Samsung có đang chững lại?

Bộ đôi smartphone gập mới của Samsung không có cải tiến đột phá, trong khi các đối thủ Trung Quốc lại vươn lên mạnh mẽ và từng bước chiếm ưu thế trên thị trường.

Samsung vẫn đang duy trì vị thế tiên phong trong lĩnh vực điện thoại gập bằng việc ra mắt bộ đôi Galaxy Z Fold7 và Z Flip7 tại sự kiện Galaxy Unpacked 2025. Tuy nhiên, giữa bối cảnh các ông lớn công nghệ Trung Quốc tăng tốc đổi mới mạnh mẽ, sản phẩm mới của Samsung bị đánh giá là thiếu đột phá. Thiết kế mỏng nhẹ hơn cùng một số tinh chỉnh phần cứng không đủ để tạo ra bước tiến rõ rệt trong cuộc đua công nghệ khốc liệt.

Ngược lại, các đối thủ như Honor, Oppo hay Huawei đang liên tục giới thiệu các mẫu điện thoại gập với thiết kế mới và thông số phần cứng ấn tượng. Những sản phẩm này không chỉ cạnh tranh về độ mỏng, dung lượng pin hay tính năng, nó còn cho thấy năng lực thiết kế và sản xuất phần cứng ngày càng hoàn thiện của các công ty đến từ Trung Quốc.

Samsung thụt lùi

Tại sự kiện Galaxy Unpacked 2025, Samsung công bố 2 mẫu điện thoại gập mới gồm Galaxy Z Fold7 và Galaxy Z Flip7. Cả 2 thiết bị đều có trọng lượng nhẹ hơn, mỏng hơn và phần gập được thiết kế ít nếp hơn so với thế hệ trước. Tuy nhiên, ngoài việc cải tiến nhẹ về phần cứng, sản phẩm mới chưa đem đến thay đổi khiến người dùng hào hứng.

Ngược lại, các hãng điện thoại Trung Quốc đang tăng tốc đổi mới mạnh mẽ. Honor, một tuần trước sự kiện Unpacked của Samsung, đã giới thiệu Magic V5 với độ dày dưới 9 mm, mỏng hơn cả Galaxy Z Fold7.

 Galaxy Z Fold 7 và Galaxy Z Flip 7 chưa có điểm đột phá so với thế hệ trước. Ảnh: Bloomberg.

Galaxy Z Fold 7 và Galaxy Z Flip 7 chưa có điểm đột phá so với thế hệ trước. Ảnh: Bloomberg.

Oppo cũng ra mắt Find N5 tại thị trường nội địa vào đầu năm nay. Thiết bị này không chỉ đạt độ mỏng tương đương Galaxy Z Fold 7 mà còn tích hợp loạt tính năng cao cấp như hỗ trợ bút cảm ứng trên cả 2 màn hình và sử dụng pin silicon-carbon dung lượng 5.600 mAh, cao hơn đáng kể so với viên pin 4.400 mAh trên thiết bị của Samsung.

Huawei đã công bố Mate XT, mẫu điện thoại có thiết kế gập ba với khả năng mở rộng kích thước màn hình từ 6,4 inch lên tối đa 10,2 inch. Dù có thiết kế bản lề kép phức tạp, Mate XT chỉ dày hơn một chút so với Galaxy Z Fold 6, cho thấy năng lực thiết kế và sản xuất phần cứng của công ty Trung Quốc đã đạt mức tinh vi.

Samsung được kỳ vọng sẽ tung ra thiết bị gập ba tại sự kiện năm nay, nhưng điều đó không xảy ra. Nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc chỉ xác nhận đang “nỗ lực phát triển” thiết bị này và dự kiến ra mắt vào cuối năm. Khi nhìn vào tốc độ đổi mới của các đối thủ Trung Quốc, thông điệp của Samsung không gây được nhiều ấn tượng.

