'Săn' chim trên đỉnh Langbiang

Cuối năm, Tây Nguyên vào mùa hoan tiệc của các loài chim. Những 'tay máy' khắp nơi đổ lên Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (Lâm Đồng) tìm 'vận may'. Đó là những tấm hình ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất về các loại chim đặc hữu quý hiếm đang cư ngụ ở vùng đất này.

Kỳ thú ngắm chim quý

Trên cao nguyên Langbiang, khi những cơn mưa cuối cùng trút xuống rũ bỏ đi khối mây u đục ngự trị tầng không, bầu trời trong xanh, nắng vàng rải khắp các cánh rừng mới thực sự là thời điểm các loài chim đua nhau khoe giọng hót để khẳng định sự hiện diện, làm chủ một khu vực lãnh thổ và thu hút sự chú ý của bạn đời. Đó cũng chính là thời điểm thích hợp nhất để các “tay máy” từ khắp nơi đổ lên Khu dự trữ sinh quyển Langbiang săn tìm những tấm hình ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất về cuộc sống của các loài chim quý hiếm, đặc hữu, cư ngụ ở cao nguyên này.

Để có được những tấm hình về chim quý, anh Trần Nhật Tiên đã rong ruổi khắp các cánh rừng già.

Để có được những tấm hình về chim quý, anh Trần Nhật Tiên đã rong ruổi khắp các cánh rừng già.

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà với tổng diện tích hơn 70.000 ha, nơi lý tưởng để các loài chim quý hiếm sinh sống. Tại đây, có 3 vùng chim quan trọng tầm quốc gia là khu Cổng Trời, Bidoup và Langbiang với 301 loài chim, có tới 5 loài đặc hữu của Việt Nam (Việt Nam có 13 loài chim đặc hữu, nhiều nhất khu vực Đông Nam Á), chỉ có ở cao nguyên Langbiang. Đây cũng là vùng nhiều năm qua đang thu hút nhiều “tay máy” từ khắp nơi đổ về đây “ăn dầm, ở dề” nhiều ngày với mong muốn nhìn thấy, lắng nghe các loài chim quý hiếm cất tiếng hót và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất.

Anh Nguyễn Minh Dũng dù ở TP Hồ Chí Minh nhưng thường xuyên lên Lâm Đồng rong ruổi trong các khu rừng già nguyên sinh ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà để tìm hiểu về các loại chim quý. Dũng cho biết, “săn” ảnh chim quý là đam mê từ lâu. Hơn chục năm qua, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng mỗi dịp có điều kiện, anh lại bắt xe lên Đà Lạt, tìm tới Khu dự trữ sinh quyển Langbiang để thỏa mãn đam mê. Hàng nghìn tấm hình về khoảnh khắc của các loài chim đã được Nguyễn Minh Dũng ghi lại. Anh cẩn thận lưu vào USB và tạo các tài khoản để lưu trữ trên Google Drive. Hơn 10 năm “lang thang” khắp các cánh rừng để thỏa niềm đam mê ngắm nhìn, lắng nghe chim quý đắm mình trong thiên nhiên hùng vĩ cất cao giọng hót, chỉ cần nghe qua giọng hót là anh Dũng nhận ngay ra đó là chim gì, thường phân bố ở đâu, làm tổ vào thời điểm nào trong năm.

Chim bắp chuối (thuộc họ hút mật) được anh Trần Nhật Tiên chụp ở Khu dự trữ sinh quyển Langbiang.

Chim bắp chuối (thuộc họ hút mật) được anh Trần Nhật Tiên chụp ở Khu dự trữ sinh quyển Langbiang.

Anh Dũng cho biết: “Nếu muốn đi nghe chim hót và ghi lại những khoảnh khắc đẹp về nó, nên tránh đi vào mùa chim kết đôi, sinh sản (thường là tháng 4 tới tháng 10 hằng năm). Đây là thời điểm các loài chim thường ít hót và có hót cũng không hay. Về hình thức bề ngoài (lông chim) thì thường xấu hơn do hầu hết các loại chim vào mùa sinh sản đều bận kiếm mồi, nuôi con, không có thời gian rảnh để trau chuốt bản thân và bộc lộ tố chất tốt nhất về giọng hót...”. Theo anh Dũng, các loài chim ở Tây Nguyên thường đẹp và hót hay nhất vào mùa khô, từ tháng 1 tới tháng 4 hằng năm, nhất là khoảng một tháng trước thời điểm chim kết đôi để vào mùa sinh sản.

