Sân chơi giải trí: Âm thầm đóng cửa, vì sao?Cung mạnh hơn câùTưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa

Ở Phan Thiết nói đến sân chơi giải trí lành mạnh hiện nay không thiếu. Hết sân chơi này 'đóng cửa', sẽ có sân chơi khác mở ra. Thế nhưng, nói đến Phan Thiết nếu kinh doanh loại hình nghệ thuật để mong có lợi nhuận là một bước đi cực kỳ mong manh. Hầu hết lâm vào cảnh thưa vắng và thậm chí 'âm thầm đóng cửa'…

Sân chơi giải trí

Những người đam mê loại hình cà phê giải trí như phòng trà, cà phê hát với nhau, hay khiêu vũ hẳn sẽ còn nhớ những cái tên rất “đình đám” một thời như T.X, G.Đ và L.K… Nhưng hiện tại, T.X với quá khứ một thời thu hút nhiều ngôi sao ca nhạc về biểu diễn, giờ chỉ là ký ức. Theo sau đó là G.Đ và L.K cũng tắt đèn, sau một thời gian dài nương theo chiều gió, vì những khó khăn nhất định.

Một nguyên nhân khách quan dễ thấy nhất chính là sự ra đời của hàng loạt nhạc quán, cà phê hát với nhau, kiểu phòng lạnh, sân vườn. Nhiều quán ra đời để kéo khách đã phải dùng rất nhiều chiêu thức: hạ giá nước uống, thông qua MC để mời chào... Thống kê chưa đầy đủ hiện tại nội thành Phan Thiết có hơn chục quán cà phê hát với nhau, chưa kể sân chơi khiêu vũ. Nhiều người nghĩ rằng có cung ắt có cầu, nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết thực sự. Hôm nay quán này vừa khai trương, ngày sau có thêm quán khác mở cửa. Nhưng cùng với đó, hàng loạt quán cũng đóng cửa vì vỡ nợ hoặc mở cửa nhưng vắng vẻ khó cầm cự được.

Trước cũng từng có một doanh nghiệp có tiếng đầu tư một sân khấu hát với nhau hoành tráng, trên khu đất vàng, nhưng cũng chỉ sống được 3 tháng!? Vì sao? Không phải vì họ không có thực lực để đầu tư, nhưng vấn đề chính ở chỗ nhu cầu thưởng thức hiện nay đã không còn, hoặc rất ít khi người người muốn trở thành ca sĩ, người người thay vì lắng nghe, thì họ muốn hát và thể hiện mình. Ông bà xưa có câu “trăm người bán, vạn người mua” có thể đúng trong môi trường nào đó, nhưng đối với loại hình giải trí này hoàn toàn khác. Nên cứ dạo một vòng hàng đêm ở các quán, sẽ hiểu được mô hình này đang tự “giết mình”. Có đêm, vỏn vẹn vài khách, có quán đông hơn chút nhưng cũng chỉ những con người đó, đi qua đi lại. Vì niềm vui của họ, nhưng người đầu tư thì chết ngất với các chi phí MC, nhạc công, nhân viên, điện nước. “Chị biết mở ra khổ thế này chắc không mở, giờ mới biết cực, để cắt giảm chi phí chị phải vừa phục vụ, người nhà phải phụ chạy bàn, may mà không tốn tiền thuê mướn mặt bằng”- một chủ quán vừa chia sẻ.

Như đã đề cập, nhiều quán đóng cửa vì ế ẩm, nhiều quán buộc phải dừng lại vì lý do nào đó khó có thể kể hết. Một bài toán đơn giản tiền phụ thu ở những mô hình này trung bình 15.000 đồng/ khách/ly. Có quán đầu tư nhiều hơn sẽ 20.000 đồng. Những tưởng sẽ cao nhưng xét về kinh tế là sự thất bại. Một đêm cho dù khán phòng 40 khách, tiền phụ thu không đủ trả cho nhạc công và nhân viên. Đó là chưa khấu hao những vấn đề khác.

Giá nước cho những sân chơi này trung bình 50.000 đồng/ly, không thể hơn được khi thực khách vừa muốn có niềm vui, vừa được đứng sân khấu, được nhạc công phục vụ ca hát nhưng phải vừa túi tiền. Còn nhớ kỷ niệm, khi P.G ra đời khai trương rầm rộ, khách ùn ùn kéo đến giá nước lúc đó “89.000 đồng/ly”, thế là cái tiếng nước mắc quá được người đi hát “truyền nhau” như tên bắn. Nhưng họ chẳng bao giờ nghĩ lại, để có được cái giá trị tinh thần sau mỗi lần vui chơi nó lớn biết chừng nào. Chưa kể, với giá nước ấy họ quen nhìn trên sân khấu bao nhiêu nhạc công phải dìu họ trong từng bài hát!? Xây dựng một mô hình văn nghệ nhưng mang tính văn minh ở Phan Thiết vô cùng khó. Dân làm văn nghệ ở Phan Thiết hay nói với nhau “tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa” là vì vậy.

Quang Nhân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa1/san-choi-giai-tri-am-tham-dong-cua-vi-sao-132094.html