Sắm Tết trong tình cảnh 'nhu cầu chi tiêu cao, ví tiền mỏng'

Với những người trẻ việc chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán cần đầy đủ nhưng vẫn phải hợp với túi tiền eo hẹp.

Vào thời điểm cận Tết, loạt câu hỏi "nên mua sắm gì", "tiêu bao nhiêu là đủ" lại trở thành một chủ đề được mọi người quan tâm. Đặc biệt là người trẻ, thu nhập chưa ổn định vẫn cần chi tiêu cho quần áo mới, mua sắm trang hoàng nhà cửa, tiền lì xì, biếu cha mẹ, tiền quà cáp, tiền tàu xe đi lại…

Những khoản chi này ngốn quá nhiều tiền bạc, có thể tới khoảng 2 - 3 tháng lương thưởng. Nếu không biết tính toán có thể phải làm tích cóp cả năm chỉ để tiêu Tết, sau Tết là phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng nếu biết áp dụng những phương pháp chi tiêu thông minh và linh hoạt thì dù ví tiền nhỏ xinh vẫn đáp ứng đủ việc chi tiêu sắm Tết.

Mua quần áo Tết, áo dài là đồ second-hand

Nhiều người có suy nghĩ, Tết cả năm chỉ có 1 lần thế nên việc chi tiêu cho dịp này xông xênh, thoải mái cũng là điều nên làm. Thế nhưng Ngọc (hiện đang làm văn phòng ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội) lại không nghĩ thế.

Ngọc (hiện đang làm văn phòng ở khu vực Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Ngọc (hiện đang làm văn phòng ở khu vực Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Ngọc mới ra trường được 1 năm rưỡi, vẫn còn đang trong giai đoạn thực tập, chỉ hưởng mức lương cơ bản. Với Ngọc, thu nhập của một nhân viên văn phòng mới ra trường chưa đủ để cô chi tiêu thoải mái trong dịp Tết. Đặc biệt, con gái đi làm xa về nên phần lớn số tiền Ngọc dành cho dịp Tết là cho khoản biếu bố mẹ, để tiền lì xì cho người thân, họ hàng. Số còn lại Ngọc mới dùng để mua sắm cho bản thân.

"Mức lương cộng thưởng Tết của mình năm nay rơi vào khoảng 20 triệu. Mình dự định biếu bố mẹ 5 triệu, 3 triệu làm tiền lì xì Tết cho hai bên nội ngoại, 2 triệu cho bản thân mua quần áo, làm tóc. 10 triệu còn lại dùng để làm chi phí sinh hoạt trong cả tháng bao gồm tiền thuê nhà, tiền ăn uống, xăng xe, điện thoại, chi phí phát sinh khác", Ngọc chia sẻ.

Tới gần Tết Ngọc sẽ dùng 2 triệu mua quần áo, làm tóc. Số tiền làm tóc Ngọc dự định sẽ về quê ở Nam Định làm để tiết kiệm chi phí, dao động trong khoảng 800k - 1 triệu cả tạo kiểu và nhuộm lên màu. 1 triệu còn lại Ngọc dành để mua sắm quần áo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

"Mình có thói quen mua áo dài để diện đi du Xuân, chúc Tết họ hàng và chụp ảnh lưu giữ cột mốc tuổi mới. Tuy nhiên, do thu nhập từ việc làm năm nay cũng bị ảnh hưởng ở giai đoạn đầu năm dẫn đến việc tiết kiệm không được nhiều, cũng chưa tìm được việc làm thêm nên Tết năm nay quyết định chi tiêu dè sẻn nhất có thể.

Thay vì tậu áo dài mới thì mình mua áo dài second-hand. Ngoài ra còn mua thêm một số áo và quần khác nữa. Mình chủ yếu lên các nhóm dọn tủ quần áo, dọn nhà đỡ chật trên Facebook. Mình thấy nhiều tín đồ mua sắm họ thanh lý áo dài 'hot trend' năm ngoái, trông còn mới nguyên, nên nảy ra ý định mua đồ second hand cũ người mới ta. Như thế vừa có đồ diện Tết mà giá lại 'hạt dẻ' hơn so với mua mới ngoài tiệm, vậy là vẹn cả đôi đường", Ngọc cho hay.

Sắm Tết tiết kiệm bằng thẻ tín dụng

Trước không khí rộn ràng của những ngày cận Tết, người trẻ hay có tâm lý hưởng thụ bằng cách tự thưởng cho bản thân những món đồ yêu thích, có giá trị cao sau một năm làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, nếu không kiềm chế được "cơn nghiện" mua sắm, việc "vung tay quá trán" là điều khó tránh.