Trước ngày lên đường vào rừng “săn” chim, Nguyễn Minh Dũng thường kiểm tra rất kỹ những dụng cụ cần thiết để đảm bảo cho một chuyến đi gặt hái được nhiều thành quả, dĩ nhiên không thể thiếu chiếc máy ảnh “khủng” với đủ loại ống kính trị giá hàng trăm triệu đồng. Hành trình đi “săn” chim của những người cùng đam mê như Nguyễn Minh Dũng quả là gian nan. Nếu không có sức khỏe để leo rừng và đam mê, rất khó có đủ kiên trì để vượt qua những thách thức suốt hành trình dài. Cách duy nhất để đi “săn” chim là lặng lẽ đi bộ len lỏi trong các cánh rừng già và căng hết các giác quan để lắng nghe, quan sát. Kinh nghiệm của các “tay máy” và sự may mắn cũng là những điều kiện quan trọng góp phần vào sự thành công hay thất bại của một chuyến đi “săn” chim trong rừng già nguyên sinh ở cao nguyên Langbiang.

Theo anh Dũng, các loài chim thường hót hay nhất khi bình minh. Khi đó, sau một tối nghỉ ngơi, không vướng bận chuyện kiếm mồi, nuôi con, tâm trạng của các loài chim khi thức giấc đều rất phấn chấn, con nào cũng cố gắng hót thật hay, thật to để khẳng định sự hiện diện của nó trong vùng, nhất là để chứng minh năng lực của con đầu đàn hoặc với bạn đời (chim mái), nếu đó là loài chim sống theo cặp. Do vậy, các “tay máy” thường phải dậy từ rất sớm để di chuyển vào rừng, tìm tới những vị trí đã xác định từ trước cho kịp thời gian các loài chim bước vào giờ cất cao giọng hót.

Anh Trần Nhật Tiên với những đồ nghề đi “săn” chim.

Anh Trần Nhật Tiên với những đồ nghề đi “săn” chim.

Gian nan hành trình ngắm chim quý

Hơn 4 giờ sáng, rẽ màn sương đặc lạnh buốt, chúng tôi di chuyển từ TP Đà Lạt vào khu vực Cổng Trời, huyện Lạc Dương bằng xe máy. Đích hướng tới lần này của các “tay máy” chuyên săn ảnh chim quý là loài khướu đầu đen má xám, một loại chim thuộc họ họa mi, cũng là loài đặc hữu của Việt Nam. Cổng Trời là vùng rừng nguyên sinh, lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng đầu nguồn Đa Nhim quản lý, nơi giáp ranh Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ở đây, rừng thông lá kim xen lẫn với rừng hỗ giao, là nơi rất thích hợp cho các loài chim sinh sống. Khi lối mòn thăm thẳm trong rừng già dần khép lại cũng là lúc những chiếc xe máy dù cố gắng tới mấy cũng không thể nhúc nhích thêm được nữa. Chúng tôi phải tấp xe vào các bụi cây gần đó, tiếp tục cuộc hành trình đi bộ xuyên rừng bằng cách vượt qua các quả núi chằng chịt từng lớp cây rừng.

Đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc “săn” chim, Trần Nhật Tiên, nhân viên hướng dẫn giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tỏ ra rất thật trọng. Cứ đi được vài chục mét, Tiên lại đứng bất động, tập trung cao độ lắng nghe những âm thanh văng vẳng của các loài động vật đồng thanh gần xa vọng lại. Trong những tạp âm giữa rừng già trong buổi sáng tinh sương, Trần Nhật Tiên cố gắng chắt lọc, tìm ra giọng hót của một loài chim quý hiếm, đặc hữu, đó là khướu đầu đen má xám. Anh cho biết, mặc dù xác định được khu vực loài chim này sinh sống nhưng rất hiếm khi nhìn thấy và nghe được giọng hót của chúng.

Thực tế, phần lớn các chuyến đi ngắm chim quý hiếm ở Khu dự trữ sinh quyển Langbiang của những người có đam mê này phải về tay không. Trong tiếng thở hổn hển vì leo núi, anh Tiên ngoái đầu lại nói: “Tôi mất 2 năm ròng mới chụp được con khướu đầu đen má xám cách đây một tháng. Cũng có người may mắn nhìn thấy chúng và nghe được giọng hót của loài chim này sau chỉ vài ngày tìm kiếm trong rừng. Tất cả nhờ vào sự ngẫu nhiên và may mắn”. Lời động viên của anh Tiên như tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục leo rừng với kỳ vọng sẽ có được điều may mắn trong hành trình “săn” chim.

