Saka cần được bảo vệ sau Euro 2020

Sau khi Bukayo Saka đá hỏng luân lưu, làn sóng chỉ trích anh bằng những lời lẽ nặng tính phân biệt chủng tốc vẫn chưa hạ nhiệt.

“Biến về Nigeria đi”, “Biến khỏi đất nước của chúng tôi” và hàng chục những câu từ còn kinh khủng hơn thế trút xuống chàng trai chưa tròn 20 tuổi. Chưa hết, những kẻ xấu còn chế ảnh Saka bên cạnh Sancho và Rashford rồi để dưới là dòng chữ “Kẻ thù”. Song có thật Saka phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thất bại cay đắng của tuyển Anh ở chung kết Euro 2020?

Saka không phải tội đồ

Nếu như không có đại dịch và nếu như Euro 2020 không bị hoãn lại một năm, chắc chắn Saka không phải đối diện với một số phận như vậy. Phải đến tận tháng 9/2020, anh mới được HLV Southgate triệu tập lên đội tuyển quốc gia.

Cho dù dịch bệnh không xảy ra và Euro 2020 diễn ra đúng như dự kiến, Saka vẫn có khả năng được gọi nhưng có lẽ, anh sẽ chỉ đóng vai trò kiểu như Bellingham ở giải đấu lần này, nghĩa là đến tham dự với tư cách cậu bé học việc. Khi ấy, mọi áp lực mà anh đang phải chịu đựng sẽ không hề tồn tại.

Chúng ta hãy nhìn vào hành trình của Saka ở Euro vừa qua. Anh vắng mặt ở 2 trận đầu tiên vòng bảng, sau đó liên tiếp được HLV Southgate tung vào sân, chỉ trừ trận gặp Ukraine vì chấn thương nhẹ. Mặc dù có thể hiện được đôi chút khả năng, nhìn chung Saka chưa chứng tỏ được bản thân trong giải đấu lớn ngắn ngày với đẳng cấp cao như Euro.

Anh thi đấu khá hồn nhiên và người ta hầu như chỉ thấy thể lực và tốc độ của anh được thể hiện, thay vì tư duy và bản lĩnh của cầu thủ được dự đoán sẽ trở thành ngôi sao trong tương lai gần.

HLV Southgate đã khen ngợi Saka như cầu thủ nổi bật tại giải đấu. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt anh bên cạnh cầu thủ trạc tuổi khác như Mikkel Damsgaard của Đan Mạch chẳng hạn, rõ ràng Saka vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn xứng đáng với khả năng của anh.

 Pha đá quyết định không thành công của Saka. Ảnh: Reuters.

Pha đá quyết định không thành công của Saka. Ảnh: Reuters.

Chúng ta trở lại trận chung kết, Saka được tung ra sân trong một hoàn cảnh đáng ngạc nhiên. Anh vào thay Trippier ở phút thứ 71 và được đá cho đến khi loạt luân lưu bắt đầu. Vấn đề ở chỗ không hiểu tại sao Saka thấy mình được ấn cho vị trí đá cuối cùng trong 5 loạt đầu tiên trong khi anh là cầu thủ thuộc loại non nớt nhất đội, chỉ lớn tuổi hơn Jude Bellingham.

Loạt sút cuối cùng luôn rất quan trọng, hầu hết đều có vai trò quyết định tới thắng - thua. Thông thường, các HLV sẽ giao quả sút ấy cho ngôi sao của đội, đội trưởng hoặc một cầu thủ có tâm lý vững vàng. Ví dụ như trường hợp của chính đối thủ đội tuyển Anh, Roberto Mancini đã để Jorginho, cầu thủ “chốt hạ” thành công ở trận bán kết với Tây Ban Nha, tiếp tục đá cuối.

Tuy nhiên, Saka không phải là ngôi sao, tất nhiên cũng không phải là đội trưởng và ở tuổi 19, không thể bắt anh có tâm lý vững vàng tại khung cảnh quá nhiều áp lực như ở Wembley và trong trận đấu lớn nhất của đội tuyển Anh suốt nửa thế kỷ qua.