Sự vươn lên của Trung Quốc

Không giống trước đây, khi thiết bị công nghệ đến từ Trung Quốc thường bị xem là bản sao giá rẻ, các thương hiệu tại đất nước tỉ dân lại đang dẫn đầu trong lĩnh vực điện thoại màn hình gập.

Theo ông Neil Shah, Phó Chủ tịch Counterpoint Research, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm mới, đột phá và khác biệt.

“Người tiêu dùng tại Trung Quốc đã yêu cầu cao hơn, phần lớn đang sử dụng thiết bị thứ 5 hoặc 6. Họ chủ động tìm kiếm những trải nghiệm tiên tiến hơn”, ông Neil Shah nói.

 Các ông lớn công nghệ Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực smartphone gập. Ảnh: Bloomberg.

Các ông lớn công nghệ Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực smartphone gập. Ảnh: Bloomberg.

Counterpoint cũng chỉ ra rằng Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới cho điện thoại màn hình gập, chiếm khoảng 2/3 tổng doanh số toàn cầu. Trong khi đó, tại Mỹ và châu Âu, thiết bị màn hình gập chỉ chiếm khoảng 1% thị phần. Mức độ chấp nhận công nghệ mới thấp hơn khiến các thương hiệu như Apple và Samsung thận trọng trong việc nâng cấp sản phẩm.

Đáng chú ý, nhiều hãng công nghệ Trung Quốc còn nhận được sự hậu thuẫn lớn từ chính phủ. Theo Wall Street Journal, Huawei đã nhận được tổng cộng tới 75 tỷ USD hỗ trợ từ nhà nước.

Điều này giúp công ty duy trì hoạt động nghiên cứu và sản xuất, dù bị áp lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ từ năm 2019. Trước thời điểm bị đưa vào danh sách đen, Huawei từng vươn lên vị trí thứ hai về doanh số smartphone toàn cầu, chỉ sau Samsung, theo Canalys.

Đây không chỉ là câu chuyện riêng của Huawei. Các thương hiệu như Honor, Xiaomi, Oppo hay Vivo đều đang đầu tư mạnh vào công nghệ màn hình gập. Điều này không chỉ để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn chuẩn bị cho việc mở rộng ra quốc tế.

Tham vọng chiễm lĩnh toàn bộ thị trường

Không chỉ trong mảng sản phẩm, Trung Quốc còn đang chủ động xây dựng chuỗi cung ứng độc lập để giảm phụ thuộc vào các đối thủ công nghệ nước ngoài. Nhiều nhà cung cấp linh kiện như BOE, Visionox hay Chinastar đang nổi lên như những trụ cột của hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc.

 Các công ty công nghệ Trung Quốc được hưởng lợi lớn từ hệ sinh thái trong nước. Ảnh: Bloomberg.

Các công ty công nghệ Trung Quốc được hưởng lợi lớn từ hệ sinh thái trong nước. Ảnh: Bloomberg.

BOE hiện là một trong những nhà sản xuất màn hình lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ cung cấp phần lớn màn hình cho MacBook của Apple từ năm 2025. Việc các công ty như Huawei và Honor hợp tác chặt chẽ với BOE giúp họ tiếp cận công nghệ tấm nền mới mà trước đây vốn chỉ có Samsung Display làm chủ.

Không dừng lại ở đó, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tiến sâu vào lĩnh vực bán dẫn. Theo nghiên cứu từ Yole Group, Trung Quốc đại lục có khả năng vượt Đài Loan (Trung Quốc) để trở thành trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới vào năm 2030. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu vẫn loay hoay trong việc xây dựng nền tảng sản xuất chip nội địa, dù đã có các chương trình hỗ trợ.

Carl Pei, CEO của Nothing cho rằng công nghệ tiêu dùng hiện tại đã trở nên “nhàm chán”. Dù nhận xét này có phần phóng đại, nó cũng phản ánh thực tế rằng tốc độ đổi mới của các thương hiệu phương Tây đang chững lại.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/samsung-co-dang-chung-lai-post1568763.html