Sân chơi trí tuệ, khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học
KPă Hờ Thủy và Kpă Hờ Nhơ giới thiệu sản phẩm tham dự cuộc thi. Ảnh: TRUNG HIẾU
Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học lần thứ 7, năm học 2019-2020 vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên tổng kết trao giải. Cuộc thi này không chỉ là sân chơi trí tuệ, tạo môi trường cho học sinh sáng tạo KHKT, công nghệ mà còn góp phần đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT của tỉnh nhà.
Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học lần thứ 7 có 67 dự án dự thi, trong đó có 30 dự án của học sinh cấp THCS và 37 dự án của học sinh cấp THPT.
Nhiều dự án thiết thực
Theo đánh giá của ban giám khảo, các dự án tham dự cuộc thi KHKT lần này có chất lượng đồng đều, nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo tốt, chuẩn bị công phu, phù hợp với trình độ, gắn với kiến thức phổ thông được học trong nhà trường, có tính thực tiễn và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì nghệ nhân biết dệt thổ cẩm ở đây còn rất ít, phần lớn những nghệ nhân đã cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy cho con cháu. Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, KPă Hờ Thủy và Kpă Hờ Nhơ, học sinh lớp 9 Trường tiểu học và THCS Suối Trai (huyện Sơn Hòa) lên ý tưởng cho dự án Bảo tồn và phát triển nghề dệt vải thổ cẩm từ sợi bông và nhuộm màu tự nhiên của đồng bào dân tộc Ê Đê ở xã Suối Trai.
KPă Hờ Thủy cho biết: “Bắt tay vào thực hiện dự án, em và Kpă Hờ Nhơ mất hơn một tháng nghiên cứu, học hỏi, tìm nghệ nhân đóng các dụng cụ để dệt vải như: cán bông tách hạt, cung bật bông, xa quay sợi, khung dệt… Khi nghệ nhân đóng xong các dụng cụ, chúng em học cách kéo sợi, tách hạt bông, nhuộm màu, dệt vải…”. Còn Hờ Nhơ thì chia sẻ: Nghề dệt vải thổ cẩm quan trọng nhất là cách dệt. Khi dệt xong, mình phải chà một lớp cháo trắng lên sợi vải trên khung dệt rồi mới đem đi phơi nắng. Làm như vậy để sợi vải chắc, có độ bền.
Ở lĩnh vực khác, hai học sinh Trần Hữu Bách và Lê Hải Chấn, đều học lớp 11A7 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) đã mạnh dạn nghiên cứu mô hình Siêu thị thông minh, trong lĩnh vực hệ thống nhúng. Theo Lê Hải Chấn, ngày nay bên trong các siêu thị vẫn còn những hạn chế và bất tiện cho người dùng: thời gian chờ thanh toán, việc thanh toán chưa được tự động hóa; sự bất cập trong tra cứu thông tin và tìm kiếm vị trí sản phẩm; các chương trình marketing chưa mang lại hiệu quả vì chưa nắm bắt được nhu cầu của từng khách hàng…
Vì thế, Hữu Bách và Hải Chấn đã xây dựng ý tưởng, thiết kế một thiết bị có khả năng chỉ đường cho khách hàng tới vị trí sản phẩm cần tìm mua, kết hợp với một ứng dụng tra cứu thông tin, đặt hàng, thanh toán online và hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin sản phẩm. Dự án này đã được ban giám khảo đánh giá cao và đạt giải nhất tại cuộc thi.
Có thể ứng dụng phục vụ cuộc sống
Ngày nay, internet tác động lớn đến đời sống con người. Nó giúp con người liên lạc thuận tiện hơn và giúp loài người cộng tác trên một quy mô chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, mạng internet yêu cầu phải có cơ sở hạ tầng cố định. Chính vì lẽ đó mà Huỳnh Trần Khanh, học sinh lớp 11 Toán 2 Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh nghiên cứu dự án Mạng viễn thông phi tập trung Contrasleuth.
Theo Khanh, mục đích của Contrasleuth là trở thành mạng không dây tự động cấu hình lớn nhất trên thế giới. Mạng này có hai chế độ: Truyền tin đảm bảo và truyền tin khả năng. Người dùng có thể gửi tin nhắn tới một hay nhiều người dù có kết nối internet hay không, và các tin nhắn này sẽ được truyền tới người nhận trong thời gian sớm nhất. Các tin nhắn được sắp xếp một cách khoa học cho trải nghiệm giao tiếp tốt nhất.
Cũng như các dự án trên, nhiều dự án tham gia cuộc thi lần này đều có những tính năng rất hữu dụng với nhiều lĩnh vực khác nhau như: dự án Blue - Eyes thiết bị hỗ trợ đọc sách bằng giọng nói cho người khiếm thị của tác giả Phạm Nhật Hoàng, lớp 12 Lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Dự án Truy nã tội phạm bằng nhận diện khuôn mặt của tác giả Nguyễn Ngọc Thanh, lớp 11 Tin Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh hay dự án Bộ điều khiển nước tưới thông minh từ rác thải điện tử của nhóm tác giả Lê Thế Huynh và Lê Ngọc Duy, lớp 9D5 Trường THCS Trần Phú (huyện Sông Hinh)…
Theo đánh giá của ban giám khảo, các dự án tham dự cuộc thi KHKT lần này có chất lượng đồng đều, nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo tốt, chuẩn bị công phu, phù hợp với trình độ, gắn với kiến thức phổ thông được học trong nhà trường. Các dự án gắn liền với việc học tập, lao động, sản xuất, lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, robot và máy thông minh, phần mềm hệ thống, có tính thực tiễn và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
“Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học được Sở GD-ĐT tổ chức hàng năm. Trước khi bước vào cuộc thi cấp tỉnh, các phòng GD-ĐT, trường THPT đã tổ chức hội thi cấp cơ sở. Từ 250 sản phẩm dự thi cấp cơ sở, các đơn vị đã lựa chọn ra các dự án tốt nhất dự thi cấp tỉnh. Cuộc thi là một trong những hoạt động giáo dục có ý nghĩa lớn, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực mà ngành Giáo dục Phú Yên đang triển khai, góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh nhà”, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Phạm Văn Cường nói.