Sân chơi cho trẻ em: Đừng đánh mất sự hồn nhiên
Sân chơi cho các cuộc thi của trẻ em trên truyền hình ít nhiều mang đến sự thú vị, nhưng Rap Kids lại bị nhiều khán giả, phụ huynh phản ứng
Bất chấp tranh cãi, ê-kíp sản xuất chương trình Rap Kids đã hoàn thành vòng tuyển sinh (kết thúc vào ngày 22-11) và khẳng định "chương trình sẽ lên sóng một kênh truyền hình vào tháng 12 này". Khác hoàn toàn với độ "hot" của Rap Việt và King of Rap, Rap Kids bị khán giả phản ứng, thậm chí đòi tẩy chay vì "không hợp độ tuổi".
Lụi tàn vì sự vô tâm của người lớn
Thành công của 2 chương trình King of Rap và Rap Việt thời gian qua đưa hip hop đến gần hơn với khán giả. Công chúng đón nhận các bản nhạc rap, thậm chí yêu thích và đưa chúng lên top thịnh hành. Nhà sản xuất tin rằng đây chính là nấc thang để tiếp tục đưa Rap Kids đi đến thành công.
Đây là công thức chung được các nhà sản xuất chương trình truyền hình, game show áp dụng từ nhiều năm nay và có thành công đáng kể. Thậm chí, có thời điểm, khán giả truyền hình chứng kiến sự bùng nổ của các game show và chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy hoang mang khi nhan nhản khắp các kênh đều có chương trình "nhí" ở mọi lĩnh vực được phát sóng. Từ "Giọng hát Việt nhí", "Thần tượng âm nhạc nhí", "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Thử tài siêu nhí"... Các chương trình có đầy đủ các yếu tố gay cấn như một sân chơi dành cho thí sinh trưởng thành từ sự giải trí đến cuộc chiến "sống còn" về chuyên môn để giành chiến thắng cuối cùng.
Những ngày này, chương trình quen thuộc với khán giả truyền hình "Giọng hát Việt nhí" đang bắt đầu tuyển sinh cho mùa mới. Sau nhiều mùa giải, sân chơi này đã có công phát hiện nhiều tài năng nhí như Hồng Minh (quán quân thứ 3 của "Giọng hát Việt nhí") sau khi đăng quang đã quay lại trường học để tiếp tục việc trau dồi khả năng thanh nhạc, nuôi giữ đam mê trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, các chương trình như "Thần tượng âm nhạc nhí" hay "Gương mặt thân quen nhí" cũng phần nào có ích trong việc tìm kiếm những tài năng nhí. Ở nhiều thị trường giải trí tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Philippines, nhiều giọng ca nhí được tuyển chọn và đào tạo từ thuở còn thơ. Sau nhiều năm huấn luyện bài bản, các bé sẽ chính thức bước chân vào làng giải trí khi đủ chín muồi. Những trường hợp này ở bất cứ lĩnh vực nào từ ca hát, diễn hài, nhảy múa đến người mẫu, MC - với nền tảng chuyên môn vững vàng cùng với chiến lược phát triển bài bản, thường có sự nghiệp nổi bật ngay khi được nhà đầu tư tung vào thị trường giải trí.
Thế nhưng, thị trường giải trí Việt hoàn toàn ngược lại. Cuộc thi thường chỉ gói gọn trong phạm vi một chương trình truyền hình giải trí. Đích đến của nhà sản xuất là lợi nhuận còn tài năng nhí chỉ là một "cần câu cơm". Sinh ra để tỏa sáng và nhanh chóng lụi tàn vì sự vô tâm của người lớn là hiện thực đáng báo động ở chương trình truyền hình "nhí" hiện nay.
Lợi bất cập hại
Khi quá ngán ngẩm với những cuộc chiến đầy chiêu trò, những màu sắc kịch tính gây chú ý, đấu đá gay gắt giữa các thí sinh người lớn thì những sân chơi nhí rõ ràng là một món ăn tinh thần đủ sức giữ chân khán giả bởi sự trong sáng, ngây thơ của chính người chơi. Thế nhưng, không phải chương trình nào gắn chữ "nhí" vào cũng được chấp nhận. Rap Kids là một minh chứng cụ thể, dù cuộc thi dành cho các bé từ 5 đến 15 tuổi có năng khiếu đối với nhạc rap, thu hút hơn 1.000 hồ sơ đăng ký.
Giúp một thể loại âm nhạc không mấy phổ biến đến gần với khán giả hơn là thành công của ban tổ chức. Nhưng với những gì đã được thưởng thức từ 2 chương trình King of Rap và Rap Việt, phần nhiều những bản rap khán giả được nghe đề cập sự trải đời khi đối mặt với những góc khuất tối tăm của cuộc sống. Đây cũng là đặc trưng của thể loại âm nhạc này khi xuất xứ của rap/hip hop bắt nguồn từ đường phố, nơi những đời sống cá nhân chất chứa nhiều u ám… muốn dùng âm nhạc để bày tỏ quan điểm riêng một cách thẳng thắn, gai góc về nhiều vấn đề trong cuộc sống, tình yêu, thực trạng xã hội… Vì vậy, ngay khi Rap Kids ra đời, công chúng thắc mắc "Những rapper kids sẽ mang đến điều gì?". "Suy nghĩ của trẻ em vẫn chưa đủ để có thể nhìn nhận kỹ càng và thấu hiểu hết các vấn đề. Nếu có thì đó chỉ là trẻ em được xem và nghe trên mạng nên bắt chước. Nếu các bạn thấy rap đang nổi mà tổ chức một chương trình cho trẻ em là hoàn toàn sai. Nó không chỉ làm thay đổi suy nghĩ đơn giản, hồn nhiên của trẻ mà có thể khiến trẻ lầm tưởng về đam mê của bản thân và có cái nhìn không đúng về rap" - nhiều khán giả bày tỏ sự lo ngại.
Chưa kể, lo lắng này của nhiều khán giả hoàn toàn có cơ sở bởi rap vốn gắn liền với hình ảnh gai góc, khá ngông nghênh, ngôn từ phóng khoáng, thậm chí dung tục, bạo lực. Trong buổi tuyển sinh đầu tiên của Rap Kids, một thí sinh đã thể hiện ca khúc "Anh em tao". Ngay từ tiêu đề, bài rap đã bị đánh giá là không phù hợp với trẻ em. Trước phản ứng gay gắt từ dân mạng, phía đại diện "Rap Kids" phản biện: "Những câu chuyện đời thường, tình cảm về gia đình, những suy nghĩ ngô nghê của trẻ em về cuộc sống theo một hướng tích cực và làm đẹp cho đời chứ không phải theo cách những người tiêu cực suy nghĩ. Trẻ em cũng có quyền được nói, được viết, được ca hát. Do đó, chúng tôi muốn thông qua chương trình Rap Kids định hướng cho các em theo một hướng đi phù hợp hơn và tạo ra những ca khúc thực sự thuộc tuổi của các em". Dù vậy, điều này không đủ thuyết phục khán giả.