Southgate sau đó đã giải thích ông căn cứ vào sự thể hiện trên sân tập của các cầu thủ. Song đó chỉ là lời bào chữa cho thất bại, bởi lẽ một HLV sẽ luôn hiểu rõ đá phạt đền lúc tập luyện và đá luân lưu khác nhau xa đến thế nào.

Trước sự chỉ định ấy, Saka khó từ chối vì đó là lệnh của HLV. Thực ra, ở vị thế “em út” như anh, cơ hội từ chối là gần như không có. Roy Keane sau trận đấu đã gọi các đàn anh của Saka là “hèn nhát” vì không dám nhận trọng trách này mà gián tiếp đùn đẩy cho anh. Lời chỉ trích của Keane có lý. Loạt sút luân lưu luôn căng thẳng, nhất là trong trận chung kết, kể cả với những người đã dạn dày trận mạc.

Năm 1986, trong trận tranh Cup C1 châu Âu giữa Steaua Bucharest với Barcelona, chính ngôi sao kỳ cựu như Anghel Iordanescu cũng không dám sút luân lưu mà phải nhường cho người khác thực hiện. Trong trường hợp trận chung kết Euro, quả sút này cần để cho cầu thủ dày dạn, chí ít là dày dạn hơn Saka.

Harry Kane đã nhận trọng trách sút quả mở màn, một quyết định chính xác của đội trưởng đội tuyển Anh. Harry Maguire sút quả tiếp theo để tạo áp lực cho đối thủ, đó cũng là quyết định chính xác. Nhưng đáng lý quả cuối cùng phải được trao cho Stone, Phillips hay Grealish, thì nó lại dồn cho “thằng nhóc” của Arsenal, người trước đấy có một trận đấu thất vọng.

 Saka chơi dưới khả năng ở trận chung kết. Ảnh: Reuters.

Saka chơi dưới khả năng ở trận chung kết. Ảnh: Reuters.

Phong độ không tốt kéo theo tinh thần không tốt. Có một lý giải về nguyên nhân của việc Saka đá dưới khả năng của mình. Đó là sự kiệt sức của anh sau 2 mùa giải liên tiếp phải cày ải. Chúng ta đã biết cầu thủ này bắt đầu đá chính ở Arsenal khi anh mới 18 tuổi, tức là thể chất chưa phát triển hoàn hảo.

Tuy nhiên, tài năng của anh đã khiến “Pháo thủ” phải đưa ra sân thường xuyên trong các chiến dịch của mình. Kết quả, sau 2 mùa đầu tiên, Saka đã đá 84 trận. Cộng với 9 trận trong màu áo đội tuyển quốc gia, Saka thi đấu 93 trận trong vòng 22 tháng.

Trong khi đó, Jack Wilshere, người cũng từng là niềm hy vọng của Arsenal và đội tuyển Anh khi còn rất trẻ, ở tuổi 29, anh đang thất nghiệp sau khi không được Bournemouth gia hạn. Nguyên nhân khiến Wilshere xuống phong độ thảm hại chính từ những chấn thương mà anh gặp khi còn trẻ mà nhiều người tin nó đến từ việc anh phải ra sân nhiều trong lúc thể chất chưa phát triển đầy đủ.

Saka còn hơn thế, bằng tuổi với anh, Wilshere đá ít hơn nhiều. Tất nhiên, một phần vì Saka có thể chất bẩm sinh tốt hơn cựu cầu thủ đội tuyển Anh. Nhưng dù có thể chất tốt đến mấy, anh cũng cần nghỉ ngơi và HLV phải biết cách sử dụng anh ở mức độ vừa đủ. Chỉ có điều, Arsenal cần anh và đến lượt Southgate cũng cần anh. Kết quả, vào lúc Saka bước lên chấm luân lưu, anh đã bị quá tải ở cả tinh thần lẫn thể chất.

Saka cần được bảo vệ

Thể lực có thể hồi phục nếu nghỉ ngơi, song tinh thần không dễ dàng như thế. Vì vậy, một chiến dịch để bảo vệ anh đã bắt đầu triển khai. Trong cuộc phỏng vấn, ông Mark Harvey, trợ lý của Hiệu trưởng trường trung học Greenford, nơi Saka từng theo học, nói “Bukayo đại diện cho quốc gia một cách xuất sắc. Cậu ấy chơi với sự tự tin lớn lao và khiến các học sinh trong trường cảm thấy ngưỡng mộ”.

