Sân chơi lớn cho sản phẩm OCOP sau khi sáp nhập tỉnh
Mới đây, tại Lễ khai mạc Không gian triển lãm quy hoạch; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông nghiệp tiêu biểu chào mừng thành lập tỉnh Lâm Đồng mới, 10 hợp tác xã, doanh nghiệp của Bình Thuận (cũ) đã tham gia giới thiệu sản phẩm cùng với 50 doanh nghiệp của 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Trưng bày sản phẩm HTX thanh long sạch Hòa Lệ. Ảnh Thanh Duyên
Đây là sự kiện nhằm tăng cường giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP, nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng mới đến với du khách và nhân dân, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mới quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh và đầu tư... Đây không chỉ là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, HTX của tỉnh Lâm Đồng mới gặp gỡ, giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản.
Tham gia trưng bày dịp này, một số đơn vị có sản phẩm OCOP ở Bình Thuận (cũ) đã tham gia như nước mắm Thuận Hưng, gạo Đức Lan, hải sản Đầm Sen, nước mắm Bà Hai, các sản phẩm từ thanh long của Bảo Long… Đây là những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 4 sao, phần lớn là các mặt hàng truyền thống có thế mạnh nổi bật của địa phương, đặc biệt là nước mắm, mực khô, thanh long tươi... Tại hội nghị sơ kết 6 tháng tình hình kinh tế tập thể, HTX của Bình Thuận (cũ), HTX Dịch vụ Tổng hợp Sen Núi chia sẻ: “Khi 3 tỉnh sáp nhập về chung 1 nhà, các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu của mỗi tỉnh sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, là sân chơi lớn để mỗi chủ thể thỏa sức phát huy tiềm năng của mình, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Cùng với đó, là sự cạnh tranh, buộc các HTX phải chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới phương thức quản lý, từng bước chuyển đổi số trong quản trị điều hành hoạt động. Đặc biệt là chủ động tìm kiếm thị trường giải quyết đầu ra sản phẩm, cung ứng tốt các dịch vụ cho thành viên”.

Sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình. Ảnh: Thanh Duyên
Đến nay, Bình Thuận có 189 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm OCOP 4 sao và 182 sản phẩm OCOP 3 sao. Đắk Nông cũng chỉ có 110 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể, trong đó có 18 sản phẩm 4 sao và 92 sản phẩm 3 sao. Trong khi đó, Lâm Đồng có đến 583 sản phẩm OCOP toàn tỉnh được xếp hạng gồm hạng 5 sao (2 sản phẩm), 4 sao (87 sản phẩm), nâng cấp 4 sao lên 5 sao (7 sản phẩm), 3 sao (494 sản phẩm). Vì thế, khi 3 tỉnh hòa làm 1 thành tỉnh Lâm Đồng mới, sân chơi của sản phẩm OCOP vô cùng thú vị, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho những chủ thể. Đa số hiện nay các chủ thể sản phẩm OCOP có quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, theo kiểu truyền thống, vì thế sẽ đối diện với những thách thức, rủi ro, áp lực cạnh tranh cao so với sản phẩm OCOP có chất lượng và mức độ nhận diện cao. Khi vào một sân chơi lớn, đòi hỏi các quy định về an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn hiệu sẽ khắt khe hơn, nên có thể là rào cản đối với các hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ. Vì thế, các chủ thể phải chủ động thay đổi để nhanh chóng bắt kịp thị trường.
Mới đây, đặc sản của HTX thanh long Hòa Lệ và HTX Dịch vụ Tổng hợp Sen Núi là những sản phẩm OCOP đầu tiên của Bình Thuận (cũ) có mặt trên kệ hàng của Trung tâm Nông sản – Đặc sản Nông Phố của tỉnh Lâm Đồng mới. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự năng động của các chủ thể tìm kiếm, mở rộng thị trường, để khi tỉnh Lâm Đồng mới chính thức đi vào hoạt động, đặc sản của Bình Thuận, Đắk Nông đã gần hơn, hòa quyện thành sản phẩm chất lượng cao, đa dạng từ miền núi đến vùng biển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.