Sân chơi của những 'nhà khoa học' trẻ Gia Lai
Được tổ chức thường niên, cuộc thi khoa học kỹ thuật đã trở thành sân chơi trí tuệ của học sinh trung học trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Không chỉ giúp các em phát huy tính sáng tạo, phát triển năng lực nghiên cứu, cuộc thi còn góp phần truyền lửa đam mê cho những 'nhà khoa học' trẻ.
Sau hơn 2 ngày tranh tài sôi nổi, Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học toàn tỉnh lần thứ VII (năm học 2020-2021) đã khép lại với nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Cuộc thi năm nay thu hút đông đảo giáo viên và học sinh thuộc 47 trường trung học trên địa bàn tỉnh tham gia với 100 dự án ở 16 lĩnh vực. Theo đó, có 26 dự án bậc THCS với 51 học sinh và 26 giáo viên hướng dẫn; 74 dự án bậc THPT với 143 học sinh và 73 giáo viên hướng dẫn cùng các nhà khoa học chuyên ngành.
Chinh phục đam mê
Mang đến cuộc thi Dự án “Hệ thống cảnh báo hỏa hoạn tối ưu” thuộc lĩnh vực “Phần mềm hệ thống”, 2 em Nguyễn Đình Tú và Trần Văn Vũ (Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang) mong muốn có thể góp phần nhỏ của mình cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tú chia sẻ: Không ít vụ hỏa hoạn ập đến bất ngờ, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay như: cảm biến lửa, khói, nhiệt độ, cảm biến đám cháy bằng vệ tinh... vẫn còn bộc lộ nhược điểm. Vì thế, chúng em muốn tìm ra một sản phẩm ưu việt hơn để có thể phát hiện và chữa cháy kịp thời, kể cả những đám cháy nhỏ. Qua 5 tháng nghiên cứu, thực nghiệm dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, chúng em đã hoàn thành dự án. Đây là một ứng dụng có khả năng cảnh báo bằng chuông và gửi tin nhắn cảnh báo qua SMS, email đến lực lượng chức năng và người có liên quan khi xảy ra hỏa hoạn.
Sự sáng tạo và tính ứng dụng cao đã giúp dự án của Tú và Vũ xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi năm nay. “Chúng em khá bất ngờ với kết quả này vì nó nằm ngoài sự mong đợi. Hy vọng sau cuộc thi, chúng em có nhiều điều kiện hơn để phát triển dự án, qua đó ứng dụng vào thực tế phòng cháy, chữa cháy ở địa phương”-Vũ phấn khởi nói.
Là người hướng dẫn Tú và Vũ trong quá trình thực hiện dự án trên, thầy Đồng Ánh Dương cho hay: Khi học sinh đề xuất ý tưởng về dự án, tôi nhận thấy đề tài này khá hay và thiết thực nên sẵn sàng hỗ trợ các em. Trong quá trình triển khai thực hiện, thầy trò cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, các em đã đạt được thành công tại cuộc thi. Sản phẩm nghiên cứu này hoàn toàn mới, chưa xuất hiện trên thị trường. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thông qua cuộc thi có thể lan tỏa ứng dụng đến cộng đồng. Ngoài dự án này, nhà trường còn có Dự án “Hệ thống kiểm soát an toàn giao thông thông minh” đạt giải tư thuộc lĩnh vực “Hệ thống nhúng”.
Ngoài giải nhất tại cuộc thi, Dự án “Nghiên cứu và chế tạo hệ thống truyền năng lượng không dây được tăng cường hiệu suất bởi vật liệu biến hóa có độ từ thẩm âm” thuộc lĩnh vực “Năng lượng vật lý” của nhóm tác giả Đào Lê Anh Quân và Nguyễn Hoa Như Ngọc (Trường THPT chuyên Hùng Vương) còn xuất sắc giành được 1 trong 2 tấm vé “vàng” để đại diện cho tỉnh tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tổ chức tại TP. Huế vào tháng 3-2021.
Hiện nay, các hệ thống truyền năng lượng đều phải phụ thuộc vào dây dẫn, khá bất tiện và không phù hợp với mục tiêu kết nối đa phương tiện. Vì thế, Quân và Ngọc đã có ý tưởng chế tạo hệ thống truyền năng lượng không dây nhằm tăng cường hiệu suất, mở rộng khoảng cách và có thể ứng dụng rộng rãi trên thị trường. Chẳng hạn như: hệ thống sạc không dây dành cho xe ô tô điện, điện thoại thông minh; hệ thống nhà thông minh, điện chiếu sáng hay kết nối điện cho những thiết bị y-sinh học gắn trong người...
“Chúng em cảm thấy may mắn khi dự án của mình đạt được giải cao vì năm nay có khá nhiều đề tài hay. Sau cuộc thi này, chúng em sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển đề tài, cố gắng đạt được vị trí cao trong cuộc thi cấp quốc gia sắp tới”-Quân quyết tâm.
Nhiều dự án có chất lượng
Là thành viên Ban giám khảo, TS. Trần Nhật Tân-Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng (Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) cho biết: Đây là lần đầu tiên nhà trường đồng hành cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai trong công tác tổ chức, chấm thi cũng như hỗ trợ trao thưởng cho các em. Chất lượng các dự án tham gia dự thi khá tốt, có sự đầu tư và chuẩn bị công phu. Các em đã biết cách làm thế nào để triển khai một dự án nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết các bài toán có tính thực tế trong cuộc sống và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Nhiều dự án thật sự xuất sắc với hàm lượng khoa học cao như nghiên cứu để điều trị bệnh ung thư, dự đoán bệnh ở heo, cách chữa trị, phòng cháy-chữa cháy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa...
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định, đây là năm thứ 7 tỉnh ta tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học. Các dự án dự thi năm nay có sự đồng đều giữa các lĩnh vực. Ngoài những đề tài thể hiện tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc thi còn nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực môi trường, tâm sinh lý hay vấn đề mang tính thời sự địa phương. Thêm vào đó, nhiều học sinh còn biết khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc hay tiềm năng du lịch ở địa phương để nghiên cứu.
Kết thúc cuộc thi, có 50/100 dự án đã được trao giải với 5 giải nhất, 9 giải nhì, 16 giải ba và 20 giải tư. Ban tổ chức cũng đã lựa chọn ra 2 dự án xuất sắc nhất để cử tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020-2021 gồm: “Nghiên cứu và chế tạo hệ thống truyền năng lượng không dây được tăng cường hiệu suất bởi vật liệu biến hóa có độ từ thẩm âm” của 2 em Đào Lê Anh Quân và Nguyễn Hoa Như Ngọc; “Nghiên cứu hiệu quả ức chế hướng đích tế bào gốc ung thư từ phức hệ Nanopiperine-Kháng thể đơn dòng (PMC)” của nhóm tác giả Lê Nhật Minh và Trần Thị Minh Anh (đều thuộc Trường THPT chuyên Hùng Vương).