Thảo Ly (23 tuổi) - nhân viên truyền thông của một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết đây là thời điểm lý tưởng để cô bắt đầu mua sắm Tết. Bởi theo Ly thì không nên để đến những ngày giáp Tết mới mua vì đồ đẹp sẽ khan hiếm và giá cả sản phẩm cũng đắt hơn.

Thảo Ly (23 tuổi) - nhân viên truyền thông của một doanh nghiệp tại Hà Nội lựa chọn mua đồ giảm giá rồi thanh toán qua thẻ tín dụng để tiết kiệm tiền sắm Tết. Ảnh: NVCC

Thảo Ly (23 tuổi) - nhân viên truyền thông của một doanh nghiệp tại Hà Nội lựa chọn mua đồ giảm giá rồi thanh toán qua thẻ tín dụng để tiết kiệm tiền sắm Tết. Ảnh: NVCC

"Mình thường liệt kê ra những thứ cần thiết phải mua trước Tết tầm hơn một tháng để có đủ thời gian tìm kiếm và mua hàng, tránh lạc vào "ma trận" giá cả trong mùa Tết, chẳng hạn như quà biếu, thiết bị gia đình, quần áo diện Tết...", Ly chia sẻ.

Biết tài chính còn "eo hẹp" vì mới đi làm, Ly chọn cách chỉ chi tiêu thu nhập vào những khoản cần thiết cho dịp Tết. Những món đồ mà bản thân yêu thích, cô bạn chọn cách tiết kiệm để mua sau, còn những món cần cho Tết thì săn giảm giá, ưu đãi mua hàng giá "hạt dẻ" rồi thanh toán trả góp qua thẻ tín dụng. Nhờ thế mà Thảo Ly có thể tiết kiệm khoản tiền không nhỏ khi chi tiêu dịp Tết.

"Hiện tại mình đang dùng loại thẻ cashback vì khi mua sắm từ ăn uống, đồ gia dụng,... sẽ được giảm 5-10%. Ngoài ra còn được thưởng dặm bay nên mình đang suy nghĩ đến việc đi du lịch sau Tết. Tuy nhiên mức phí thường niên của thẻ này cao hơn các loại thẻ khác nên mình tính chỉ dùng tầm 1 năm đầu đang được miễn phí thường niên xong hết 1 năm lại hủy thẻ luôn. Ngoài ra mình cũng chọn trả góp ở thẻ có 0% lãi suất, không mất phí chuyển đổi".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Được biết năm nay Thảo Ly dự định chi tiêu khoảng 50% lương tháng thứ 12 là 10 triệu để tiêu cho dịp Tết Nguyên đán. Bao gồm tiền mừng tuổi cho bố mẹ là 5 triệu, tiền mừng tuổi cho các cháu và họ hàng khoảng 2 triệu và 3 triệu để sắm Tết như bánh kẹo, đồ dùng trang trí nhà,...

Ngoài ra, Ly đang chờ thông báo khoản tiền thưởng cuối năm, nếu xông xênh Ly nghĩ có thể xem xét đến việc mua máy rửa bát để tặng bố mẹ. Các khoản tiền mua bánh kẹo, đồ trang trí nhà, đồ gia dụng này sẽ được Ly thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ tín dụng.

"Nếu khéo lọc sản phẩm, có thể tìm thấy những mặt hàng giảm giá cuối năm tới 70% đến 80%, có cả đồ gia dụng. Thanh toán qua thẻ tín dụng chi tiêu của mình được giảm nhiều nhất 10% nữa vậy là đã tiết kiệm được khoản tiền lớn rồi.

Với thẻ tín dụng của mình sẽ được miễn lãi 45-55 ngày. Tuy nhiên nhược điểm là qua thời điểm đó, lãi suất được tính theo ngày trên số dư nợ chưa trả, tương đương với lãi suất từ 26-36%/năm. Là mức lãi suất rất cao. Thế nên trong quá trình chi tiêu mua sắm Tết, mình luôn nhắc nhở bản thân phải kiểm tra sao kê thẻ và để ý ngày cần thanh toán. Khi có tiền thì trả luôn để tránh phát sinh phí phạt", Ly chia sẻ thêm.

Hồng Nhung - Ảnh: NVCC

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/sam-tet-trong-tinh-canh-nhu-cau-chi-tieu-cao-vi-tien-mong-20221228092547983.htm