Săn cá đuối ở miền Tây

Trong khoảng tháng 3 tới tháng 8 hàng năm, dù không được coi là 'mùa' như một vài loại hải sản khác nhưng ngư dân miền Tây Nam bộ ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh… đều bắt được cá đuối, một loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt nhất là cá đuối đen (còn gọi là đuối sao) sau khi được phơi khô thì được gọi là 'hắc cấy' với giá hàng triệu đồng mỗi ký lô, như một món quà mà 'mẹ biển' ban tặng cho ngư dân.

Niềm vui của ngư dân khi bắt được cá đuối.

Niềm vui của ngư dân khi bắt được cá đuối.

Niềm vui trúng cá đuối đen

Có hình dáng đặc trưng và khác với hầu hết các loại hải sản khác, cá đuối có thân hình bẹt và thon tròn như cánh quạt cùng chiếc đuôi khá dài và mảnh. Mặc dù có thân hình khác với những loại thủy sản thông thường nhưng theo những nghiên cứu khoa học mới nhất, chính hình dạng có phần kỳ lạ như vậy giúp cho cá đuối có tốc độ bởi tốt hơn, thậm chí là tốt nhất với những loại cá cùng trọng lượng. Với ngư dân miền Tây Nam bộ hay những vùng biển khác, mặc dù khá quen thuộc nhưng săn cá đuối không hề dễ dàng, thậm chí hầu hết đều ăn may. Ngư dân làm các nghề lưới kéo, lưới đáy, lưới chạy… để đánh bắt thủy sản thông thường và may mắn trong những mẻ lưới này có được cá đuối.

Có mặt ở cảng cá Bình Thắng (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) một sáng cuối tuần là hàng chục ghe tàu của ngư dân đang tất bật ra vào. Anh Nguyễn Văn Vinh, 42 tuổi, một ngư dân ở đây cho biết anh làm nghề đáy chạy đã nhiều năm nay. “Ghe của tôi làm đáy chạy nhưng là ghe đơn. Ngoài tôi thì còn hai người em nữa. Buổi chiều ghe bắt đầu ra khơi, chỉ đánh bắt ven bờ chừng chục hải lý rồi sáng sớm quay về chứ không đi xa. Nghề đáy chạy trước kia rất vất vả nhưng hiện nay có đầu tư thêm máy tời kéo nên cũng đỡ nhiều rồi. Vì nghề đáy nên đánh bắt được rất nhiều loại hải sản khác nhau, trong đó có cả cá đuối. Ở vùng biển này cá đuối cũng nhiều loại lắm, có đuối gai (đuối kim), đuối dơi, đuối nghệ và đuối đen (đuối sao). Trong đó cá đuối đen là loại có giá trị cao nhất. Những con lớn trên 3,5 ký lô có thể bán với giá nửa triệu đồng mỗi ký nên nếu may mắn trúng được vài con đuối là rất vui rồi”, anh Vinh chia sẻ.

Theo ngư dân, cá đuối xuất hiện ở vùng biển Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh… nhiều nhất là từ tháng 3 tới tháng 8 hàng năm. Thời gian này, hầu hết các ghe của ngư dân làm nghề đáy đều đánh bắt được cá đuối. “Cá đuối có thói quen săn mồi ở sát mặt cát dưới đáy biển nên chỉ có nghề đáy mới bắt được chúng. Ở đây ngoài đáy đơn thì ngư dân làm đáy đôi (2 ghe) hay đáy sông cầu (đóng cố định).

Những đêm trăng sáng có lúc ghe tôi trúng 6,7 con cá đuối chứ không ít. Hồi tháng trước có trúng con cá đuối nghệ nặng tới mười tám ký lô đó. Cá đuối thường được thương lái thu mua cũng từ hai tới ba trăm ngàn mỗi ký lô, tùy theo trọng lượng cá. Đây là mức giá cao hơn rất nhiều so với những loại hải sản khác của nghề đáy rồi”, anh Vinh kể thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, ở cảng cá Bình Thắng hay những cảng cá khác miền Tây Nam bộ như Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) hay cảng ở Duyên Hải, Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) thời gian này các ghe đáy thường bắt được nhiều cá đuối. Những con cá đuối trọng lượng từ vài ký lô cho tới cả chục ký, được ngư dân cẩn thận đặt riêng chờ thương lái thu mua. Ngoài cá đối, những hải sản thông thường khác như cá vụn, ghẹ hay ruốc… đều có giá trị thấp hơn nhiều.

Được biết, ngoài nghề đáy các loại, ngư dân còn có thể đánh bắt cá đuối bằng nghề câu kiều (câu vàng) nhưng không hiệu quả bằng. Nghề câu này đòi hỏi nhiều dây câu, lưỡi câu và các vàng câu có khi dài tới vài trăm mét. Thế nhưng lại không dễ dàng câu được cá đuối bởi thói quen săn mồi là cá đuối chỉ cắn những con vật còn sống, bơi lội gần chúng.

Cũng xin nói thêm, nghề đáy chạy hiện nay vẫn còn được nhiều ngư dân ven biển miền Tây Nam bộ duy trì, dù không thịnh hành như vài chục năm trước. Ngư dân thường sử dụng cọc lớn đóng xuống mặt biển tạo thành hàng có tấm lưới và túi lưới, chọn hướng dòng chảy con nước để hải sản đi vào. Nghề đặc trưng này hầu như chỉ tồn tại ở ven biển miền Tây Nam bộ do đặc thù độ sâu thấp, đáy biển bằng phẳng, sóng êm.

