Sam Rainsy và 'trò hề' khiến ASEAN đau đầu
Thủ lĩnh phe đối lập Campuchia đang sống lưu vong Sam Rainsy một lần nữa lại tìm cách trở về Phnom Penh - theo như tuyên bố của ông này là nhằm lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại Thủ tướng Hun Sen.
Thủ lĩnh phe đối lập Campuchia đang sống lưu vong Sam Rainsy một lần nữa lại tìm cách trở về Phnom Penh - theo như tuyên bố của ông này là nhằm lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại Thủ tướng Hun Sen.
Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết, vào sáng 14-11, thủ lĩnh đối lập lưu vong, Chủ tịch tự phong của đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) bị giải thể này đã đến thủ đô Jakarta của Indonesia bằng đường hàng không. Theo nguồn tin, sau khi từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia đến sân bay quốc tế của Jakarta, ông Sam Rainsy nói với các phóng viên rằng, ông sẽ lưu lại Indonesia trong vài ngày và sẽ gặp một số nghị sĩ. Động thái này của ông Rainsy khiến vụ việc biến thành một “trò hề”, và là một vấn đề đau đầu cho các nước ASEAN, trong bối cảnh vẫn có nhiều tranh cãi về khả năng ông Rainsy hiện đã có mặt ở Indonesia.
Ban đầu, vào hôm 6-11, ông Rainsy khiến chính trường Campuchia dậy sóng khi tuyên bố sẽ từ Paris đến Bangkok vào ngày 8-11 để sẵn sàng vào Campuchia vào ngày 9-11 - ngày Quốc khánh lần thứ 66 của Campuchia. Tuy nhiên, ngay lập tức, Thái Lan phản ứng mạnh mẽ trước động thái này của ông Rainsy. 1 ngày sau khi nhận được lá thư từ ông Rainsy đề nghị cho phép được trung chuyển tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan O-cha tuyên bố chính phủ của ông sẽ không cho phép người này trở về nước qua ngả Thái Lan. Giải thích về quyết định này, ông Prayut cho biết, “Chúng tôi sẽ tuân thủ nguyên tắc không can thiệp của ASEAN. Chúng tôi sẽ không can thiệp vào (vấn đề của) quốc gia khác và sẽ không cho phép nhóm chống chính phủ nào lợi dụng Thái Lan để phục vụ hoạt động của họ”.
Ông Rainsy sau đó buộc phải thay đổi kế hoạch bay đến Malaysia hôm 9-11. Theo nguồn tin bí mật, ông Rainsy dùng hộ chiếu nước ngoài và nhập cảnh vào Malaysia bằng thị thực du lịch. Vào ngày 13-11, lãnh đạo phe đối lập lưu vong Campuchia thậm chí đã đăng một bức ảnh của mình tại sân bay quốc tế của Kuala Lumpur với một vài đồng nghiệp trên Twitter kèm theo nội dung: “Sam Rainsy và hai thành viên CNRP khác đang trên đường đến sân bay quốc tế Jakarta Soekarno Hatta (ga số 3) lúc 17 giờ 30 chuyến MH723”.
Trước đó, đã có nhiều tranh cãi quanh việc ông Sam Rainsy đã bị cản trở lên chuyến bay từ Malaysia đến Indonesia. Một nguồn tin của Kyodo khẳng định: “Ông Rainsy đã bị cấm đi đến Jakarta theo lệnh của chính quyền Jakarta, không phải lệnh cấm từ Malaysia”. Hãng hàng không Malaysia Airlines sau đó cũng xác nhận từ chối phục vụ ông Rainsy theo yêu cầu của chính quyền Indonesia. Trong khi đó, các thành viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố không biết gì về trường hợp của Rainsy và chuyển vấn đề này đến Bộ di trú của Indonesia. Sau đó, Bộ di trú Indonesia tuyên bố, ông Rainsy không có mặt ở nước này và cũng không bị cấm nhập cảnh.
Ông Sam Rainsy, 70 tuổi, bị chính quyền Campuchia truy nã với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ hợp pháp, đang tìm mọi cách trở về Campuchia phát động “cuộc nổi dậy” chống lại chính phủ Thủ tướng Hun Sen. Vì tuyên bố này, các quốc gia vốn là nơi ông Rainsy chọn để quá cảnh đều cảnh giác trước kế hoạch trở lại của nhân vật đối lập này, nhất là Thái Lan - quốc gia có đường biên giới kéo dài với Phnom Penh. Các lực lượng an ninh Thái Lan dọc theo biên giới với Campuchia vẫn được đặt trong tình trạng báo động đối với “những phần tử xúi bẩy chính trị” bất chấp việc ông Rainsy không được lên máy bay tới Bangkok để trở về nước. Các trạm kiểm soát trên đường vẫn hoạt động trên tất cả các quận của tỉnh Sa Kaeo, giám sát di chuyển của người dân đến biên giới. Những áp phích có hình các nhà lãnh đạo đối lập Campuchia được dựng lên bằng cả hai thứ tiếng Thái Lan và Khmer.
Trước đó, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã gửi lệnh bắt giữ ông Rainsy và đồng phạm tới tất cả các thành viên ASEAN do ngày 3-10, ông Sam Rainsy và 8 đồng phạm bị Tòa án thành phố Phnom Penh kết án về tội âm mưu tổ chức đảo chính. Ông Rainsy kêu gọi quân đội ủng hộ để lật đổ Chính phủ Hoàng gia Campuchia và kêu gọi Quốc vương Campuchia thoái vị. Ông Rainsy liên tục xúc phạm Quốc vương Norodom Sihamoni bất chấp cảnh báo của Hoàng cung.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_215998_sam-rainsy-va-tro-he-khien-asean-dau-dau.aspx