Sân bay Bạch Mai, chuyện ít biết

Sau năm 1954, sân bay Bạch Mai do quân đội ta quản lý và bộ Quốc phòng đã giao cho quân chủng Phòng không-Không quân quản lý, sử dụng và làm căn cứ đóng quân của cơ quan bộ tư lệnh và các đơn vị khác.

Sân bay Bạch Mai

Sân bay Bạch Mai

Sân bay Bạch Mai được quân đội Pháp khởi công xây dựng từ năm 1931, đến năm 1935 cơ bản hoàn thành. Sân bay rộng 180 héc ta, chủ yếu là đất của thôn Khương Thượng (nay thuộc quận Đống Đa), Khương Trung, một phần của thôn Khương Hạ, Định Công Thượng (nay thuộc quận Hoàng Mai) và Phương Liệt (nay thuộc quận Thanh Xuân) .

Sân bay có đường băng dài gần 2.000m rộng 30m. Số máy bay của quân đội Pháp đỗ ở đây thường xuyên có từ 15 đến 20 chiếc, có lúc đông hơn. Vào thời điểm không có nhiệm vụ cất cánh, máy bay đỗ từng hàng trong sân cỏ. Sân bay Bạch Mai là căn cứ quân sự lớn của thực dân Pháp ở Hà Nội. Nó vừa phục vụ và bảo đảm cho lực lượng không quân làm nhiệm vụ cơ động, tiếp tế vật chất, trinh sát quan sát, yểm trợ cho các đơn vị chiến đấu trên bộ, trực tiếp oanh tạc vào đội hình chiến đấu của quân đội ta và đánh phá các vùng căn cứ, vùng tự do của ta, để trực tiếp bảo vệ các cơ quan đầu não của quân đội viễn chinh Pháp ở Hà Nội.

Nơi đây cũng là sở chỉ huy của lực lượng không quân trên chiến trường Bắc Việt Nam, vì thế sân bay được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Lực lượng trực tiếp bảo vệ gồm 1 đại đội lính Âu Phi, một trung đội lính dù cùng chó Béc-giê, xe bọc thép xe tuần tiễn, ngày đêm canh gác rất nghiêm ngặt. Xung quanh sân bay còn được bao bọc bởi nhiều lớp rào thép gai, hệ thống hào sâu, ao hồ, hệ thống đèn pha và 6 lô cốt thường xuyên có lính canh gác bảo vệ. Dù được canh gác cẩn mật thế nhưng bộ đội ta đã có trận tập kích gây bàng hoàng cho chỉ huy quân đội Pháp và làm thiệt hại đáng kể vũ khí, khí tài của Pháp.

Đúng 24 giờ ngày 17/1/1950 theo kế hoạch hiệp đồng tác chiến, theo mục tiêu được phân công, các chiến sỹ lần lượt leo lên máy bay móc các chai mìn gắn kíp nổ chậm rồi lặng lẽ rút ra ngoài. Mũi đánh kho xăng cũng đặt được mìn vào ba bồn to rồi rút an toàn. Trận tập kích của bộ đội ta đã phá hủy và đốt cháy 25 máy bay, 60 vạn lít xăng, 32 vạn tấn vũ khí và một số trang bị của địch.

Sau năm 1954, sân bay Bạch Mai do quân đội ta quản lý và bộ Quốc phòng đã giao cho quân chủng Phòng không-Không quân quản lý, sử dụng và làm căn cứ đóng quân của cơ quan bộ tư lệnh và các đơn vị khác. Đồng thời cũng giao một phần đất của khu vực bãi sơ tán máy bay cũ làm căn cứ đóng quân của đoàn Quân Nhạc thuộc Bộ tổng tham mưu (sau này thuộc Quân khu Thủ đô).

Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ từ 1964 đến 1973, sân bay là nơi đậu các máy bay trực thăng làm nhiệm vụ chuyên cơ chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi kiểm tra, thăm hỏi nhân dân, các chuyến bay làm nhiệm vụ chống bão lụt, cứu hộ đồng bào ở những nơi lụt bão.

Cuối tháng 12/1972, máy bay B52 Mỹ đã ném bom sân bay nhưng rất may bom rơi xuống hồ Phương Liệt. Sân bay cũng là nơi huấn luyện và tập kết các lực lượng làm nhiệm vụ diễu hành, diễu binh nhân dịp các ngày lễ lớn của dân tộc. Năm 1970, đây là nơi các đơn vị luyện tập chuẩn bị cho duyệt binh “Mừng 25 năm đất nước nở hoa”.

Từ năm 1990, bộ Quốc phòng có chủ trương giải quyết một phần các khu doanh trại cũ cho các hộ gia đình sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng vào ở, thành các khu tập thể gia đình quân đội trong khu vực 2 và 3 của sân bay Bạch Mai. Như vậy, trên khu vực sân bay Bạch Mai xưa đã hình thành một khu vực dân cư đông đúc và sầm uất.

N.N.T

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/san-bay-bach-mai-chuyen-it-biet-a451071.html