Sân bay đông đúc, bến xe nhàn tản
Khác với những năm trước, năm nay được nghỉ Tết dài ngày, người lao động cân đối ngày trở lại thành phố làm việc nên không xảy ra tình trạng quá tải hay kẹt xe
Đông nhất vẫn là tình trạng quá tải ở các sân bay tại các thành phố lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… Áp lực hành khách vẫn tăng cao từ ngày mùng 4 Tết đến nay.
Khó mua vé đến ngày 2-2
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023 từ 20 đến hết 25-1-2023 (29 tháng chạp đến hết mùng 5 Tết) đã điều hành an toàn 13.657 lần chuyến bay cất, hạ cánh tại các bay trong toàn quốc và bay quá cảnh qua các vùng thông báo bay của Việt Nam. Ngày có sản lượng điều hành bay cao nhất là mùng 2 Tết, với tổng số chuyến bay là 2.089 lần chuyến.
Tại 3 sân bay quốc tế lớn là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng đón số chuyến bay cất và hạ cánh nhiều nhất vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết (mùng 5) với 918 lần chuyến tại Tân Sơn Nhất, 537 lần chuyến tại Nội Bài và 246 lần chuyến tại Đà Nẵng. Trong khi đó, mùng 4 Tết, sân bay quốc tế Cam Ranh và Phú Quốc đón số chuyến bay lớn nhất lần lượt là 95 lần chuyến và 97 lần chuyến. Sản lượng các chuyến bay cất và hạ cánh tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục tăng đến hết mùng 8 Tết Quý Mão (29-1) do nhu cầu đi lại của người dân quay trở lại các thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết. Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài cho biết mùng 8 Tết, sản lượng chuyến bay và hành khách qua Cảng HKQT Nội Bài là một trong những ngày cao điểm sau Tết Nguyên đán.
Ngày 29-1, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết khai thác 923 chuyến bay, trong đó có 818 chuyến bay chở khách. Số lượng khách tiếp tục tăng cao với hơn 71.500 lượt khách đến quốc nội và trên 20.000 lượt khách đến quốc tế, trong tổng số trên 140.000 lượt hành khách sân bay sẽ phục vụ trong ngày.
Lượng khách đông nhưng một lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết tình hình khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục ổn định, được cải thiện so với cùng kỳ những năm trước. "Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng chủ trì điều tiết taxi, xe công nghệ, nhà xe TCP bố trí thêm các làn đón khách; lập nhóm xử lý, điều tiết xe... Các đơn vị đều lập kế hoạch phục vụ cao điểm Tết, tăng cường nhân sự, trang thiết bị và quan trọng không kém là rút kinh nghiệm các bất cập cao điểm hè 2022 để ứng phó cho cao điểm Tết Nguyên đán này. Do vậy, cơ bản đã khắc phục hạn chế và điều chỉnh kịp thời" - lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam nhận định.
Bà Nguyễn Thị Hồng (quê Thái Bình) cho biết bà vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào. Hôm nay gia đình bà chính thức kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để trở lại TP HCM làm việc. "Công ty tôi bắt đầu đi làm từ thứ sáu tuần trước nhưng do 2 ngày tiếp theo là ngày nghỉ nên tôi xin nghỉ phép ngày làm việc đầu tiên. Hôm nay mới vào thành phố lại để chuẩn bị đi làm vào ngày mai và cho các con đi học trở lại sau nghỉ Tết" - bà Hồng kể.
Sân bay Đà Nẵng cũng tương tự. Bà Nguyễn Thanh Hằng (ngụ TP HCM) cho biết bà về quê ở Quảng Nam, định mùng 8 Tết (ngày 29-1) bay vào nhưng đặt không được vé. Bà mới mua được 2 vé nhưng phải bay vào đêm 2-2.
Vắng vẻ ở bến xe
Đến chiều 29-1, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại 2 bến xe lớn ở TP HCM cho thấy không khí người dân trở lại TP HCM không "nóng". Các xe chạy từ các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên... sau khi vào bến xe trả khách thì lập tức quay đầu trở về. Trong khi đó, các quầy bán vé đi từ TP HCM thì vắng lặng, đìu hiu.