Rừng già hàng ngàn tiếng chim vẫn ríu rít nhưng tiếng hót của các loài đặc hữu như khướu đầu đen má xám, sẻ thông họng vàng, mi Langbiang... thì vẫn bặt âm tín. Trong lúc gần như hi vọng bắt gặp các loài chim quý, đặc hữu gần như đã khép lại, Trần Nhật Tiên bất ngờ ra hiệu cho mọi người im lặng. “Đó!... đó!... Anh nghe thấy không, có tiếng hót lanh lảnh của một con khướu đầu đen má xám đằng xa!...”, anh Tiên khấp khởi nói. Vừa dứt lời, cả nhóm vội bỏ đồ nghề, nhẹ nhàng cầm chiếc máy ảnh có ống kính tiêu cự 200-500mm sẵn sàng “bắn” liên thanh để bắt những khoảnh khắc quý giá. Trần Nhật Tiên hướng dẫn cho mọi người trong nhóm cách di chuyển thật nhẹ nhàng dưới các lùm cây, không được phát ra tiếng động mạnh.

Khướu đầu đen má xám được anh Trần Nhật Tiên chụp ở Khu dự trữ sinh quyển Langbiang.

Khướu đầu đen má xám được anh Trần Nhật Tiên chụp ở Khu dự trữ sinh quyển Langbiang.

Trong rừng rậm nguyên sinh, để chụp được những tấm hình về khướu đầu đen má xám không phải là dễ khi loài chim này thường xuyên di chuyển, nhảy nhót trên cây và luôn bị che khuất bởi các lá cây rừng. Cách duy nhất của những người đi “săn” chim là ẩn mình di chuyển dưới các lùm cây, tiến sát lại vị trí đôi chim đang nhảy nhót, tắm nắng, trau chuốt lại bộ lông sau một đêm nghỉ ngơi. Lần đầu tiên, chúng tôi được tận mắt chứng kiến khướu đầu đen má xám ở cự li rất gần, chưa tới 10m. Đó là loài chim chỉ bằng cổ tay người lớn, đầu có lông màu đen má màu xám. Toàn bộ phần cổ, ngực, bụng và một phần cánh, đuôi có lông màu vàng. Các “tay máy” đua nhau trổ tài, ai cũng cố gắng lưu giữ được những khoảnh khắc đẹp nhất về đôi khướu đặc hữu chỉ có trên vùng rừng núi với độ cao hơn 1.500m này.

Anh Trần Nhật Tiên cho biết, riêng tại khu vực Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà hiện nay có đến 127 loài chim có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Sách đỏ thế giới IUCN 2012. Ở mức độ loài cực kì nguy cấp (CR) và nguy cấp (EN) có 5 loài là khướu hông đỏ, khướu đầu đen, gà lôi vằn, sẻ thông họng vàng và trèo cây mỏ vàng. Về loài đặc hữu, có 5 loài đặc hữu của cao nguyên Langbiang là sẻ thông họng vàng, mi Langbian, khướu hông đỏ, khướu mỏ quặp Đà Lạt và khướu đầu đen má xám. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giới xem chim có thể bắt đầu từ khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên lên TP Đà Lạt, băng qua Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Tuy nhiên, các loài chim đặc hữu của khu vực này đang phải đối mặt với không gian sống và vùng phân bố ngày càng bị thu hẹp bởi nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cùng các hoạt động săn bắn của con người. Nhiều loài chim quý hiếm vẫn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

“Cao nguyên Langbiang có những loài chim bản địa, loài hiếm và rất hiếm. Đặc điểm thành phần và cấu trúc khu hệ chim có khá nhiều điểm khác biệt so với những khu hệ chim rừng ở vùng đồng bằng, bình nguyên, vùng chân núi khác của Việt Nam. Langbiang đang trở thành nơi tìm đến nghiên cứu, khám phá của các nhà điểu học và người đam mê ngắm chim ngoài tự nhiên”, anh Trần Nhật Tiên cho biết.

Khắc Lịch

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/san-chim-tren-dinh-langbiang-i640431/