Samsung vượt Xiaomi trong phân khúc điện thoại thông minh tại thị trường Ấn Độ
Ngày càng nhiều người Ấn Độ muốn có điện thoại đắt tiền với các tính năng tốt hơn, Samsung đã nắm bắt được tâm lý này và vượt lên giành ngôi vương trong cuộc chiến tranh giành thị phần tại Ấn Độ.
Xiaomi đang phải xem xét lại chiến lược tại Ấn Độ của mình sau khi đánh giá sai thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường này đối với điện thoại di động. Sai lầm đắt giá này đã giúp Samsung Electronics vượt Xiaomi lên giành ngôi vương tại thị trường điện thoại di động lớn thứ hai thế giới.
Trong khi Xiaomi vẫn tập trung vào việc bán điện thoại di động dưới 10.000 rupee (120 USD), thì người tiêu dùng Ấn Độ nay đã sẵn sàng trả tiền cho những mẫu điện thoại đẹp hơn, đắt hơn với nhiều tính năng hơn. Samsung đã tung ra các sản phẩm đáp ứng được những nguyện vọng đó và còn đưa ra các chương trình kích cầu để hầu hết mọi người đều có thể mua được sản phẩm của mình.
Những động thái đó đã giúp Samsung giành được vị trí dẫn đầu thị trường điện thoại di động của Ấn Độ. Dữ liệu từ cho thấy hãng Samsung chiếm 20% thị phần điện thoại thông minh tại Ấn Độ trong quý 4/2022 so với so với 18% của Xiaomi.
Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint cho biết: "Thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ đang chứng kiến xu hướng "cao cấp hóa" nhưng Xiaomi đã không theo kịp được xu hướng thị trường". Hiện thị trường Ấn Độ có hơn 626 triệu người dùng điện thoại thông minh, là thị trường lớn thứ hai sau Trung Quốc. Việc các công ty không đáp ứng được sở thích đang thay đổi của người tiêu dùng trong một nền kinh tế đang phát triển nhanh với thu nhập ngày càng tăng sẽ khiến các công ty này bị "vượt mặt".
Ấn Độ đang có xu hướng sử dụng tập trung vào dòng điện thoại cao cấp, có giá từ 605 USD đến cao nhất là 2.304 USD. Theo Counterpoint, thị phần của điện thoại dưới 120 USD ở Ấn Độ đã giảm xuống 26% vào năm 2022 từ mức 41% của hai năm trước.
Xiaomi và Samsung đều coi Ấn Độ là thị trường quan trọng, nhất là mảng điện thoại thông minh khi mảng này đều là thiết bị điện tử bán chạy nhất của hai hãng này. Xiaomi ghi nhận tổng doanh thu 4,8 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022 tại Ấn Độ, trong khi Samsung đạt doanh thu 10,3 tỷ USD, trong đó 6,7 tỷ USD đến từ điện thoại thông minh.
Khi so sánh sản phẩm hai hãng này đang cung cấp thì Xiaomi có 6 mẫu điện thoại thông minh có giá trên 360 USD, so với 16 mẫu của Samsung. Còn phân khúc dưới 120 USD, Samsung có 7 mẫu, trong khi Xiaomi lại có tận 39 mẫu điện thoại. Xiaomi cũng đã nhận ra điều này và đang cải tiến dòng sản phẩm của mình để tập trung vào điện thoại thông minh cao cấp.
Hãng đã ra mắt vào tháng 1 năm nay mẫu máy Redmi Note 12 với bản cao cấp nhất có giá trên 30.000 rupee và gần đây là Xiaomi 13 Pro với giá 79.999 rupee (970 USD) - là mẫu điện thoại có giá cao nhất của hãng ở Ấn Độ. Sự thay đổi chiến lược dường như đã mang lại hiệu quả ngay lập tức, khi doanh số bán hàng của Redmi Note 12 đạt 61 triệu USD chỉ trong vòng hai tuần kể từ khi ra mắt.
Samsung đã áp dụng chương trình cung cấp các khoản vay "thuận tiện và đảm bảo" để giúp khách hàng của họ mua điện thoại dễ dàng hơn, điều này đã đóng một vai trò quan trọng trong thành công gần đây của hãng ở Ấn Độ, giúp tạo ra doanh số điện thoại trị giá 1 tỷ USD vào năm ngoái. Chương trình hỗ trợ của Samsung giúp cho những người ngay cả có điểm tín dụng thấp hoặc không có bảng lương cũng có thể mua được điện thoại.
Sanjeev Kumar Verma, chủ một cửa hàng điện thoại cho biết, anh từng bán được 5 chiếc điện thoại Samsung mỗi tháng, nhưng hiện doanh số đã tăng gấp 4 lần lên 20 chiếc, trong đó có 18 chiếc mua qua chương trình cho vay. Không giống như các đối thủ khác, Samsung không yêu cầu giấy tờ chứng minh nơi cư trú, giúp người lao động nhập cư hoặc những người làm việc từ nơi khác đến dễ dàng vay mượn để mua điện thoại hơn.
Raju Pullan, người đứng đầu bộ phận di động của Samsung tại Ấn Độ, nói rằng, sự tăng trưởng của điện thoại phân khúc cao cấp ở các thị trấn nhỏ cao hơn nhiều so với ở các thành phố lớn. Samsung cho biết ứng dụng tài chính của họ được cài đặt trên điện thoại thông minh có thể khóa thiết bị và chặn các cuộc gọi đi khi chưa thanh toán khoản vay.
Mặt khác, Xiaomi đang phải đối mặt với việc có 674 triệu USD bị cơ quan tài chính của Ấn Độ đóng băng vì bị cáo buộc chuyển tiền bất hợp pháp cho các tổ chức nước ngoài, tuy nhiên Xiaomi phủ nhận cáo buộc này.