Khu vực ngồi chờ Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) trong ngày 29-1 hầu như không có khách, ở bãi xe chỉ lác đác xe đưa khách đi vào. Chị Trần Kim Duyên (ngụ quận Bình Thạnh) cùng con trai nhỏ về quê đón Tết ở Đà Nẵng từ ngày 28 tháng chạp. Gia đình chị Duyên đã có kỳ nghỉ Tết trọn vẹn ở quê dù mất 20 giờ để trở lại TP HCM. "Năm ngoái không thể về nên ba mẹ ở quê ngóng trông, Tết năm nay ngày nào cũng sum họp, ấm áp nên trở lại thành phố tôi thật không nỡ" - chị Duyên tỏ ra nuối tiếc.
Khảo sát một số hãng xe về miền Bắc, miền Trung cho thấy nhu cầu người dân di chuyển đi từ TP HCM không cao, còn chiều ngược lại cũng cho thấy không quá sôi động. Theo nhân viên bảo vệ bến xe, khoảng 2-3 ngày nay không quá nhiều xe vào bến, bến xe đã trở lại cảnh vắng bóng như trước.
Tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), không khí người dân trở lại Tết cũng không quá tấp nập. Theo ghi nhận, bến xe đìu hiu khi chỉ chừng vài chục chiếc xe khách đang đậu, số lượng xe đưa khách vào bến cũng không nhiều. Vừa xuống xe chuyến từ Gia Lai, em Nguyễn Thị Minh Trinh (sinh viên) bày tỏ: "Trong ngày nghỉ lễ cuối cùng, không thấy tấp nập như mọi năm, có thể người dân đã trở lại từ những ngày trước".
Ghi nhận trên nhiều tuyến đường huyết mạch của TP HCM như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ cho thấy mật độ phương tiện đang tăng dần, ở cả hai chiều ra - vào thành phố, so với những ngày trước đó. Tại nút giao thông Bình Triệu (Quốc lộ 13 - Phạm Văn Đồng), hướng lưu thông chủ yếu của xe khách, xe máy từ các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên vào TP HCM, dòng phương tiện đổ về TP HCM nhiều, tình trạng lưu thông ổn định.
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết từ ngày 20 đến 28-1, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết, 12 người bị thương.
Nhộn nhịp tại "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương
Tại "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, chiều 29-1 (tức mùng 8 Tết), người lao động từ các tỉnh tập trung về nhiều. Ghi nhận tại khu vực cầu Phú Cường và ngã 5 Phước Kiến thuộc TP Thủ Dầu Một, từng dòng xe máy mang biển số các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên nối nhau với đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe. Chị Thạch Thị Lanh (công nhân Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, nhà máy Mỹ Phước, thị xã Bến Cát) cho biết vợ chồng chị và con trai chạy xe máy từ An Giang lên Bình Dương mất khoảng 7 giờ vừa đi vừa nghỉ ngơi dọc đường.
Có mặt tại phòng trọ vào trưa mùng 8 Tết, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (quê Đồng Tháp, công nhân Công ty TNHH Yushun Việt Nam, KCN Đại Đăng, TP Thủ Dầu Một) với lỉnh kỉnh đồ từ quê mang lên, chị tranh thủ lên sớm hơn để dọn dẹp nhà cửa và nghỉ ngơi cho ngày mùng 9 bắt đầu làm việc trở lại. "Mình đi làm đúng thời gian sẽ được công ty lì xì, nên phải tranh thủ từ Đồng Tháp lên Bình Dương sớm. Năm vừa qua, công ty gặp khó khăn, công nhân chỉ được làm giờ hành chính, thu nhập đủ trang trải cho bản thân, không có tiền gửi cho ba mẹ dưới quê, nên hy vọng năm mới này, công ty sẽ có thật nhiều đơn hàng để anh chị em công nhân được tăng ca, thu nhập cao hơn năm cũ" - chị Ngọc kỳ vọng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/san-bay-dong-duc-ben-xe-nhan-tan-20230129212650138.htm