Ông Harvey nhắc lại cho mọi người biết Saka không chỉ là cầu thủ tài năng, anh còn là học sinh chăm chỉ và đạt loại A trong hầu hết bài thi. “Chúng tôi tự hào về cậu ấy”, ông Harvey kết luận.

Cựu HLV đội U18 Anh, nơi Saka từng thi đấu trước khi lên tuyển, ông Neil Dewsnip nhắc nhở với mọi người rằng cầu thủ Arsenal là “ví dụ của thành công”, và rằng “Bukayo tạo ra tác động tích cực cho giải đấu này, và chúng ta không nên quên điều đó. Chúng ta nên cảm thấy tự hào về Saka, và cậu ấy cần nghe điều đó từ chúng ta”.

Ông Dewsnip không nói sai. Trong lịch sử của đội tuyển Anh, Saka là một trong 3 cầu thủ ở độ tuổi dưới 20 ra sân đá chính trong các trận vòng knock-out World Cup hoặc Euro. Hai người trước đó là ai? Họ là Michael Owen và Wayne Rooney. Điều đó có nghĩa Saka cần được tôn trọng bởi sự trưởng thành của anh, như những gì ông Dewsnip và HLV Southgate đã nói.

“Bóng đá có thể tàn nhẫn như vậy đấy. Nhưng vì cá nhân anh, tính cách và sự dũng cảm của anh, chúng tôi tự hào về anh”, Arsenal cho thấy sự ủng hộ của toàn CLB trước những gì mà Saka đang phải chịu đựng. Một khi đội bóng chủ quản đã lên tiếng, điều đó nghĩa là anh sẽ có hậu phương vững chắc ở phía sau.

 Cầu thủ trẻ như Saka không đáng bị chỉ trích. Ảnh: Reuters.

Cầu thủ trẻ như Saka không đáng bị chỉ trích. Ảnh: Reuters.

Sai lầm là một phần của cuộc sống, và sai lầm cũng là một phần của bóng đá. Ngay cả những ngôi sao lớn nhất cũng từng đá luân lưu hỏng dẫn đến những thất bại cay đắng. Euro 1992 là Marco van Basten. World Cup 1994 là Roberto Baggio hay World Cup 2006 là David Trezeguet.

Tuyển Anh là đội bóng được truyền thông chú ý rất nhiều và cũng chính vì thế, sự tác động lên các cầu thủ sẽ lớn hơn ở những đội tuyển quốc gia khác. Nó càng khủng khiếp hơn nếu cầu thủ ấy là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thảm họa của đội tuyển.

Không khó để giải thích cho sự giận dữ của người hâm mộ và giới báo chí trong những ngày vừa qua nhắm lên Saka. Song mọi thứ đều phải có giới hạn. Nếu làn sóng ấy tiếp tục kéo dài thêm, rất có thể Saka sẽ đánh mất đi sự tự tin và tự phá hủy tương lai của chính anh.

“Cậu ấy là người tự tin, không quá thẳng thắn hay bộc trực, nhưng có sự tự tin vào chính bản thân mình. Để đạt được đỉnh cao mà cậu ấy đang có khi mới 19 tuổi, nếu không có sự tự tin, cậu ấy đã không thể làm được điều ấy”, HLV Dewsnip nói.

Saka có sự tự tin rất lớn. Nhưng dù có tự tin đến mấy, anh vẫn chỉ là chàng trai chưa tròn 20 tuổi và mới rời khỏi ghế trường trung học. Ngay lúc này, anh cần được tiếp tục bảo vệ như cách mà những người đồng đội và cả CLB Arsenal đã làm vào hôm qua.

Điều đó cần được tiếp tục trong những ngày khi anh xuất hiện trở lại trong màu áo “Tam sư”. Bởi phía trước anh là tương lai rộng mở, gần nhất chính là World Cup tại Qatar và vào thời điểm ấy, anh mới tròn 21 tuổi.

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/saka-can-duoc-bao-ve-sau-euro-2020-post1238715.html