Samsung đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc?
Từ tháng 2/2019, nhiều công nhân và cư dân tại Huệ Châu, Trung Quốc đã lan truyền tin đồn Samsung sẽ đóng cửa phần lớn cơ sở sản xuất thời gian tới.
Vào thời hoàng kim, khu phức hợp Samsung tại Huệ Châu, phía Bắc Châu thổ sông Châu Giang, Trung Quốc là nhà máy lớn nhất tại Trung Quốc của công ty này, sản xuất 1/5 số điện thoại thông minh bán tại Trung Quốc năm 2011.
Nhưng hiện tại, các cửa hàng nhỏ và nhà cung cấp bao quanh Samsung Huệ Châu trở nên im lặng. Thông báo ngày 28/2 dán trên cổng nói rằng việc tuyển dụng đã bị đình chỉ.
Theo SCMP, kể từ tháng 2 sau Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, nhiều cư dân Trừng Giang (Chenjiang) gần đó, từ doanh nhân, người bán hàng rong, công nhân, chủ nhà đến nhân viên bảo vệ tại các nhà máy điện tử, đã nghe và lan truyền tin đồn rằng Samsung sẽ đóng cửa một phần lớn cơ cấu sản xuất trong những tháng tới.
Huệ Châu Samsung Electronics là nhà máy điện thoại thông minh cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc, sau khi công ty đóng cửa cơ sở Thiên Tân tháng 12/2018, ngừng sản xuất thiết bị mạng cùng năm tại nhà máy Thâm Quyến. Công nhân Huệ Châu nói các đồng nghiệp đã tình nguyện làm dự phòng, trong khi người dân địa phương, công nhân và các nhà cung cấp khác gần như đã chấp nhận rằng nhà máy sẽ đóng cửa.
Steve Huang, kỹ sư làm việc tại nhà máy 17 năm cho biết số lượng nhân viên ở đây giảm từ khoảng 9.000 xuống còn khoảng 4.000 vào năm 2013, khi Samsung xếp thứ 1 tại Trung Quốc với 20% thị trường điện thoại thông minh. Năm 2018, thị phần của hãng giảm xuống chỉ còn 1% trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc bao gồm Huawei, Xiaomi và Oppo.
"Tháng trước, tôi nghe nói vài trăm công nhân nhận được khoản bồi thường từ khoảng 10.000 đến hơn 100.000 nhân dân tệ (1.400-14.400 đô la Mỹ) (tùy thuộc vào số năm làm việc) và rời Samsung", một chủ nhà địa phương nói. Giá thuê một phòng đơn đã giảm từ 500 nhân dân tệ (72 đô la Mỹ) xuống chỉ còn 200 hoặc 300 nhân dân tệ nhưng phòng vẫn đang bỏ trống, ông cho biết thêm.
Bài liên quan
Báo Trung Quốc: Mỹ chọn nhầm đối thủ, nhầm thời điểm
Huawei đăng ký thương hiệu hệ điều hành riêng trên khắp thế giới
Samsung Trung Quốc từ chối bình luận dù các báo cáo trên cả phương tiện truyền thông Trung Quốc và Hàn Quốc tuần trước nói công ty cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân tại nhà máy Huệ Châu, trong bối cảnh doanh số điện thoại thông minh chậm lại, tiếp tục chuyển sản xuất sang các địa điểm có chi phí thấp hơn ở châu Á.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, trong quý đầu tiên của năm 2019, xuất khẩu điện thoại thông minh Samsung từ Huệ Châu giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo SCMP, bên cạnh việc mất thị phần điện thoại thông minh ở Trung Quốc khi cạnh tranh với các thương hiệu nội địa, Samsung cũng đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và mở rộng sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ.
Sự thay đổi của Samsung Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn về tương lai kinh tế nước này và vai trò của họ trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là vào thời điểm thương chiến Mỹ - Trung đang căng thẳng.
Chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và thậm chí cả Châu Phi, đặc biệt là sản xuất cần nhiều lao động và lắp ráp chi phí thấp, đã diễn ra ít nhất một thập kỷ do chi phí lao động và cho thuê tăng, thuế cao và kinh tế chậm lại. Nhưng quá trình này trở nên gấp gáp hơn từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc gần một năm trước.
Kế hoạch cắt giảm sản xuất hoặc rời khỏi Trung Quốc của những công ty công nghệ như Samsung có thể có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và việc làm của Trung Quốc, cũng như vị thế nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo các nhà phân tích.
Đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giải quyết các khiếu nại của các nhà sản xuất nước ngoài bằng cách hứa rằng họ sẽ được hoan nghênh và bảo vệ tại Trung Quốc. Bắc Kinh gấp rút thông qua luật đầu tư nước ngoài trong năm 2019 để bảo vệ pháp lý cho sở hữu trí tuệ nước ngoài và cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Họ cũng đang "trải thảm đỏ" cho các nhà đầu tư tên tuổi như nhà sản xuất ô tô điện Tesla.
Dữ liệu chính thức mới nhất của Trung Quốc cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ổn định phần lớn trong năm tháng đầu năm nay, với mức tăng 3,7% lên 55 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn ít hơn mức tăng trưởng của năm 2018.
Trước sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, Wang Jisi, một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ, viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu rằng Trung Quốc phải tránh rơi vào cái bẫy của việc tách rời khỏi Mỹ và phần còn lại của thế giới .
"Một số người Mỹ muốn thấy sự tách rời của hai nước về thương mại và công nghệ, nhưng Trung Quốc nên kiên trì làm việc với các nước khác, bao gồm cả Mỹ, trong các lĩnh vực thương mại và công nghệ", ông Wang nói.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/samsung-dong-cua-nha-may-cuoi-cung-o-trung-quoc-d480909.html