Sam Kha tìm hướng thoát nghèo

Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện tới cơ sở đầu tư thực hiện nhiều chương trình, dự án tại địa bàn, song tỷ lệ hộ nghèo của xã Sam Kha hiện vẫn còn cao, chiếm tới 81,29%. Thoát nghèo vẫn thực sự là bài toán khó đối với xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn này của huyện Sốp Cộp.

Bản Pha Thóng là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã Sam Kha.

Bản Pha Thóng là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo cao của xã Sam Kha.

Sam Kha có 13.098 ha đất tự nhiên, toàn xã có 10 bản, 545 hộ, đồng bào Mông chiếm 92%. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nên các chỉ tiêu gieo trồng cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao (lúa đông xuân 1,8/1,8 ha, lúa mùa 62,52/50 ha, sắn 241,98/100 ha, cây ăn quả 53,58 ha,...); chăn nuôi được quan tâm, tổng đàn gia súc, gia cầm 10.803 con; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng được triển khai theo kế hoạch; tài chính tín dụng được triển khai có hiệu quả; công tác xây dựng cơ bản trên địa bàn đảm bảo tiến độ; công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo...

Theo giới thiệu, chúng tôi đến Pha Thóng, một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã Sam Kha. Chỉ cách trung tâm xã chừng 5 km, nhưng con đường vào bản không hề dễ đi, những nóc nhà của đồng bào dân tộc Mông nằm rải rác bên sườn núi. Chuẩn bị đi nương, nhưng Phó trưởng bản Thào A Mua vẫn giành chút thời gian cung cấp cho chúng tôi một vài thông tin. Theo đó, Pha Thóng hiện có 51 hộ, thì có tới 44 hộ nghèo, 5 hộ vừa thoát nghèo. Người dân trong bản chủ yếu canh tác lúa nương, ngô và sắn. Vừa rồi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nên cả bản chẳng còn con lợn nào, bà con cũng chưa dám mua lợn giống từ nơi khác về nuôi; gia cầm thì mỗi nhà cũng chỉ có vài con. Đường đến bản mùa mưa không thể đi được, cần 3 cây cầu, hiện giờ mới xây được một chiếc bằng kinh phí của xã. Muốn bán nông sản cũng khó vì thường xuyên bị thương lái ép giá. Đất đai bạc màu, diện tích nông nghiệp chủ yếu là đồi dốc nên canh tác khó khăn, năng suất thấp. Năm nay hạn hán kéo dài, cây lúa nương không trổ bông khiến bà con dân bản đang đối diện với mất mùa.

Ông Lò Văn Hặc, Chủ tịch UBND xã Sam Kha, cho biết: Việc triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững của xã còn gặp nhiều khó khăn, rất cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông (đường ô-tô đến các bản chỉ đi được mùa khô). Ứng dụng KHKT vào sản xuất của bà con rất hạn chế, mặc dù xã đã cố gắng tuyên truyền, hướng dẫn. Hiện nay, Sam Kha đang triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, song còn bộc lộ nhiều bất cập, ví dụ như 1 hộ nghèo chỉ được hưởng 1 lần trong cả giai đoạn; hỗ trợ hộ nghèo cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ được 1,5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi định mức 10 triệu đồng/hộ... Định mức hỗ trợ này là chưa hợp lý, xã rất mong có chính sách đầu tư quy về một mối, nâng cao định mức, ổn định để bà con đủ điều kiện thoát nghèo.

Tìm hiểu thêm được biết, hiện tại Sam Kha mới đạt 7/19 tiêu chí, gồm: quy hoạch, thủy lợi, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, quốc phòng- an ninh. Đến thời điểm này, tỷ lệ đường trục bản, tiểu khu và đường liên bản, tiểu khu được cứng hóa, đảm bảo ô-tô đi lại quanh năm mới đạt 5%. Trường học các cấp: Mầm non, tiểu học, THCS chưa bảo đảm cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao; chưa có có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định; chưa có chợ nông thôn hoặc nơi mua bán, trao đổi hàng hóa; tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề quá thấp; tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường vẫn là 0%; xã cũng chưa có đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa, vật tư, phân bón...

Trăn trở về những khó khăn ở Sam Kha, đồng chí Quàng Văn Tiêu, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Sốp Cộp, trao đổi với chúng tôi: Huyện đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng một số công trình: Thủy lợi bản Púng Báng; Nhà văn hóa bản Nậm Tỉa, Huổi My; đường lên bản Huổi My; đường điện lên bản Hin Chá, Huổi Phô, Huổi My; điểm trường học bản Sam Kha, Phá Thóng, Huổi Phô. Các công trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy và trò các điểm trường, nhân dân được tiếp cận thiết chế văn hóa, dịch vụ thông tin, nghe nhìn... Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của Sam Kha còn cao là bởi đây là xã vùng cao, diện tích lúa nước rất ít (vụ đông xuân huyện chỉ giao chỉ tiêu 1,8 ha); nhân dân canh tác chủ yếu trên đất nương, độ dốc lớn, đất nhanh bạc màu, năng suất thấp. Mặt khác, lúa nương phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân. Một nguyên nhân nữa, 92% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí không đồng đều, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất hạn chế. Thêm nữa, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận nhân dân vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước cũng khiến tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm...

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực huyện ủy cũng chia sẻ thêm, thời gian tới, Sốp Cộp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân tự ý thức vươn lên, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, nhà văn hóa, trường học...); giới thiệu, mở rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để nhân dân học tập, làm theo. Quan trọng hơn, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ xã đến bản, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn.

Để giải bài toán giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Sam Kha, ngoài thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, huyện Sốp Cộp cần quan tâm chỉ đạo đầu tư tập trung những mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác trên đất dốc; chú trọng đào tạo lao động nông thôn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, nâng cao dần thu nhập...

Vũ Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/sam-kha-tim-huong-thoat-ngheo-27372