Sâm Ngọc Linh mở lối làm giàu cho bà con vùng núi Quảng Nam
Hiện diện tại vùng núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm với những đặc tính riêng có mà các loài sâm khác trên thế giới không có được. Nhờ trồng sâm, bán sâm mà người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số mới có tiền xây những ngôi nhà khang trang, to đẹp, mua ô tô, con cái có điều kiện học hành tốt hơn.
Trồng sâm để thoát nghèo
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, số lượng xã trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện tăng nhanh chóng. Từ ban đầu chỉ có xã Trà Linh trồng loại dược liệu quý hiếm này, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 9 xã trồng sâm và nhiều cây dược liệu khác, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Diện tích và số hộ trồng sâm tăng đáng kể. Năm 2014, số hộ trồng sâm chỉ vào khoảng 110 hộ với 65ha trồng sâm, đến nay đã hình thành 93 chốt trồng sâm, với hơn 1.500 hộ dân và hơn 1.650ha được đăng ký trồng sâm Ngọc Linh.
"Theo quy hoạch của huyện, diện tích trồng sâm Ngọc Linh là trên 15.500 ha tại 7/10 xã gồm Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng và Trà Don. Nhưng thực tế, trên địa bàn huyện đã có 9 xã trồng sâm và nhiều cây dược liệu khác, bảo tồn được 100ha cây sâm Ngọc Linh, tương đương 2 triệu cây.
Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng để thoát nghèo. Mỗi năm, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đều giảm đến 7 đến 8% tỷ lệ hộ nghèo, riêng năm ngoái giảm hơn 10% và hiện tỷ lệ đói nghèo chỉ dưới 45% theo tiêu chí mới. Nhờ cây sâm Ngọc Linh, người dân Nam Trà My không chỉ xóa đói, thoát nghèo mà còn bắt đầu làm giàu. Thậm chí ở Trà Linh còn xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú", ông Trần Duy Dũng nói thêm.
Gia đình anh Hồ Văn Hình ở thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là một trong những hộ trồng nhiều sâm nhất xã. Hiện gia đình anh đang sở hữu vườn sâm hơn 5.000 cây đã đến kỳ khai thác. Anh phấn khởi cho biết: "Trước kia phải chịu nghèo khổ, giờ thì cuộc sống sung sướng rồi, làm nhà cửa, làm ao cá xong rồi, con cái được đi học. Hai vợ chồng giờ chỉ làm sâm thôi. Nếu mà giữ được giá cây sâm như hôm nay, gia đình cũng thu được gần 1 tỷ đồng.
Cùng xã với anh Hồ Văn Hình, chị Trần Hải Thủy cho biết, kinh tế gia đình, việc học hành của con cái chị được bảo đảm hơn nhiều từ khi tham gia trồng sâm. Nhà chị bắt đầu trồng sâm được hơn 8 năm, bán chủ yếu cho doanh nghiệp, người dân mua về sử dụng bồi bổ sức khỏe…
Nhà cha con ông Hồ Văn Dũng, người dân tộc Ca Dong cũng vậy. Con trai ông, Hồ Văn Báo, 33 tuổi, chỉ học hết cấp 3 vì khi đó gia đình không có điều kiện cho con đi học tiếp. Hồ Văn Báo ở nhà trồng sâm với bố, giờ đây, gia đình anh rất khá giả, con cái anh được ăn học đầy đủ. Hồ Văn Báo tâm sự: "Trồng sâm có tiền nhưng vẫn phải có cái chữ nữa mới biết cách làm ăn. Tôi sẽ cho con tôi học hành tới nơi tới chốn".
Đáng chú ý, khi xác định nguồn lợi lớn do cây sâm mang lại, 21 hộ dân ở thôn 2 và thôn 3 xã Trà Linh đã hình thành mô hình trồng sâm tập thể, có tổ trưởng, tổ phó, thư ký và phân công cụ thể cho từng thành viên có trách nhiệm chăm sóc, nuôi trồng và bảo vệ cây sâm ngày một phát triển hơn.
Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch xã Trà Linh cho hay, để đảm bảo đúng nguồn gốc của sâm Ngọc linh, tránh nguy cơ bị làm giả, hàng tháng, chính quyền địa phương vẫn tổ chức một tổ, nhóm đi kiểm đếm, kiểm tra việc trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh của bà con trong xã. Đặc biệt, khi bà con tham gia các phiên chợ sâm Ngọc Linh tại lễ hội do huyện tổ chức, chính quyền xã có trách nhiệm xác nhận, kiểm đếm, thậm chí và kiểm tra chất lượng sâm để tránh nguy cơ bị hàng giả xâm nhập. Và khi biết giá trị kinh tế của cây sâm Ngọc Linh, bà con “nâng niu từng cây sâm như chính con mình vậy”.
Khát vọng đưa sâm Ngọc Linh vươn xa
Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My khẳng định, từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay, huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 10%. Huyện đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gene quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung.
Ngoài sự tham gia của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã trồng sâm Ngọc Linh với khoảng hơn 3 triệu cây trên tổng diện tích gần 810ha dưới tán rừng. Giá trị thương mại của cây sâm Ngọc Linh dần ổn định nhờ các phiên chợ với sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Những chỉ số dược liệu quý từ sâm Ngọc Linh đã đưa giá trị kinh tế các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao. Mỗi héc ta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 - 50 tỷ đồng. Cây sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại vùng trồng sâm.
Chưa hết, các phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản, dược liệu đặc trưng của địa phương được tổ chức hằng tháng cùng các lễ hội sâm Ngọc Linh đã trở thành địa chỉ giao dịch hàng nông sản đặc trưng của huyện Nam Trà My. Các phiên chợ góp phần rất lớn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh, dược liệu khác và hàng nông sản; qua đó tạo thêm nguồn tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Phiên chợ cũng là nơi để gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác của người dân; tạo sự kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, giao thương; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, trồng sâm mang lại “lợi ích kép”, không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong bảo vệ môi trường bền vững, bảo vệ rừng. Trước đây, khi chưa có cây sâm, người dân phá rừng làm rẫy kiếm kế sinh nhai nhưng từ khi trồng sâm thì bảo vệ rừng tốt hơn, thậm chí còn trồng thêm rừng nhằm tạo môi trường tốt nhất (có độ ẩm, độ mát và che phủ lớn) để trồng sâm và các cây dược liệu khác. Theo các nhà khoa học và kinh nghiệm nhiều năm, cây sâm Ngọc Linh phải được trồng ở độ cao từ 1.200m trở lên và dưới tán cây rừng mới bảo đảm được dược tính và phát triển ổn định.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu xây dựng và phát triển cây sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là những điều kiện quan trọng để thực hiện khát vọng đưa sâm Ngọc Linh vươn xa tới thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Bửu, để phát triển thành một ngành công nghiệp sâm với cây sâm Ngọc Linh là chủ lực ở địa phương, ngoài việc phải tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành thì cần ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển dược liệu, tiếp cận vốn vay ưu đãi để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm của sâm Ngọc Linh. Hy vọng, đây sẽ là một hướng mở để người dân huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thoát đói, giảm nghèo bền vững.