản khác, hoàn tất việc chuyển nhượng dự án với tổng số tiền hơn 168 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 672 tỷ đồng.
Cáo trạng khẳng định: Hành vi của bị can Lê Tấn Hùng đã vi phạm quy định tại nhiều văn bản pháp luật như: Luật Đất đai năm 2013, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Nghị định số 71/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…
Trên căn cứ đó, cáo trạng quy kết hành vi của bị can Lê Tấn Hùng đã phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” - quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 với vai trò chính.
Biển thủ hơn 13 tỷ đồng chi xài cá nhân
Cáo trạng của Viện KSND tối cao cũng chỉ rõ năm 2016 bị can Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo và cùng các bị can Nguyễn Thị Thúy - Kế toán trưởng và Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI - bàn bạc, thống nhất với đại diện Công ty Du lịch Thanh niên Xung phong, Công ty Lữ hành Hòa Bình quốc tế để lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài, chiếm đoạt 13 tỷ đồng của SAGRI để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Sau khi chiếm đoạt được số tiền trên, các bị can Lê Tấn Hùng, Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Thị Tuyết Mai chiếm hưởng chi tiêu chung gần 9 tỷ đồng và thu lời bất chính từ số tiền lãi ngân hàng của các khoản tiền đã tham ô là hơn 200 triệu đồng.
Bốn bị can tại hai công ty du lịch nêu trên, chiếm hưởng số tiền hơn 900 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 3,4 tỷ đồng do hai công ty du lịch nêu trên quản lý, các bị can chưa phân chia.
Đầu năm 2017, khi biết có Đoàn Thanh tra TPHCM chuẩn bị thanh tra, bị can Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền bàn bạc, thống nhất với các cá nhân tại hai công ty du lịch nêu trên, cùng thực hiện hành vi gian dối, hợp thức hồ sơ, hợp thức dòng tiền để đối phó và che giấu hành vi phạm tội.
Để hợp thức hóa số tiền tham ô, một phần số tiền bị các bị can chiếm đoạt đã được chi ra cho hoạt động tổ chức, đưa một số cán bộ SAGRI đi du lịch theo các hợp đồng mới ký năm 2017. Phần còn lại, các bị can đã hoàn trả vào tài khoản của SAGRI, nhưng tình tiết này theo cáo trạng chỉ được xem xét là việc khắc phục hậu quả.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu: “Hành vi nêu trên của bị can Lê Tấn Hùng và đồng phạm đã vi phạm điều cấm quy định tại Điều 14, Luật Kế toán năm 2003 và Điều 13 Luật Kế toán năm 2015, chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng của SAGRI, phạm vào tội “Tham ô tài sản” quy định tại Khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 với vai trò chính”.
SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do UBND TPHCM quản lý. Tháng 8/2015, ông Lê Tấn Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc và được giao quản lý tài sản, quản lý vốn của công ty. Trong quá trình quản lý, điều hành SAGRI, ông Lê Tấn Hùng đã để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng trên.