San Bang: Vẽ' màu xanh trên đất
Chẳng còn nhọc sức lo vượt dốc gập ghềnh, đường về San Bang, xã Bản Vược (huyện Bát Xát) hôm nay đẹp hơn, rộng thênh thênh. Trên chiếc xe chạy băng băng giữa núi đồi, tôi ngắm nhìn những triền chuối xanh ngắt, từ tầng cao, vạt nắng nhẹ trải dài khiến cảnh vật thêm phần thanh tĩnh.
Sáng bừng nông thôn mới
Để tìm hiểu về chốn này, tôi đến nhà ông Tẩn A Sầu, Bí thư Chi bộ, người có uy tín ở San Bang. Dù không phải là người sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng ông Sầu đã gắn bó gần nửa đời người ở chốn này, chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của đất và người San Bang.
Từ khoảng sân nhà ông Sầu phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy một phần chòm xóm của người Dao tuyển, với ruộng vườn, nhà ở, cây cối bao quanh. Bằng kho vốn sống của mình, ông Sầu kể: Cái tên San Bang được bắt nguồn bởi sự tích về 3 rừng cấm từng có ở mảnh đất này, theo tiếng địa phương dịch ra thành tên gọi như ngày nay. Cuộc sống của bà con nơi đây gắn bó bao đời với đồi rừng, vậy nên từ thuở xưa, đồng bào Dao tuyển truyền tai nhau về sự tích 3 khu rừng thiêng bất khả xâm phạm. Những mảnh rừng thiêng được bà con trong thôn bảo vệ đã bao bọc, chở che chòm xóm của người Dao tuyển từ đời này qua đời khác. Vậy nhưng cuộc sống nơi đây như một vòng khép kín không lối thoát, khi đói nghèo cứ quẩn quanh, không điện, đường, không trường, trạm.
Nhớ về ngày gian khó từng trải qua, ông Sầu bảo: Năm 1985, tôi lên đây thấy cuộc sống của bà con khổ quá, cứ quẩn quanh với cây lúa, cây sắn mà năng suất kém, cơm không đủ ăn, cả thôn toàn hộ nghèo, đường đi lối lại chỉ toàn lối mòn bằng đất.
Trong trí nhớ của ông, San Bang bắt đầu “cựa” mình kể từ năm 2011, khi ánh sáng nông thôn mới về tới vùng cao này.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào trong thôn nhờ được tuyên truyền, giải thích mà tích cực hiến đất, hiến vườn, góp công làm đường, xây nhà văn hóa. Điện được kéo về thôn, điểm trường được đầu tư kiên cố. Những công trình từng ngày được đắp xây và đưa vào sử dụng đã hiện thực hóa ước mong bấy lâu nay của người Dao tuyển từng một thời ở nơi “thâm sơn cùng cốc”. Năm 2015, xã Bản Vược “về đích” nông thôn mới, trong đó có sự góp sức của bà con San Bang. Chỉ sau đó 1 năm, San Bang xây dựng thành công thôn kiểu mẫu. Thành quả ấy đến nay vẫn được gìn giữ và phát huy cho thấy sự đồng thuận của người dân cao và nỗ lực đến thế nào.
Vẽ màu xanh trên đất
Địa thế San Bang như lòng hẹp giữa đôi bên trập trùng đồi núi, lại có thêm 4 khe suối chính chảy từ San Lùng xuống bao quanh. Nếu biết tận dụng lợi thế ấy, San Bang có thể phát triển, vẽ diện mạo vùng quê giữa màu xanh trù phú, còn nếu không thì cũng không khác gì chốn thâm sơn bị vây kẹp bởi núi rừng. Người San Bang đã chọn cách đầu tiên để kiến thiết, xây dựng vùng quê đổi mới.
Nông thôn mới về khiến diện mạo vùng cao thêm tươi sáng, nhưng vậy thôi là chưa đủ, bởi điều quan trọng là nhận thức và cuộc sống của người dân phải ngày càng nâng cao. Từ những khoảnh đất cằn trồng lúa, ngô, sắn mà quanh năm vẫn đói, người dân đã đưa vào những loại cây trồng mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Theo chân ông Sầu, chúng tôi đến tham quan vạt dứa nhà anh Tẩn Láo Tả đang chuẩn bị đến ngày thu hoạch. Vạt dứa tươi tốt ấy là bao công sức nhọc nhằn và cũng là hy vọng của gia đình anh về một nguồn thu ổn định. Trên khoảnh đất bao năm trồng ngô, sắn mà chẳng thể ấm no, anh Tả dứt khoát bỏ để thử nghiệm trồng dứa từ năm 2015. Gia đình anh hiện có 1 ha dứa. Dù giá cả và thị trường có biến động theo từng mùa vụ, lúc lên lúc xuống, nhưng không thể phủ nhận cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng truyền thống. Lại thêm việc gia đình bắt tay vào trồng quế một vài năm trở lại đây, nên anh Tả hy vọng cuộc sống sẽ ngày càng no ấm. Mục tiêu lớn mà anh đang cố gắng thực hiện là thoát khỏi hộ nghèo trong năm nay, bởi “mình không thể đi lùi khi đồng bào Dao tuyển đang tiến lên từng ngày”.
Biến suy nghĩ thành hành động là cách anh Tả cũng như các hộ trong thôn thực hiện để có cuộc sống ấm no. Điều đó cũng được thể hiện qua hành trình đưa cây chuối mô bén rễ với mảnh đất này. Năm 2019, người dân trong thôn trồng thử nghiệm 6 ha chuối, đến nay, diện tích chuối mô được mở rộng lên 106 ha. Với giá bán tương đối cao, cây trồng này được kỳ vọng giúp người dân làm giàu.
Tới thăm hộ có nguồn thu cao và đổi đời từ cây chuối, chúng tôi gặp chị Tẩn Thị Hà khi chị đang bận rộn làm cỏ, kiểm tra từng buồng chuối trước ngày xuất bán. Khoe với chúng tôi, chị Hà cho hay, 2.500 gốc chuối gia đình trồng năm 2020 tới nay đang cho thu quả. Dịp trước tết Nguyên đán Nhâm Dần, chị thu hơn 40 triệu đồng tiền bán chuối. Qua tết không lâu, đợt bán quả chuối thứ hai mang về cho chị 30 triệu đồng. Trong khi đó, vườn chuối vẫn còn khoảng 2 - 3 đợt thu hái và xuất bán nữa. Ngôi nhà xây kiên cố, khang trang mà vợ chồng chị mới làm phần lớn là từ tiền bán chuối.
Ngoài dứa, chuối, đồi đất San Bang còn được phủ bởi gần 50 ha quế, 20 ha mỡ. Từ đôi tay chăm chỉ và nỗ lực vươn lên, đồng bào nơi đây đã “vẽ” màu xanh trên đất. Màu sắc tươi sáng ấy gieo hy vọng về một San Bang ngày càng yên ấm, an vui. Trong câu chuyện về đổi thay ở vùng đất này, ông Tẩn A Sầu không quên gửi gắm mong mỏi, trong thời gian tới sẽ có sự bắt tay chặt chẽ của nhà nước - nhà nông - nhà khoa học và doanh nghiệp để vùng nông sản của địa phương không còn chấp chới, bấp bênh bởi biến động của thị trường, giá cả. Có như vậy, hoạt động kinh tế cũng như nguồn nội lực của San Bang mới thực sự bền vững.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354004-san-bang-ve-mau-xanh-tren-dat