Sân bay Gia Lâm có thể được khai thác thương mại

Sân bay quân sự lâu đời của Hà Nội sẽ được nghiên cứu khả năng khai thác thương mại, trở thành sân bay bổ trợ cho Nội Bài.

Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ GTVT báo cáo hoàn chỉnh dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điểm khác biệt của báo cáo lần này so với kỳ trước là việc Cục Hàng không nhắc đến khả năng chuyển đổi sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và sân bay Gia Lâm (Hà Nội) sang khai thác lưỡng dụng (cả quân sự và dân dụng). Việc chuyển đổi công năng của các sân bay này sẽ được báo cáo lên Thủ tướng xem xét khi có đủ các điều kiện cần thiết.

 Sân bay Gia Lâm hiện nay chỉ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Ảnh: Trương Hiếu.

Sân bay Gia Lâm hiện nay chỉ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Ảnh: Trương Hiếu.

Sân bay Gia Lâm nằm tại phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội), từng là sân bay dân dụng chính của thủ đô Hà Nội từ trước năm 1975. Đến nay, một loạt trụ sở các cơ quan, đơn vị ngành hàng không vẫn đặt sát sân bay này (như trụ sở Cục Hàng không, Tổng công ty Quản lý bay, trụ sở Vietnam Airlines...).

Khi sân bay quốc tế Nội Bài được thành lập năm 1977, sân bay Gia Lâm chỉ còn phục vụ quân sự và các chuyến bay dịch vụ bằng trực thăng. Năm 2020, Bộ GTVT từng quyết định bãi bỏ quy hoạch tổng thể sân bay Gia Lâm, hướng đến việc sân bay này không còn phục vụ mục đích dân dụng.

Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM) ủng hộ động thái của Cục Hàng không khi mở ra cơ hội cho sân bay Gia Lâm khai thác dân dụng. "Thay vì xây dựng sân bay mới, Nhà nước chỉ phải tốn thêm tiền đầu tư các hạng mục dân dụng", ông Tống chia sẻ.

Vị chuyên gia nhận định sân bay Gia Lâm khi được khai thác dân dụng sẽ bổ trợ cho sân bay Nội Bài, tương tự sân bay Biên Hòa sẽ bổ trợ cho Tân Sơn Nhất.

Trước đó, Cục Hàng không cũng đã thống nhất chuyển đổi 2 sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai) thành sân bay lưỡng dụng.

Nếu như sân bay Biên Hòa được Cục Hàng không cân nhắc nhiều lần do nằm gần kề 2 sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Long Thành thì trường hợp của sân bay Gia Lâm cũng tương tự. Sân bay này sẽ nằm gần Nội Bài và sân bay thứ 2 của Vùng thủ đô (dự kiến đặt ở đông nam Hà Nội).

Cục Hàng không sẽ phải tính toán kỹ các yếu tố như xung đột vùng trời, san sẻ lưu lượng khi thiết lập cụm 3 sân bay ở Vùng thủ đô Hà Nội và Vùng đô thị TP.HCM.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuc-hang-khong-mo-huong-khai-thac-thuong-mai-san-bay-gia-lam-post1400045.html