Hiệu quả từ trồng cà phê lười
Cà phê lười (hay cà phê thả đọt) là phương pháp sản xuất mới được nhiều hộ dân phía tây của tỉnh áp dụng. Phương pháp này giúp tăng năng suất, tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất và đẩy mạnh cơ giới hóa trong canh tác.
Chuyển hướng sản xuất mới
Ông Trần Thanh, thôn Dục Nội, xã Dục Nông là một trong những hộ đầu tiên áp dụng phương pháp canh tác cà phê lười. Theo ông Thanh, đây là phương pháp canh tác mới. So với canh tác truyền thống thì không bấm ngọn của cây cà phê, cho cành và thân phát triển hơn. Ông Thanh trồng 3ha cà phê lười và năm nay, 5 sào đã cho thu hoạch. So với trồng theo kiểu truyền thống, trồng cà phê lười giúp tiết kiệm được nhiều công chăm sóc.
Với mô hình cà phê lười, ông Thanh trồng hàng cách hàng 4m, cây cách cây khoảng 2m. Theo ông, khoảng cách trên giúp cây có đủ không gian phát triển, tối ưu hóa việc hấp thu ánh sáng và chất dinh dưỡng từ đất. Ông cũng mạnh dạn đầu tư lắp hệ thống tưới nước tự động.

Vườn cà phê thả đọt của ông Trần Thanh chuẩn bị cho thu hoạch.
“Tôi dùng máy móc để xới cỏ; tưới nước tự động; phun thuốc bằng máy bay không người lái. Hằng năm, tôi không tốn nhiều nhân công cho việc cắt tỉa cành nên khá nhàn. Hiện nay, diện tích đang cho thu hoạch cho cành đều, trái sai, dự kiến năng suất rất đạt. Đến thời điểm này, tôi thấy việc trồng thả đọt khá hiệu quả”, ông Thanh chia sẻ.
Thực tiễn chuyển đổi và bước đầu cho hiệu quả từ trồng cà phê lười, một số hộ dân trên địa bàn xã cũng học và làm theo. Mới đây, hộ ông Trần Quang Trung, thôn Ngọc Hiệp, xã Dục Nông cũng đầu tư trồng cà phê lười xen sầu riêng. “Ở đây chưa nhiều người làm, tôi tìm hiểu từ trên mạng và những người đi trước rồi làm theo. Tôi xác định vừa làm vừa học. Sau khi xuống giống, cây phát triển tốt”, ông Trung cho biết.
Đầu tư bài bản
Tại xã Ia Chim, nhiều hộ dân cũng bắt đầu chuyển đổi từ phương pháp canh tác cà phê truyền thống sang trồng cà phê lười. Ông Phạm Ngọc Linh, thôn Ia Hội cho biết, từ trước đến nay, gia đình tôi chỉ trồng cao su, không trồng cà phê. Vừa rồi, qua tìm hiểu trên mạng internet, thấy hiệu quả của phương pháp canh tác cà phê lười nên tôi chuyển đổi 1ha cao su sang trồng cà phê.
Ông Linh tạo các mương nhỏ để vườn cà phê thoát nước, hạn chế ngập úng. Cùng với đó, ông đầu tư hơn 30 triệu đồng lắp hệ thống tưới nước, tưới phân tự động để đảm bảo nước và dưỡng chất cho cây trong quá trình phát triển. Với diện tích trên 1ha, ông trồng 1.600 cây cà phê, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 1,5 - 2m. “Diện tích giữa các hàng rộng, thoáng nên tôi dễ dàng dùng máy xới để xới cỏ. Hiện nay, mới trồng thử nghiệm nên tôi vừa làm vừa học, tập trung cho khâu chăm sóc ban đầu. Sau này, khi cây phát triển ổn, sẽ không tốn nhiều thời gian tỉa cành, chăm sóc như phương pháp truyền thống”, ông Linh cho hay.
Cũng như ông Linh, ông Lê Xuân Khôi là một trong những hộ dân đầu tiên ở thôn Tân An, xã Ia Chim trồng cà phê lười bài bản. Từ 4ha đang trồng cao su, ông thử nghiệm chuyển 2ha sang trồng cà phê. Ông Khôi nói rằng, hiện nay, trên địa bàn thôn có một số người chuyển sang trồng cà phê lười. Việc chuyển đổi một cách tự phát, mỗi người tự học, tự làm nên khoảng cách trồng giữa các hàng, các cây không giống nhau. Bản thân tôi tìm hiểu các video hướng dẫn trên mạng, nên áp dụng khoảng cách hàng cách hàng 3m và cây cách cây 2m. “Tôi đầu tư khoảng 400 triệu đồng đào ao, xây dựng hệ thống hàng rào, tưới nước, tưới phân, điện, giống, máy xới cỏ. Tôi làm bài bản để đảm bảo khâu chăm sóc tốt nhất”, ông Khôi cho biết.
Với phương pháp trồng cà phê truyền thống, người dân tốn nhiều công trong cắt tỉa cành, bấm ngọn. Còn trồng cà phê lười, cây thường được để phát triển tự nhiên, không cắt tỉa cành. Tuy nhiên, với mô hình nào cũng vậy, để thực hiện đạt hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, người dân cần nắm vững kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là cách quản lý dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh. “Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật cũng như có những định hướng phù hợp cho người dân. Nếu có sự đồng hành của chính quyền địa phương, được tập huấn bài bản, có kiến thức về kỹ thuật, chăm sóc, mô hình mới hy vọng mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng phát triển hiệu quả, bền vững cho nông dân”, ông Khôi bày tỏ.
Bài, ảnh: HOÀI TIẾN
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/hieu-qua-tu-trong-ca-phe-luoi-54645.htm