Đặc sản cá đuối của ngư dân miền Tây Nam bộ.

Đặc sản cá đuối của ngư dân miền Tây Nam bộ.

Đặc sản hắc cấy danh tiếng

Cách cảng Bình Thắng chừng gần bốn chục cây số, tại cảng cá Ba tri (còn gọi là cảng Bãi Ngao) ở thị trấn Tiệm Tôm (huyện Ba tri, tỉnh Bến Tre), hàng chục ghe tàu của ngư dân cũng vừa cập bến. Trong rất nhiều loại hải sản được vận chuyển lên bờ, cá đuối được đưa lên đầu tiên vì giá trị kinh tế cao nhất.

Chị Nguyễn Hoàng Anh, 52 tuổi, một thương lái nhiều năm thu mua hải sản ở đây cho biết thời gian này cá đuối về nhiều, ngày nào chị cũng mua được vài chục ký. “Tôi gom cá đuối rồi gửi lên cho bạn hàng ở chợ Bình Điền (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) là chủ yếu. Riêng cá đuối đen thì mình giữ lại làm khô đuối, hoặc ai cần hàng tươi thì mới gửi lên. Bởi cá đuối đen giờ đang mùa nhưng vẫn mắc. Giá của cá đuôi đen chừng hơn ba ký là gần năm trăm ngàn mỗi ký. Loại nhỏ hơn thì giảm đi chút đỉnh. Cá đuối đen ngon lắm, đặc biệt là làm khô thì hết sảy”, chị Hoàng Anh tươi cười kể thêm.

Vừa vận chuyển, nghe điện thoại của bạn ghe, vừa lật lật những con cá đuối có cái đuôi dài như sợi dây, vừa nhìn màu sắc và phần gai phía đuôi để phân loại cá, chị Hoàng Anh vừa bấm máy tính tiền. Do từng loại cá đuối có giá thành chênh lệch nhiều nên việc định giá cũng có chênh lệch lớn. Những con kích cỡ nhỏ, bị bầm dập hay thậm chí rách da, mất đuôi sẽ có giá thấp nhất. Những con lớn hơn, màu sắc đẹp thường giá cao hơn. Ở đây hầu hết hải sản sẽ được ngư dân và thương lái mua bán theo ký hoặc theo dạ (rổ lớn) nhưng riêng cá đuối thì được mua theo con, xem xét rất cẩn thận. Sau hơn nửa giờ đồng hồ, chị Hoàng Anh đã mua được hơn hai chục con cá đuối xếp trong mấy chiếc rổ nhựa màu xanh lớn, chuẩn bị đưa lên xe tải nhỏ. Hầu hết hải sản của chị vài giờ nữa sẽ được một chành xe đông lạnh từ Ba Tri chạy tuyến Bình Điền đem đi, rồi đầu giờ chiều là tới TP Hồ Chí Minh để giao cho bạn hàng. Riêng cá đuối đen chị giữ lại để sơ chế, làm đặc sản hắc cấy.

“Các loại cá đuối bên này khi làm khô thì vẫn gọi là cá đuối. Nhưng khô cá đuối thông thường khó ăn vì hơi có mùi khai nhẹ, phải người ăn quen mới ăn được. Riêng cá đuối đen làm khô là gọi là hắc cấy thì thơm ngon thôi rồi. Bởi lát thịt khô cá đen tuyền óng ánh rất đẹp. Khi còn tươi, nhìn phía thân trên của cá chỉ hơi thấy màu đen thôi. Nhưng nhìn kỹ thì có thêm những ngôi sao màu sáng nhỏ lấm chấm. Một số nơi khác người ta còn gọi là đuối sao nữa. Khô hắc cấy rất dễ làm. Chỉ cần rửa sạch rồi lấy dao sắc khứa trên thân của chúng rồi đem phơi. Mùa nắng nóng như hiện nay, chỉ đúng ba nắng là có hắc cấy đạt chuẩn. Vì hắc cấy ăn rất ngon nên người ta làm khô chứ thịt cá đuối đen tươi cũng rất ngon nữa, có thể làm rất nhiều món”, chị Hoàng Anh chia sẻ thêm.

Với những ghe thuyền và ngư dân miền Tây Nam bộ, các chuyến biển thường cập bến buổi sáng và thành quản của họ thường được phân loại sẵn, bỏ trong những rổ nhựa. Mùa này ngư dân bắt đầu kéo được ruốc, hải sản đặc trưng ở đây. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của ngư dân lại là những con cá đuối to dẹt bè bè có giá trị hàng triệu đồng, như là món quà thiên nhiên bao năm nay biển cả trao tặng.

Với ngư dân miền Tây Nam bộ hay những vùng biển khác, mặc dù khá quen thuộc nhưng săn cá đuối không hề dễ dàng, thậm chí hầu hết đều ăn may. Ngư dân làm các nghề lưới kéo, lưới đáy, lưới chạy… để đánh bắt thủy sản thông thường và may mắn trong những mẻ lưới này có được cá đuối.

Cá đuối có thói quen săn mồi ở sát mặt cát dưới đáy biển nên chỉ có nghề đáy mới bắt được chúng. Ở đây ngoài đáy đơn thì ngư dân làm đáy đôi (2 ghe) hay đáy sông cầu (đóng cố định). Những đêm trăng sáng có lúc ghe tôi trúng 6,7 con cá đuối chứ không ít.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/san-ca-duoi-o-mien-tay-10302561.html